Mùi đồng ruộng

04/08/2019 07:18

Chao ôi, nhớ đến là nhớ! Thật, chẳng có nỗi nhớ nào da diết như nỗi nhớ quê hương.

Chao ôi, nhớ đến là nhớ! Thật, chẳng có nỗi nhớ nào da diết như nỗi nhớ quê hương. Mọi thứ lúc nào cũng hiện hữu trước mắt: mái hiên, vườn nhà, con ngõ, đường làng, triền đê, lũy tre, đồng ruộng… Cứ ngỡ tất cả như vừa mới hôm qua đây thôi, mặc dù bản thân mình đã rời quê lên thành phố ở gần hai mươi năm. Nhiều lúc tôi thấy mình chênh vênh giữa hai thái cực, người nằm ở phố nhưng hồn thì lại vấn vương ở quê. Không nghĩ thì thôi, nghĩ lại thấy mình là kẻ du mục xa lạ, lạc lõng và bơ vơ. Có những lúc thèm đến ngây dại, thèm được về bên quê nhà, bên đồng ruộng thân thương!

Quê tôi thuần nông. Người dân quanh năm bám đồng ruộng với mỗi năm hai vụ lúa cộng thêm một vụ xép ngô đông. Nhớ những ngày đương vụ, người đi làm đồng đông như trẩy hội. Sáng sớm, bình minh chưa kịp hé đã thấy tiếng í ới gọi nhau. Trâu bò, xe cải tiến, thúng mủng, mạ lúa cũng đã sẵn sàng cho ngày hội mùa cấy bắt đầu. Mùa cấy lúc nào cũng trùng vào hai thời kỳ khắc nghiệt nhất. Vụ hè thu thì nắng như rang lửa, bước xuống ruộng ngỡ chạm phải nước sôi vừa nấu. Mùa cấy vì thế mà chân tay đen thùi lụi, da bong tróc từng mảng. Ngược lại vụ đông thì rét mướt, nước lạnh như băng tuyết, chân tay co cóng thâm tím như bị đánh đập. Ấy vậy mà chưa bao giờ người dân kêu ca lấy một tiếng, có chăng một chút thở dài, trách nhẹ thời tiết.

Hồi đó nhà tôi có nuôi một con nghé. Nuôi được một năm con nghé trổ mã, áng chừng đến tuổi có thể cày kéo, bố tôi nói tôi phụ bố huấn luyện để đỡ tiền thuê cày. Và thế là tôi trở thành người bất đắc dĩ huấn luyện cho nghé vào mỗi chiều. Tôi có nhiệm vụ dắt nghé đi trước, bố cầm cày và dây điều khiển phía sau. Chú nghé đang tuổi ăn tuổi lớn, lần đầu làm việc cứ như thanh niên choai choai, sức vóc thì dư nhưng khi vào việc lại chẳng nên cơm cháo gì. Tôi dắt một đường, chú nghé đi một nẻo, bố thì khản cả giọng mà vẫn không ăn thua. Mỗi buổi tập cả bố, tôi và chú nghé đều lấm lem bùn đất, người mệt lử. Lúc lên bờ nằm xoài người trên trạt cỏ, ngửa mặt nhìn trời cao xanh, hương bùn cạnh bên ngai ngái nồng nồng. Đến cuối vụ, nhờ công tôi một phần chú nghé cũng biết cày những đường cày đầu tiên, bố nhìn tôi hài lòng. Chỉ có vậy thôi nhưng kỷ niệm đó khiến tôi nhớ đến nao lòng, nhớ vô cùng tận.

Rồi đến mùa đổ ải. Hồi đó nước dẫn ban ngày thường khan hiếm, vì ai cũng tranh thủ lấy nước vào ruộng nên chỉ có đêm về sáng là nước dôi ra nhiều. Có hôm tôi đi theo bố ra đồng, dẫn nước. Trong màn đêm quê tĩnh mịch, tiếng ếch nhái kêu ộp oạp mùi đất khô vỡ vụn trong dòng nước mát một cảm giác thanh bình chảy khắp cơ thể từ chân lên tới thân và đầu. Bàn chân tôi mềm nhũn, mát lạnh dưới đất ruộng. Cũng chính tại ô ruộng này, ít ngày sau đó sẽ hồi sinh những hạt mầm, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Một vụ lúa kéo dài độ 4-5 tháng. Mùa gặt luôn là mùa mà tôi mong đợi nhất. Đợi chờ cái hương thơm nưng nức của lúa tẻ, lúa nếp, của rơm rạ khô sao mà háo hức thế cơ chứ. Anh bạn tôi nói đó là thứ hương quyến rũ nhất trên thế gian, như là mùi hương của người yêu vậy. Thế nên cứ mỗi lần đến mùa gặt anh bạn lại xin công ty nghỉ phép chỉ chạy về quê ít hôm hít hà cho đỡ nhớ.

Nhà tôi nằm cạnh cánh đồng. Mỗi mùa hè đến được hưởng gió từ cánh đồng nhiều nhất. Gió đồng thổi vào lồng lộng mang theo hương bùn, hương cỏ và cả vô vàn mùi hương khác rất thích. Đêm đêm bố tôi bắc cái chõng tre ra ngoài sân, có hôm nằm ngoài sân mát quá anh em ngủ lúc nào không hay. Hôm cơ quan được nghỉ dài ngày, tôi mời đám bạn thân ở phố về chơi. Trên chiếc chõng năm xưa, mâm cơm giản dị dọn ra thêm đôi chén rượu quê chúng tôi đã có một "bữa tiệc” vui vẻ đúng nghĩa. Thằng bạn ở phố tếu táo rằng tôi chẳng cần du lịch đâu xa, cứ về nhà như thế này là thích. Tự nhiên tôi thấy mình thật hạnh phúc, may mắn vô cùng khi được sinh ra và lớn lên từ đồng ruộng.

Hôm lâu rồi tôi về quê, đi ngang cánh đồng đang mùa lúa chín, thật lạ, cái mùi năm xưa vẫn vẹn nguyên tinh khôi như thuở nào. Lòng nao nao xao xuyến đến lạ kỳ. Thật, chẳng có mùi nào bình yên hơn mùi đồng ruộng!

Tản văn của CAO VĂN QUYỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mùi đồng ruộng