Căn bếp và ngọn lửa ấm

29/01/2018 08:13

Căn bếp luôn in hằn trong trí nhớ mỗi đứa con xa quê, nhất là những ngày trời chùng chình rét mướt, cây cối cũng muốn khoác áo bông.

Căn bếp luôn in hằn trong trí nhớ mỗi đứa con xa quê, nhất là những ngày trời chùng chình rét mướt, cây cối cũng muốn khoác áo bông. Căn bếp của mẹ tôi đã bao mùa đỏ lửa, được thắp lên sau mỗi giờ làm đồng, làm vườn, là nơi mẹ từng chăm sóc những đứa con, giờ lại lui cui chăm sóc cha khi những đứa con đi xa.

Từ thuở xa xưa, căn bếp đã dành cho người phụ nữ, là không gian thể hiện sự đảm đang cùng những chăm lo yêu thương cho chồng con. Dù to hay bé, dựng riêng biệt hay được ngăn ra từ một chái nhà, bếp vẫn là một góc sinh hoạt sinh động và thể hiện sâu sắc nhất sự tảo tần của mẹ.

Tôi nhớ những ngày mùa đông rét mướt năm ấy, trong gian khó bần hàn, các thành viên thường quần tụ sưởi ấm, ăn chung nồi ngô luộc, củ khoai nướng. Cha nhẩm ngày tính tháng chăm sóc vườn rau chờ cữ cuối năm mang ra chợ bán, phục vụ bà con đón Tết. Năm ấy rau đắt, người buôn về tận vườn mua rau. Nhưng cha bảo để mang ra chợ bán được giá hơn. Anh cu Hĩn cũng tham gia các phiên chợ cuối năm với cha. Vậy là ba anh em chúng tôi đã được mua áo rét mới. Trong bập bùng ánh lửa, chúng tôi thử áo. Vừa vặn. Ấm áp. Bọn trẻ chúng tôi cảm nhận được sự quan tâm, tình yêu của mẹ dành cho cha, của cha mẹ dành cho các con, hương của mùa quyện trong tình yêu của mỗi thành viên dành cho nhau. Cũng trong căn bếp ấy, mẹ dạy anh em chúng tôi những bài học làm người, sống thật thà, lễ nghĩa, trên kính dưới nhường, chịu khó học hành tấn tới.

Cuối đông hoa cải vàng rực đồng, vàng rực bến sông quê, con sông trăn trở nằm ngẫm nghĩ về ngày rộng tháng dài. Mẹ nấu cơm cho cha ăn mỗi bữa và chờ các con. Dù sống ở phố xá, mỗi tháng tôi đều cố gắng về với mẹ một lần, để lại được nhặt nhạnh những cành củi ở cuối làng về đun, để “học” lại tuổi thơ. Mẹ vui lắm, cứ luýnh quýnh cười, ngóng ra ngoài ngõ, bảo: “Em gái con mà cùng được về nấu bếp nữa thì tuyệt quá!”. Em gái tôi lấy chồng bên kia sông. Cũng làng quê gần thị trấn. Em và gia đình chồng bên ấy đã dùng bếp ga, bếp điện, mỗi năm chỉ nổi lửa bếp củi duy nhất một lần để nấu bánh chưng…

Mùa đông năm nay nhiều đợt rét. Cây mận góc vườn trơ gầy những cành khẳng khiu với những cái nụ bé xíu đang chờ nắng ấm. Ngọn lửa trong căn bếp bập bùng trăn trở, tí tách trong chiều sương giá một ngày tháng chạp. Nó nói rằng chúng tôi đã lớn lên bằng bao mùa nhọc nhằn của mẹ. Nó nói với tôi rằng, chính mẹ và cha chắp cánh ước mơ cho các con, truyền lan ngọn lửa yêu, khát vọng và tôi cần phải giữ mãi ngọn lửa ấy. Sau này tôi có gặp một nhà thơ yêu sự hoài niệm. Anh yêu mẹ và bếp lửa của mẹ đến nỗi đã mua một căn nhà ở ngoại thành để đón mẹ từ quê lên nuôi dưỡng, để mẹ vẫn là người thắp căn bếp của mình như hằng thắp nơi quê.

Dù đi rất nhiều nơi, nếm biết bao của ngon vật lạ, được nấu ở nhiều căn bếp khác nhau, tôi vẫn nhớ xiết bao hơi ấm và mùi hương trong căn bếp yêu thương của mẹ. Đôi khi chúng ta vì chinh phục những thứ cao siêu, bận bịu chạy theo guồng quay của cuộc sống mà quên mất những điều bình dị ở bên mình. Như một tiếng chim bên hàng cau. Một tiếng cá quẫy. Một làn khói tỏa hay cũng có thể chỉ là dáng mẹ vẫn cần mẫn thổi lửa. Ấy thế mà bếp mẹ luôn ấm và rộng lượng. Mẹ vẫn là linh hồn của căn bếp. Mẹ vẫn là ngọn lửa. Sao chúng ta không về bên mẹ, nghe bếp kể chuyện, nghe hơi thở của mùa ấm quyện cùng ngọn lửa của tin yêu. Chúng ta sẽ sống chậm lại, biết chia sẻ và yêu những điều bình dị.

Tản văn của NGUYỄN VĂN HỌC

(0) Bình luận
Căn bếp và ngọn lửa ấm