Trần Mai Hưởng - rong ruổi những nỗi niềm

09/07/2017 08:19



Nếu bạn đọc đã quen với tên tuổi của Trần Mai Hưởng với tư cách nhà báo thì sẽ bất ngờ khi cầm trên tay tập thơ đầu tay “Lời người bán rong” bởi thấy một Trần Mai Hưởng thi sĩ luôn “cộng hưởng và thăng hoa cảm xúc” với những biến động của nhân tình thế thái.

Thơ Trần Mai Hưởng không phải thứ thơ “làm dáng” điệu đà, bẻ vần, làm khó câu, trúc trắc nghĩa, mà chân thành, đau đáu, xót thương. Dường như ông được thừa hưởng từ những chuyến “xê dịch” của nghề báo mà tứ thơ được đắp bồi một cách rất tự nhiên như phù sa âm thầm lắng đọng hết ngày này qua ngày khác. Thử nhìn lại 90 bài thơ trong tập “Lời người bán rong”, bạn đọc thấy ngay điều đó ở tên các thi phẩm: "Nhân dân", "Gửi người hát then", "Mặt thật", "Đường lên Tây Bắc", "Tổ quốc ở Tiên Lãng", "Đứng trước biển"… Chắc hẳn không phải ngẫu nhiên Trần Mai Hưởng “nhấc” vị trí bài thơ đầu tiên trong tập “Lời người bán rong” là “Nhân dân” mà có lẽ ông muốn một chiếc “cầu nối” vừa bình dị, vừa vĩ đại, vĩnh hằng để đi từ cảm xúc, cái nhìn rộng đến hẹp, từ cái ta sang cái tôi, từ chưa và có, từ “máu và hoa”, từ đau thương và hùng tráng… với những câu thơ: “Lịch sử mấy ngàn trang giông bão/ Máu nhân dân tưới đẫm từng dòng/ Mỗi thanh gươm một đường cày hy vọng/ Hạnh phúc gieo trên mỗi mảnh đất cằn”…

Đau đáu với nhân dân, đất nước còn là những vần thơ đầy lo âu: “Nàng Mỵ Châu còn khóc bên bờ biển/Nỗi giận mình bao thế kỷ chưa nguôi”. Nhưng cho dù những biến cố thăng trầm của đất nước như thế nào thì tác giả vẫn dành trọn vẹn niềm tin vào tương lai phía trước mà không bi lụy hay bi kịch hóa mọi nỗi đau: “Trái tim lớn không thể nào nhầm chỗ/Minh triết Việt chỉ đường qua gian khó hiểm nguy. Bờ cõi núi sông ngàn năm tiên tổ/ Ảo ảnh tan rồi thêm rõ đường đi”.

Mỗi bài thơ của Trần Mai Hưởng như một “câu chuyện” với đầy đủ không gian, thời gian, sự lắng đọng đầy tư lự và những dấu chấm hỏi của riêng tác giả đem đến cho người đọc nhiều liên tưởng cùng suy ngẫm cuộc đời. Viết về “Hà Nội vắng” trong những dịp lễ, Tết: “Bớt quá nửa số người/Thành phố như rộng hơn/Những vỉa hè hiện ra/Vừa quen vừa xa lạ”. Ngay những câu thơ đầu tiên, tác giả nhìn phố phường bằng con mắt toán học với phép tính “bớt đi” số người của đô thị vốn ồn ào náo nhiệt và nhận lại trong mắt mình bằng một không gian khác - rộng hơn, có vỉa hè. Nhưng nếu chỉ dừng lại có thế thì câu thơ chỉ thuần túy “miêu tả” những điều hiển nhiên, ai cũng có thể nhìn thấy, cảm thấy. Nhưng điều bất ngờ bật ra và tạo nên “thi ảnh” cho những gì “mắt thấy” chính là câu “Vừa quen vừa xa lạ”. Quen và lạ, hai trạng thái cảm xúc trái ngược nhau này đôi khi làm cho chính người đọc thấy phân vân không biết tác giả vui hay buồn khi phố phường bị bớt đi quá nửa số người, hay là cả sự lẫn lộn của vui buồn tư lự. Những gì vốn thân quen, tưởng chừng như bất biến, khó dịch chuyển, in hằn trong tâm trí mỗi người thì cứ dần dần thay đổi bởi những đông đúc của đời sống đô thị đến nỗi con người ta chấp nhận sự thay đổi ấy hiển nhiên như một thói quen. Để rồi một ngày, sự đổi thay ấy bỗng tạm lùi đi, trả những gì quen thuộc lại khiến người ta thấy “lạ”: “Một ngày vắng/ Thành phố thoáng chút ngẩn ngơ/Tiếc những gì mất đi/ Mơ những điều chưa tới…”.

Bài thơ “Lời người bán rong” được lấy làm tên tập thơ viết về cảnh đời của cô gái đi bán muối rong và chàng trai đi bán báo rong. Hai con người này tưởng chừng chẳng có điểm gì chung thế mà qua con mắt của Trần Mai Hưởng họ lại có nhiều điểm tương đồng. “Em đi bán muối rong/Một khối tình của biển/Trĩu nặng đôi vai trần/Chân bước qua phố phường/ Cất lời rao đậm nhạt/Những âm thanh trầm buồn/Trôi theo lòng phố hẹp”. Những câu thơ 5 chữ đầy tâm tư của nhân vật em đi bán muối nhỏ bé, thưa thớt và dễ dàng bị biết bao âm thanh nhộn nhịp của phố phường át đi, trở nên lạc lõng, rời rạc. Còn “Anh đi bán báo rong/ Thồ những trang sự thật/ Vòng bánh xe gập ghềnh/ Lắc lư những ngả đường/ Chữ chất chồng nghiêng ngả/ Nghe giấy thở xốn xang/ Nỗi nhân gian mờ tỏ”. Hai con người, hai lựa chọn mưu sinh không giống nhau, số phận khác nhau… ấy thế mà lại hiện lên “những trang sự thật”, thật đến mức chỉ có thể “cảm” được bằng sự đau đáu, thổn thức của người đồng cảm chứ không có dòng chữ nào về cuộc đời của họ trên trang báo. Và “những trang sự thật” này là một phát hiện của ngòi bút nhà báo với sự rung cảm của trái tim đầy chất thi sĩ Trần Mai Hưởng. Nếu Trần Mai Hưởng chỉ là một nhà báo bình thường thì có lẽ ông không nhạy cảm và có những liên tưởng như vậy.

Đọc từng bài thơ của Trần Mai Hưởng, bạn đọc như được dự phần trong mỗi dịch chuyển không gian và thời gian mà rong ruổi cùng ông. Và trong cái sự rong ruổi ấy lại được lắng nghe những nỗi niềm của ông. Có những nỗi niềm thoáng qua, có những nỗi niềm giản dị, nhưng có nỗi niềm lớn lao, thấm đẫm tâm tư, trở đi trở lại như nỗi ám ảnh của một người luôn dõi theo thăng trầm của đất nước…

HÀ ANH

Nhà văn, nhà báo Trần Mai Hưởng sinh năm 1952, quê ở Hải Dương. Ông từng là phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam tại Mặt trận Quảng Trị (1972 - 1973), Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975), chiến trường Campuchia (1978 - 1980). Ông là tác giả bức ảnh nổi tiếng “Xe tăng Quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập trưa ngày 30.4.1975".

Nhà văn, nhà báo Trần Mai Hưởng từng là Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Tổng biên tập Báo Việt Nam News.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trần Mai Hưởng - rong ruổi những nỗi niềm