Một số vụ án oan giết chồng trong văn học Việt Nam

10/11/2019 08:55

Trong văn học Việt Nam, chúng ta gặp một số vụ án hoặc vụ việc có tình tiết giống với vụ án mà đương sự, thủ phạm là những người vợ bị kết tội âm mưu giết chồng (thành hoặc chưa thành).

Trong văn học Việt Nam, chúng ta gặp một số vụ án hoặc vụ việc có tình tiết giống với vụ án mà đương sự, thủ phạm là những người vợ bị kết tội âm mưu giết chồng (thành hoặc chưa thành). Đó là một hình thức “ký sự pháp đình” xảy ra trong những điều kiện lịch sử cụ thể.  

Vợ sát hại chồng bằng rắn độc trong truyện Vụ án rắn giả lươn

Giống như câu chuyện Người con gái Nam Xương, điểm căn cốt để tạo dựng nên câu chuyện Vụ án rắn giả lươn chính là một sự kiện có thật trong đời sống xã hội đương thời. Vụ án mạng gây chấn động dư luận này gắn với giai thoại về tài năng xử án của một viên quan thời Hậu Lê là Bùi Cầm Hổ (1390 - 1483). Trải qua thời gian, nó đã được dân gian hóa và trở thành sản phẩm của nhân dân.

Tình huống của câu chuyện đậm chất kịch, gồm các giai đoạn: mở đầu, thắt nút, phát triển, cao trào, gỡ nút. Trong đó, cao trào là sự bế tắc của vụ án khi cách tra xét thông thường đã không thể xác định chính xác hung thủ. Và đương nhiên, mọi sự nghi vấn đều tập trung vào đối tượng khả nghi, nhất là người vợ.

Với trách nhiệm của một người được giao trọng trách “cầm cân nảy mực” trong vụ án, Bùi Cầm Hổ không cho phép mình bàng quan trước số phận con người, nhất là một người phụ nữ đang kêu cứu thấu trời xanh. Quả là như cổ nhân đã dạy: mọi vật khi đạt đến cùng cực, tất sẽ tạo ra sự biến đổi, biến đổi tất sẽ tự nhiên thông suốt. Bùi Cầm Hổ đã “gỡ nút” được “vở kịch”, khai thông vụ án bằng cách làm sáng tỏ nguyên nhân dẫn đến cái chết của người chồng. Từ đó, minh oan kịp thời và cứu người vợ thoát khỏi bản án tử hình.  

Vợ mưu sát chồng bằng dao khâu trong truyện Quan âm Thị Kính

Truyện thơ Quan âm Thị Kính (khuyết danh, bản in lần đầu năm 1868). Thị Kính bị gán cho tội giết chồng là Thiện Sỹ trong một tình huống hết sức điển hình: cắt râu chồng khi đang ngủ. Việc nàng chọn con đường tu thiền là hệ lụy (quả) mà nàng phải gánh chịu trực tiếp từ việc làm (nhân) của mình theo minh triết Phật giáo. Thị Kính muốn tìm đến sự tự giải thoát. Ở đây, xung đột xã hội (giữa gia đình họ Sùng với cô con dâu họ Mãng - tức Thị Kính) đã được chuyển từ bên ngoài vào bên trong chủ thể nhận thức và hóa giải bằng Phật pháp nơi cửa từ bi. Kết quả cuối cùng của sự chuyển hóa xung đột này, Thị Kính đã đạt đến tâm không (sự thực hữu không làm mảy may tác động), sau khi thực sự “Quán thế âm” (nghe thấu tiếng đời). Chứng cớ hiển nhiên là “Hôm cử hành đàn chay, thì trên trời, giữa một đám mây năm sắc, đức Phật Thiên Tôn hiện ra phán truyền cho Kính Tâm thành Phật Quan Âm” và truyện thơ cũng cho biết Thị Kính: “Ra tay cầm quyết bước lên trên tòa/ Siêu thăng thoát cả một nhà/ Từ đây phúc đẳng hà sa vô cùng”.

Cách xử trí của Thị Kính cũng gián tiếp bộc lộ sự bất lực của hệ thống tư pháp đương thời. Thân phận người dân chẳng khác nào con sâu, cái kiến giữa bão táp vùi dập của cái ác, sự bất công trong xã hội. 

Vợ “cố sát” chồng bằng dao rọc sách trong tiểu thuyết Đoạn tuyệt

Tiểu thuyết Đoạn tuyệt của Nhất Linh, xuất bản năm 1934. Dấu ấn tài hoa của Nhất Linh được thể hiện qua việc tiếp cận hiện thực dưới góc độ tâm lý - hiện thực; để các tình tiết diễn biến như chúng vốn có, theo trình tự tuyến tính. Trong đó, điểm tập trung nhất, có tính điển hình cao là cảnh Thân lao vào đánh vợ và ngã ra trước mũi dao vô tình của Loan. Nhờ vậy, bức tranh hiện thực hiện lên hết sức khách quan, phù hợp với quy luật của đời sống xã hội. Có thể nói chính cuộc tình duyên đầy bi kịch giữa Loan và chồng là nguyên nhân sâu xa đưa đẩy cô đến con đường trở thành một tội đồ bất đắc dĩ. “Loan (…) thương cho thân nàng, cái tuổi xanh của nàng đã phải phí đi để hiến cho một người không yêu nàng và không đáng có quyền được yêu nàng”, “Loan không bao giờ yêu Thân”. Đó là sự dồn nén tích tụ của những cam chịu, uất ức kéo dài và đã bùng phát thành khát vọng giải phóng trong một thời điểm điển hình. Loan giống như con chim bị nhốt lâu ngày, luôn khao khát trời xanh; gặp được thời cơ thoát cũi, sổ lồng là vỗ cánh bay cao. Bởi vậy, khi nhân viên sở cẩm (cảnh sát) ập tới bắt Loan vì tội gây nên cái chết cho chồng thì cô cảm thấy dửng dưng. Thậm chí lúc bị giải đi, bước khỏi cửa nhà chồng, Loan có được sự thanh thản, nhẹ nhõm như vừa ra khỏi “chốn tù ngục” đã giam hãm mình bao nhiêu năm.

Khác với Thị Kính (chỉ được minh oan sau khi từ giã cõi đời), Loan được tòa tuyên trắng án và tha bổng vì không đủ căn cứ kết tội. Đây là một vụ án lý tưởng theo kiểu xử đúng người, đúng tội dưới cái nhìn nghệ thuật của một nhà văn lãng mạn giai đoạn 1930 - 1945.

Ba vụ án và vụ việc trên đều cho thấy kẻ “chủ mưu” đồng thời là nạn nhân. Tuy mỗi vụ thể hiện một khía cạnh bi kịch riêng trong đời sống cá nhân của người phụ nữ trong xã hội cũ nhưng có điểm tương đồng là khát vọng về sự giải phóng con người nói chung và phụ nữ nói riêng. Khát vọng ấy, gắn với tiến trình vận động của tư tưởng giải phóng phụ nữ theo hướng từ bóng tối vươn ra ánh sáng.

TRỊNH TUẤN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một số vụ án oan giết chồng trong văn học Việt Nam