Một hành trình về chuyện đời, chuyện nghề

14/10/2018 14:40

Gom nhặt dọc đường (tập 1) là tập tản văn mới nhất của tác giả Nguyễn Thanh Cải được Nhà xuất bản Dân trí ấn hành vào tháng 3.2018.



Gom nhặt dọc đường (tập 1) là tập tản văn mới nhất của tác giả Nguyễn Thanh Cải được Nhà xuất bản Dân trí ấn hành vào tháng 3.2018. Tập sách này gói gọn 54 câu chuyện đời, chuyện nghề và chuyện tản mạn về thế sự. Truyện trải rộng ra rất nhiều cung bậc, từ khi tác giả còn làm Chủ nhiệm HTX tí hon, đến những năm tháng hiện tại, khi ông đã sắp bước vào độ thất tuần. Không gian truyện được đề cập tới nhiều vùng đất, từ làng Rùa quê ông đến những cánh rừng chưa được đặt tên, những chuyến đi qua các quốc gia ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ... Những dấu ấn cuộc đời tác giả từ Chiếc lọ mực hình con voi, qua Claraia Vũ Khúc - những lộ trình tìm mỏ, rồi Định mệnh hay duyên nghiệp, đến Chẳng bao giờ làm lại được ngày xưa... Nguyễn Thanh Cải đã "gom nhặt dọc đường" thành 54 tác phẩm. Hành trình của ông vượt qua những năm tháng thanh xuân xuyên rừng tìm tài nguyên cho Tổ quốc và thời làm báo, làm văn. Tác giả đã “gom lại” rất nhiều địa danh, nhiều nhân vật và sự kiện để khái quát nên bức tranh đa sắc diện, giàu cảm xúc! 

Đọc Gom nhặt dọc đường, tôi tạm chia cuốn sách này ra làm ba mảng đề tài lớn, gồm: gia đình; quê hương; nghề nghiệp và thế sự. Chiếm dung lượng khá lớn là mảng đề tài gia đình và quê hương. Thêm một lần nữa ta gặp lại một làng Rùa quê ông, một làng quê ba mặt giáp sông ở cuối huyện Tứ Kỳ. Vẫn bóng dáng những nhân vật đã gặp trong những truyện ngắn và tiểu thuyết lần trước… mà lần này lại thấy xuất hiện thêm nhiều nét mới, cho dù chuyện đã từ xa xưa lắm mà vẫn đầy ắp tính thời sự như vừa mới hôm qua!

Gom nhặt dọc đường được bắt đầu bằng một tản bút cùng tên, làm nhan đề cho cả tập. Sau phút trải lòng của tác giả là những hồi ức được phát lộ qua những mẩu chuyện: Có những lúc mộng mơ và những lần nhảy hụt, Hợp tác xã tí hon, Một vùng cua cáy, Khói hương làng tôi, Ấn tượng một vùng đất, Ngày bố mình đột ngột ra đi, Những người làm xiếc trên đồng… Đó là miền ký ức đã bao năm nay đeo bám theo ông. Nguyễn Thanh Cải đã dành rất nhiều trang viết khắc họa những người thân, ruột thịt, những người dân hiền lành, nhân hậu, bao dung cả đời gắn bó với vùng quê lúa. 

Chiếm một dung lượng khá lớn trong Gom nhặt dọc đường còn là những tiểu phẩm viết về con đường duyên nghiệp. Ở đó có hồi ức về những năm tháng tác giả rời quê hương vào ngành địa chất. Ở đó có những ngày gian nan đèn sách, có những lộ trình ông đi tìm tài nguyên cho đất nước, khám phá các địa tầng… Ông đã viết những câu chuyện dọc đường đời địa chất, làm báo, viết văn bằng tâm huyết, sự lãng mạn, tâm thế khao khát sống và dấn thân. Tác giả đã gieo vào lòng bạn đọc những suy ngẫm về lý tưởng, trách nhiệm cá nhân về nghề nghiệp, về tình yêu cuộc sống. Định mệnh hay duyên nghiệp, cảm nhận về nghề và những trải nghiệm… mỗi câu chuyện đều được cài cắm nhiều chi tiết khá “đắt”, khắc họa những hoàn cảnh sống khác nhau… Đọc Gom nhặt dọc đường, ta gặp cái nghèo khó của thời bao cấp, gặp những nỗi lo mưu sinh của rất nhiều thế hệ… Qua những tác phẩm ấy giúp ta như được gặp lại chính mình, như có cảm giác “chạm” được, “sờ” được vào quá khứ hôm qua. Định mệnh hay duyên nghiệp, Đá đĩa - niềm tâm tưởng của người địa chất, Tên người bạn tôi được thờ trong miếu, Dấu ấn dọc đường, Có phải xưa bán tranh mà tôi bán mất nghề vẽ, Nhà văn Cao Năm là nhân vật sống trong một truyện của tôi, Lý Biên Cương- nhà báo, nhà văn lãng tử… là những câu chuyện như thế!

Gom nhặt dọc đường hàm chứa một mảng đề tài rất rộng, đa chiều, được tác giả gửi gắm nhiều điều. Xâu chuỗi quãng thời gian dài suy nghiệm, với góc nhìn thấu việc đời của một người làm báo, viết văn, Nguyễn Thanh Cải đã khắc họa bức tranh xã hội đa tầng, với những câu chuyện về cái thời nay còn lắm “nhiễu nhương”. Ông viết về những nhân vật với đủ dạng chân dung; viết về cái xấu, cái ác… với thái độ rõ ràng. Qua lăng kính của ông, mọi việc bỗng trở nên sáng rõ. Đọc những: Người xã viên mới trong nông nghiệp nông thôn ngày nay, Chuyện kể về tên cướp thời xưa, Chuyện bán mua bây giờ, Gặp người trồng rau ở quận Cam… Đó là những nghĩ suy, cảm nhận về cuộc sống, là những rung động nhạy cảm qua những hành trình ông tới những miền quê dọc dài đất nước, tới châu Mỹ, châu Âu… Qua cách hành văn điềm tĩnh, giàu ý tứ, Nguyễn Thanh Cải đã kể lại những câu chuyện đời thực, về những thân phận mưu sinh, về nhân tình thế thái… Và nữa, trong tập sách này còn có nhiều câu chuyện được viết rất hóm hỉnh, giàu chất trào lộng. Qua những mẩu chuyện: Ghen, Cùng nói chuyện với cháu về Singapore, Dọc đường bia rượu… người đọc buộc phải dừng lại, buông sách ra mà cười và suy nghĩ.

VĂN NÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một hành trình về chuyện đời, chuyện nghề