Bài học từ cảnh sắc quê hương

03/06/2018 15:44

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng là người khá nặng lòng với trẻ thơ. Anh có đến 5 tập thơ dành cho thiếu nhi gồm: Cầm sợi gió trên tay, Lửa trời nhóm bếp, Còng con tìm mẹ, Gọi trăng, Hương tuổi thơ.

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng là người khá nặng lòng với trẻ thơ. Anh có đến 5 tập thơ dành cho thiếu nhi gồm: Cầm sợi gió trên tay, Lửa trời nhóm bếp, Còng con tìm mẹ, Gọi trăng, Hương tuổi thơ. Tập thơ nào cũng có những bài thật hay, lắng đọng trong lòng bạn đọc. Trong số đó, với tôi, Vườn cau quê nội mang lại ấn tượng sâu sắc nhất bởi khi đọc bài thơ này, hẳn các độc giả nhỏ tuổi sẽ có được nhiều bài học bổ ích từ những gì thân thuộc, yêu thương ngay trên chính mảnh đất quê hương nguồn cội của mình.

Ấn tượng ban đầu khi các bạn nhỏ bắt gặp nơi quê nội là hình ảnh vườn cau trông rất "nghiêm trang", "thẳng đều tăm tắp". Nếu thơ viết thuần túy cho người lớn, tả vườn cau như thế là không cần thiết. Nhưng đây là bài thơ viết cho thiếu nhi, các em sẽ cảm được phẩm chất đáng quý tỏa ra từ cây cau nhà nội. Dù có cây cao, cây thấp, nhưng tất cả đều ngay lối thẳng hàng như chính cau đã có ý thức "đang xếp hàng" tự bao giờ không rõ. Thơ viết cho con trẻ, vừa gợi được tình yêu với cảnh sắc quê hương, đất nước vừa mở ra bài học về cuộc đời quả là điều đáng quý:

Dù có ngọn cao, ngọn thấp/Cây nào cũng đứng nghiêm trang/Dọc ngang thẳng đều tăm tắp/Như thể cau đang xếp hàng.

Thân cau mọc thẳng đều tăm tắp, đứng yên bất động như nhà binh, nhưng lá cau mỏng và nhẹ nên bị gió trời lay động. Chính sự phát hiện có vẻ ngồ ngộ đó đã khiến cho ý thơ bay bổng hơn, hình ảnh vườn cau quê nội hiện lên thật sinh động và tinh tế:

Gió đưa tay lá nhịp nhàng/Như chúng em tập thể dục/Lúc lại chỉnh tề nghiêm túc/Như là bộ đội duyệt binh.

Gió thổi vào hàng cau, lá cau cũng nhịp nhàng theo gió được tác giả liên tưởng đến bài tập thể dục của con trẻ ở trường, ở lớp. Lại thêm một góc mở nữa về bài học trong cuộc sống. Tập thể dục là phải đưa tay, đưa chân cho nhịp nhàng đấy nhé! Cây cau làm được, lẽ nào các em lại không? Lời nhắn nhủ nhẹ nhàng mà sâu lắng ấy được nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng khơi gợi thật tài tình bằng một tâm hồn am hiểu trẻ thơ.

Bài học làm người cho con trẻ về sự ngay thẳng, chỉnh tề, hòa đồng dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào trong hai khổ thơ đầu đã được tác giả chuyển qua giáo dục về tình yêu đối với cái đẹp ở hai khổ cuối. Thân cau thẳng đều giúp các em có lối sống đứng đắn, tử tế. Lá cau nhịp nhàng cho em bài học về sự giao hòa, đồng thuận. Còn hoa cau li ti trắng ngần, thơm thảo lại cho các em có cái nhìn đầy mỹ cảm, nhờ đó mà có tình yêu thiết tha trước thiên nhiên tươi đẹp của đất nước, quê hương:

Như những chòm sao nhỏ xinh/Trắng ngần li ti hoa nở/Ngan ngát trăm bầu hương vỡ/Vẫy mưa gọi nắng xuân về...

Phép so sánh trong khổ thơ trên là một phát hiện sâu sắc và tinh tế của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng. Hoa cau li ti nở trắng ngần như những vì sao trên bầu trời lung linh tỏa sáng. Hoa cau ngan ngát thơm như "trăm bầu hương vỡ" đã làm cho hình tượng thơ đẹp một cách diệu kỳ. Vậy là từ tình yêu với cảnh vật thiên nhiên, các em sẽ biết yêu tha thiết cội nguồn, đất nước. Bài thơ khép lại bằng niềm vui háo hức của trẻ thơ mỗi lần được về quê nội lắng trong mùi hương cau thoang thoảng, được nghe tiếng bà kể chuyện đời xưa:

Mỗi lần thăm nội thăm quê/Vui nhất là đêm trăng sáng/Trong mùi hoa cau thoang thoảng/Nghe bà kể chuyện đời xưa.

Thơ viết cho thiếu nhi thoạt qua có cảm tưởng dễ viết, nhưng để có được một bài thơ hay đi vào lòng bạn đọc, quả là không dễ chút nào. Phải có tình yêu tha thiết với các em, nhất là ý tưởng phóng chiếu để mở ra những chân trời mơ ước, những bài học cuộc đời cho con trẻ, lúc đó thơ mới đằm sâu, lắng đọng tâm tình. Vườn cau quê nội của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng, với tôi, ít nhiều đã có được những phẩm chất đáng quý ấy.

LÊ THÀNH VĂN

Vườn cau quê nội

Dù có ngọn cao, ngọn thấp
Cây nào cũng đứng nghiêm trang
Dọc ngang thẳng đều tăm tắp
Như thể cau đang xếp hàng.

Gió đưa tay lá nhịp nhàng
Như chúng em tập thể dục
Lúc lại chỉnh tề nghiêm túc
Như là bộ đội duyệt binh.

Như những chòm sao nhỏ xinh
Trắng ngần li ti hoa nở
Ngan ngát trăm bầu hương vỡ
Vẫy mưa gọi nắng xuân về...

Mỗi lần thăm nội thăm quê
Vui nhất là đêm trăng sáng
Trong mùi hoa cau thoang thoảng
Nghe bà kể chuyện đời xưa.

NGUYỄN NGỌC HƯNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài học từ cảnh sắc quê hương