Phép màu

08/11/2020 10:18

Nhiều năm đã qua, tôi giờ là một chàng trai sắp bước qua tuổi 18, vẫn luôn nhớ đến cô. Chính cô đã giúp tôi thoát khỏi hai chữ “tự kỷ” để hòa nhập với mọi người.



Năm tôi lên 7 tuổi, bà mất, chị tôi đi lấy chồng nên căn nhà càng hiu quạnh hơn. Bố tôi ít khi có nhà nên ngôi nhà thành chốn không người. Tôi cô đơn, lạc lõng kiếm một chỗ cho mình trong khu vườn bạt ngàn xanh mướt bên nhà. Lang thang để tìm thấy niềm vui, tìm vị thần Khumnia trong câu chuyện bà kể và lập nên một nơi trú mưa, che nắng cho mình.

Khi bố tôi chuyển công tác về ngôi trường gần nhà thì bố bắt tôi đi học. Cả lớp toàn bọn trẻ con lít nhít, bé hơn tôi. Tôi cao nghều nên ngồi cuối lớp. Tiết học đầu tiên của tôi thật đặc biệt. Lớp học ồn ào và nhốn nháo. Cô giáo bước vào lớp. Cô nghiêm nét mặt, gõ thước xuống bàn. Cả lớp im phăng phắc. Tiết học diễn ra một cách chán ngắt và nhạt nhẽo làm tôi êm đềm lạc vào miền đất hứa. Nhưng giấc mơ chẳng đẹp chút nào do cái u trên đầu tôi và những chữ cô cố nhét vào tai tôi cứ lởn vởn. Tôi nghĩ ít nhất cô sẽ thông cảm cho đứa học trò chưa từng phải dậy sớm đi học như tôi.
Nhưng không, cô gặp bố tôi sau buổi học và nói là tôi ngủ gật trong lớp.

- Tôi mong cô quan tâm đến thằng Hoàng. Nó bị tự kỷ nhẹ, thiếu thốn tình cảm... Tôi thì dạy học trên miền núi bao năm nay, giờ mới được về gần...

Tôi nép sau cánh cửa phòng chờ của giáo viên, nghe thấy hết.

Người lớn luôn như vậy, họ nói to những điều không nên nói. Họ nghĩ chúng sẽ chẳng nghe thấy đâu, nhưng tôi vẫn nghe thấy những thứ không muốn nghe. Chạy nhanh khỏi nơi đó, tôi ôm chân ngồi khóc dưới gốc cây xà cừ già nua. Đánh thức tôi ra khỏi cơn mê man là cái vỗ nhẹ của cô vào vai tôi và những câu nói nhẹ như gió thoảng. Tôi chẳng nghe được gì hay có lẽ nước mắt đã làm mờ đi thính giác, tôi chỉ biết ôm cô thật chặt, để thỏa cơn khát hơi ấm gia đình.

Từ đó, tôi biết đọc, biết viết, thật thú vị biết bao. Tôi đã vui hơn rất nhiều khi sải đôi chân đến trường, nhưng có lẽ sẽ vui hơn nếu bọn nhóc còn lại không trêu chọc tôi hằng ngày. Bọn chúng luôn bắt nạt tôi vì thấy tôi khờ khạo, ít nói. Chúng bôi mực ra cái áo đồng phục trắng tinh, giấu vở của tôi vào ngăn bàn giáo viên… Tôi ghét chúng.

Nhưng đó chỉ là chuyện trước khi chuyến dã ngoại diễn ra. Đó là một buổi dã ngoại bất ngờ do cô tổ chức. Khu đồi ấy cách vườn nhà tôi không xa. Nhưng không may cô đã để quên giỏ đồ ăn ở trên xe ô tô. Nhiều bạn tự nguyện quay lại lấy và bị lạc. Tôi đã xung phong đi tìm. Từ đó tôi thành “đại ca” của cả bọn. Tôi lờ mờ hiểu rằng cô làm thế vì tôi, để giúp tôi hòa nhập…

Những tháng ngày sau đó có thể là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong suốt thời thơ ấu của tôi kể từ sau ngày bà mất. Tôi được lao động cùng cô ngoài giờ học. Tôi giúp cô dỡ khoai, bẻ ngô, nghe cô kể chuyện. Cô nấu cho tôi ăn những món ngon mà chưa bao giờ tôi được ăn. Bố, cô và tôi quây quần bên mâm cơm giữa mùa đông lạnh giá, lòng tôi ấm áp vô cùng. Trong tôi bỗng nảy ra điều ước. Ước gì chúng tôi là một gia đình. Nhưng điều ước nhỏ nhoi của tôi chẳng bao giờ trở thành hiện thực.

Một buổi chiều lạnh giá, mưa gió, tôi vùng vằng khi bố dẫn một phụ nữ lạ hoắc về nhà. Sao không phải là cô? Câu hỏi ấy cứ xoáy trong đầu tôi. Tôi bỏ đi, trốn trong khu vườn mênh mông. Cái bản tính cứng đầu khiến tôi quyết định sai lầm là ngủ luôn trong vườn, nhưng đó là một đêm mưa rét. Lúc đó, tôi vẫn luôn mong chờ một phép màu. Tôi mong một tiếng gọi như cắt đôi gió và mưa kia. Tiếng gọi tên mình. Tiếng gọi thân thương của cô giáo, đó là tiếng lòng được vị thần rừng Khumnia - vị thần tiếp thêm cho tôi sự dũng cảm để tôi chạy một mạch về nhà trong bóng đêm.

Tôi được chờ đón ở cửa nhà với cơn giận dữ của bố. Bố mắng tôi nhiều lắm nhưng lúc đó tôi không nhận ra rằng quần áo của bố cũng ướt nhèm. Hôm sau lên lớp không thấy cô. Giờ ra chơi, tôi chạy đi tìm bố, gặng hỏi nhưng bố chỉ ậm ừ vài câu rồi nói vội: "Cô chuyển công tác rồi. Cô sắp lấy chồng… Cô gửi thư cho con đây”. Tôi đọc thư, những lời dặn dò của cô mà nước mắt tuôn rơi. Từ đó tôi hiểu rằng không có cô ở bên, tôi càng phải nỗ lực để vươn lên trong học tập, cuộc sống.

Nhiều năm đã qua, tôi giờ là một chàng trai sắp bước qua tuổi 18, vẫn luôn nhớ đến cô. Chính cô đã giúp tôi thoát khỏi hai chữ “tự kỷ” để hòa nhập với mọi người. Nghĩ lại, tôi thấy chuyện đó thực sự là một phép màu…

NGUYỄN HỮU VIỆT HOÀNG
(Lớp 12B, Trường THPT Nam Sách)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phép màu