Mẹ tôi

19/08/2018 10:09

Khi tôi học tiểu học, vì nhà nghèo khó nên bố tôi đi lao động ở nước ngoài, mẹ cũng phải làm lụng tối ngày để cho anh em tôi ăn học.



Khi tôi học tiểu học, vì nhà nghèo khó nên bố tôi đi lao động ở nước ngoài, mẹ cũng phải làm lụng tối ngày để cho anh em tôi ăn học. Công việc của mẹ là làm hương ở làng bên, đó là công việc vất vả với mức lương đủ để chi tiêu tằn tiện cho sinh hoạt gia đình. Sáng tôi chưa thức dậy, mẹ đã rời khỏi nhà đi làm, tối tôi đi ngủ rồi mẹ mới trở về. Dù còn nhỏ tôi vẫn hiểu là mẹ vất vả, nhưng tôi không có thời gian gần gũi với mẹ nên không quấn mẹ như những đứa trẻ khác. Có khi mấy ngày liền hai mẹ con không nhìn thấy nhau, tình cảm mẹ con trở thành xa cách trong cảm nhận của tôi. Có chuyện gì tôi chỉ biết thủ thỉ với bà nội.

Khi tôi lớn lên một chút, các khoản chi phí cho việc học tập tăng lên. Bà tôi khuyên mẹ đi làm ở một công ty may trong huyện có lương cao mà đỡ vất vả hơn. Vậy là từ đó, mẹ và tôi có cơ hội nhìn thấy nhau nhiều hơn. Bữa cơm tối của gia đình tôi không còn thiếu mẹ như trước nữa. Nhưng không vì thế mà tôi với mẹ thân thiết hơn. Mẹ có vẻ không biết cách diễn đạt yêu thương mà tôi thì không có thói quen tâm sự cùng mẹ. Những suy nghĩ hay thắc mắc của con gái tôi đều nói với bà, người chăm sóc tôi từ bé cho tới tận bây giờ. Bà thường nhắc nhở tôi nên tâm sự với mẹ nhiều hơn, lắm khi bà còn giục tôi lên ngủ cùng mẹ nhưng chỉ được một đêm tôi lại chạy xuống ngủ với bà.

Khi tôi học lớp 8, đã bắt đầu biết suy nghĩ vẩn vơ, tôi nghĩ mẹ thương anh trai hơn vì mẹ nói chuyện với anh nhiều hơn với tôi. Điều này làm tôi buồn vô cùng. Thực ra tôi vốn biết rằng mẹ quan tâm anh nhiều hơn không phải không có nguyên nhân. Vốn dĩ sức khỏe anh từ nhỏ đã không được tốt, người gầy gò ốm yếu, thậm chí anh còn phải nhập viện điều trị vì thiếu máu. Khi anh từ viện trở về, mẹ thường tẩm bổ cho anh bằng đủ loại thức ăn giàu dinh dưỡng. Tôi ý thức được những thứ ấy không dành cho mình nên không bao giờ động đũa tới dù đó là món tôi thích hay món đắt đỏ ít khi được ăn. Khi ấy suy nghĩ của tôi trở nên ích kỷ và mâu thuẫn. Tôi ghen tị với anh nhưng cũng thương anh, tôi ghét mẹ dù hiểu những việc mẹ làm là muốn tốt cho anh. Đó là khoảng thời gian tôi ít nói với mẹ và ít thể hiện cảm xúc, kể cả với anh trai. Tôi thu mình lại trong thế giới nội tâm của riêng tôi.

Lên lớp 10, trưởng thành hơn trong suy nghĩ nên tôi bắt đầu nói chuyện với mẹ nhiều hơn và mẹ cũng thường xuyên hỏi han về bạn bè hay chuyện học tập của tôi. Không ngờ mẹ con vừa cởi mở, hiểu nhau thì bố tôi muốn mẹ qua chỗ bố để làm kinh tế. Tôi lờ mờ đoán rằng công việc ở nước ngoài của bố từ trước đến nay không được thuận lợi nên ở nhà mẹ mới phải vất vả, chắt chiu từng đồng.

Để anh em tôi có cuộc sống tốt hơn, mẹ quyết định ra đi. Trong những ngày mẹ làm giấy tờ để chuẩn bị lên máy bay, tôi vẫn hờn dỗi với mẹ. Mẹ nói: “Mẹ sắp đi rồi mà con cứ ngúng nguẩy như thế thì mẹ buồn lắm”. Lúc ấy, tôi muốn nói gì đó với mẹ, muốn xin lỗi mẹ nhưng cổ họng như nghẹn ứ lại, tôi chỉ biết ngồi khóc. Ngày tiễn mẹ ra sân bay, mọi người đều chúc mẹ đi mạnh khỏe, may mắn nhưng tôi không nói được, vừa mở miệng định nói thì nước mắt cứ trào ra. Mẹ ôm tôi nói nhỏ: “Mẹ phải đi đây. Con ở nhà ngoan, nhớ nghe lời bà nhé!”. Khi ấy giọng mẹ cũng nghẹn ngào như sắp khóc và tôi cũng nức nở theo.

Trong ba tháng đầu mẹ đến chỗ bố làm việc, bà luôn miệng nói bà nhớ mẹ mà không thấy tôi có biểu hiện gì, tôi chỉ cười và nghĩ đâu phải không nói ra là không nhớ? Tôi và mẹ chỉ thỉnh thoảng nói chuyện qua Facebook nhưng có lẽ việc không nói chuyện trực tiếp khiến tôi và mẹ cởi mở hơn. Lần đầu tiên có truyện ngắn đăng báo tôi khoe mẹ, tôi không thể nhìn qua màn hình máy vi tính tới nửa bên kia Trái đất nhưng tôi cũng hình dung ra biểu cảm của mẹ lúc bấy giờ. Mẹ nói: “Mẹ tự hào về con gái lắm”. Tôi thấy dường như lời khen của mẹ còn khiến tôi vui hơn cả khi biết tin truyện của tôi được đăng. Đó cũng là lần đầu tiên tôi nghe mẹ nói mẹ yêu tôi. Tôi từng nghĩ việc bày tỏ tình cảm bằng từ ngữ với những người thân của mình thật sến sẩm so với việc dùng hành động. Nhưng từng câu nói của mẹ đều trở thành động lực khiến tôi luôn nhắc nhở bản thân “Đừng làm mẹ thất vọng!”.

LÊ HẢI AN (Lớp 12G, Trường THPT Nam Sách)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mẹ tôi