Chiếc xe đạp

02/01/2017 09:59



Tuổi thơ của mỗi người thường gắn với những đồ vật, những kỷ niệm đẹp. Với tôi, tuổi thơ là những buổi chiều hè ra cánh đồng bắt dế chọi hay thả diều cùng đám bạn trong xóm, thậm chí là những tiếng khóc bên cây roi mây của bà vì tội mải chơi, quên cả giờ về nấu cơm hay những lần đi đào trộm khoai lang bị người ta bắt được, giao về tận tay bà tôi… Người bạn đồng hành cùng tôi khắp các nẻo đường chính là chiếc xe đạp.

Chiếc xe đạp ấy không chỉ gắn bó với tuổi thơ tôi mà còn gắn bó với chị gái tôi nữa. Nó được bố tôi thưởng cho chị lúc chị vừa đỗ vào cấp 3, lúc đó tôi mới học lớp 2. Mỗi buổi sáng đi học, chị thường chở tôi trên chiếc xe đạp ấy. Lắm khi trời rét cóng, cái lạnh thấu tận da tận thịt nhưng chị ngồi trước đạp xe đã che hết gió lạnh cho tôi. Có lẽ vì chiếc xe đạp mà tình cảm chị em tôi càng gắn bó hơn.

Thời gian thấm thoát trôi, chị đi học đại học. Trước khi đi nhập trường, chị bàn giao “con ngựa sắt” cho tôi. Lúc này tôi mới loay hoay tập đi xe. Chị chính là người dạy tôi. Tôi ngồi trước, chị ngồi sau chống chân, giữ thăng bằng cho tôi đạp và lái. Tôi vẫn nhớ  như in ngày đó bởi lần đầu cầm lái nên cảm giác sợ ngã làm tôi nản chí. Nhờ chị động viên, thúc giục nên tôi quyết tâm phải tập đi xe bằng được. Mỗi lần đạp là một lần tôi gào lên nhắc chị không được bỏ tay kẻo tôi ngã. Chị bực quá, bảo rằng: “Đồ con trai nhát gan, không đi được xe đạp thì làm được trò trống gì”. Tôi tự ái, bảo chị bỏ tay ra để tôi tự tập. Tập vài lần thành quen, tôi tự đi một cách dễ dàng. Chị đứng từ đằng xa vỗ tay cổ vũ. Tôi hạnh phúc vô cùng, cảm giác như mình vừa làm được một điều kỳ diệu.

Chị lên thành phố học đại học, chiếc xe đạp mi ni Tàu của chị gắn bó với tôi suốt sáu năm. Quãng thời gian tôi gắn bó với “con ngựa sắt” ấy đã trở thành những kỷ niệm không thể nào quên. Những buổi trưa hè, sau khi tan học, trí tôi thúc giục phải đạp nhanh về nhà vì cái bụng cứ réo gào sôi sục nhưng học hết 5 tiết đã mệt, trời lại nắng nóng, nhà thì xa, tốc độ đạp xe của tôi cứ thất thường, lúc nhanh lúc chậm. Rồi tự nhiên “cạch” một cái, tôi đạp không được nữa, nhìn xuống, phát hiện xe bị tuột xích. Lần đầu như vậy tôi không biết xử lý thế nào, cứ dong xe về nhà. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại, tôi tức cái xe nên đạp cho nó một cái ngã dúi dụi ở sân. Sau lần đó, bố dạy tôi cách sửa xe đạp, nhất là khi xe bị tuột xích. Nhưng giống như bà lão có tuổi hay ốm yếu, cái xe thi thoảng lại giở chứng làm tôi mất nhiều thời gian. Bố mẹ quyết định tặng cho tôi một chiếc xe đạp điện khi tôi đỗ cấp ba.

Có xe điện tôi nhàn hơn hẳn, mỗi sáng không phải dậy thật sớm như trước kia. Trưa về lại không phải dài cẳng để đạp, cũng chẳng lo nó bị tuột xích. Từ ngày có chiếc xe đạp điện, “con ngựa sắt” ngày nào của chị em tôi bị bỏ rơi ở góc nhà kho. Lúc đầu mẹ còn thi thoảng lôi nó ra để đi chợ nhưng từ ngày chợ mọc gần nhà, chiếc xe đạp ấy dần dần trở thành phế liệu để trong nhà kho lạnh lẽo. Nó dựng nguyên một góc, xung quanh là vài cái ghế gẫy chân, cái tủ mục hay cái nồi hỏng.

Một hôm đi học về, tôi thấy mẹ đang cân sắt vụn. Ô kìa, cái xe đạp cũ kỹ của tôi, trông nó thảm hại quá bởi mạng nhện bám đầy đũa xe. Trong tôi bỗng ùa về bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ. Tôi thấy nhớ, thấy nó thân thuộc quá. Tôi nài nỉ mẹ giữ nó lại. Ban đầu mẹ không đồng ý vì mẹ cho rằng nó vô dụng nhưng thấy tôi cứ nài nỉ nên mẹ đành để lại.

Hôm đó, tôi lôi “người bạn cũ” ra lau chùi, rửa sạch sẽ, phơi nắng cho khô như chăm sóc chú chó cưng vậy, rồi tôi tra dầu. Tôi đạp chơi khắp làng. Dường như sau nhiều ngày tháng không được khởi động, chiếc xe có phần gượng gạo. Còn tôi lâu lâu không đạp xe, tôi lại thấy hào hứng như ngày đầu mới biết đi. Từ đó, thỉnh thoảng, tôi lại dắt “chú ngựa sắt” ra đường. Chị biết chuyện, ngạc nhiên: “Không ngờ em trai chị lại nặng lòng với chiếc xe cũ đến thế”. Tôi không giải thích vì sao mình đòi giữ chiếc xe đạp cũ rích lại nhưng chắc chắn chị hiểu một phần ký ức tuổi thơ của hai chị em gắn liền với chiếc xe đạp ấy.

NGUYỄN HỮU CHUYÊN (Lớp 11G, Trường THPT Nam Sách)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chiếc xe đạp