Yêu như thể nghìn năm sau còn nhắc...

24/04/2017 09:29

Lâu lắm rồi tôi mới đọc được một bài thơ viết về tình yêu mê đắm và say lòng. Theo tôi, thơ tình những năm gần đây “rớt hạng”, ít có thơ hay xuất hiện trên mặt báo. Các tập thơ xuất bản tuy nhiều, thơ tình cũng lắm nhưng nhạt nhạt làm sao ấy, không “vào” được. Với tôi, đọc thơ cốt ở cái “giật mình” thích thú ban đầu, đọc đến lần hai mà cảm thấy hồn mình vẫn bay đâu đó ngoài bài thơ đang đọc nghĩa là chưa chạm được, đành tạm gác lại để dành khi khác tiêu dao vậy.

Có mối tình nào


Sông đã sóng từ khi chưa biển biếc
Họ đã nhau thuở môi mắt chưa kề
Khuôn không vàng, thước không cần ngọc bích
Trái tim cần dát trọn dáng pha lê...

Cây chưa cành, chim đã về mơ hót
Nhụy chưa hương, nụ đã ngát bên lòng
Yêu từ thuở đất trời chưa được buộc
Sợi mưa nào giăng xuống có thừa không?

Ai ngửa mặt lên trời, ai cúi xuống
Mặt đất đang mai mối phút đan cài
Ni với tấc lòng nhau, ai đo được
Phách với hồn, ai xiêu lạc vào ai?

Sớm hơn sớm, khuya còn hơn khuya khoắt
Gần hơn gần, thuộc hơn thuộc đời nhau
Yêu như thể nghìn năm sau còn nhắc
Rằng thuở kia có một mối tình nào...

NGUYỄN THÁI DƯƠNG


Tôi đọc thơ Nguyễn Thái Dương từ lâu lắm rồi, mấy chục năm về trước trên báo Áo trắng, Mực tím của tuổi học trò mơ mộng. Có lẽ cái tạng thơ anh vẫn thế, hình thức ít thay đổi, mà tuyệt bút dường như là thể thơ tám chữ thì phải (?). Thơ Nguyễn Thái Dương viết về tình yêu rất hay, nồng nàn, ngây dại, tất cả dường như là phút ban đầu trắng trong và thơm tho như ngọc. Có mối tình nào cũng nằm trong mạch ngầm của dòng sông thơ lãng đãng Nguyễn Thái Dương, để rồi một buổi sớm mùa xuân làn nước biếc trôi đến cõi người, nói hộ với lòng ta về những mối son tình bất tử.

Mười sáu câu trong bài thơ Có mối tình nào ràng rịt gắn kết như “đôi hàm ngọc của răng” (Xuân Diệu) trong đêm lứa đôi tình tự. Từng câu, từng chữ cũng thế, luyến láy và sóng sánh một cách tài hoa. Giọng điệu thơ hòa âm cùng với ngữ ngôn như hồn chìm trong xác, như ái tình trai gái phút giao bôi (uống chén rượu mừng hạnh phúc).

Hai khổ thơ đầu là lời khẳng định về một tình yêu đã hẹn từ vạn kỷ, có căn duyên từ kiếp trước an bài. Như “sông đã sóng từ khi chưa biển biếc”, đôi lứa đã có nhau thuở chưa có mặt trên đời, chưa lưu luyến tìm nhau qua ánh mắt, bờ môi. Cách diễn đạt của tác giả khá thú vị, cấu trúc một số câu thơ hao hao giống nhau mà vẫn lạ lẫm, khác biệt nhờ cách xếp đặt ngôn từ đầy biến hóa: “Sông đã sóng từ khi chưa biển biếc/ Họ đã nhau thuở môi mắt chưa kề”, “Cây chưa cành, chim đã về mơ hót/ Nhụy chưa hương, nụ đã ngát bên lòng”. Một mối tình không khuôn vàng thước ngọc mà đắm đuối, si mê bởi trái tim mang bóng dáng pha lê nên không bao giờ tan vỡ. Họ yêu nhau thuở đất trời chưa ràng rịt, trói buộc nhau, chỉ có hạt mưa giăng xuống như tơ lòng mối lái phút yêu thương:

Yêu từ thuở đất trời chưa được buộc
Sợi mưa nào giăng xuống có thừa không?


Đến khổ thơ thứ ba, nhà thơ Nguyễn Thái Dương đã dành toàn bộ cảm xúc để phác vẽ khá độc đáo bằng ngôn ngữ một cuộc ái ân giàu sắc màu hội họa. Tình yêu đâu chỉ có sự hòa hợp giữa hai con tim, nó còn là sự quyện hòa cả hồn lẫn phách. Đẹp như giấc mơ huyền thoại thuở đất trời mới dựng buổi sơ khai, “ai ngửa mặt lên trời, ai cúi xuống”, tất cả đan cài, cuống quýt luyến thương, thì đây có cả mặt đất thiêng làm chứng nhân mai mối:

Ai ngửa mặt lên trời, ai cúi xuống
Mặt đất đang mai mối phút đan cài
Ni với tấc lòng nhau, ai đo được
Phách với hồn, ai xiêu lạc vào ai?


Câu hỏi tu từ được nhà thơ sử dụng rất đắc địa: “Phách với hồn, ai xiêu lạc vào ai?”. Quả vậy, khi tình yêu vang dậy tiếng rung ngân, mọi thanh âm của sự thế vô thường dường như dừng lại. Không biên giới, ni tấc; không thời gian, không gian nữa, tất cả cơ hồ chỉ nhẹ như một làn sương mỏng, họ tan loãng vào nhau mê đắm đến diệu kỳ. Phải có khát vọng hiện sinh và nhân bản trong sâu thẳm tâm hồn, niềm yêu dấu thiết tha và mãnh liệt cõi tình nồng muôn thuở, nhà thơ Nguyễn Thái Dương mới viết được những câu thơ tài hoa như thế. Và tôi nghĩ, cảm xúc đó lâu lắm mới có cơ may gặp được một lần.

Khép lại bài thơ Có mối tình nào, đồng thời cũng mở ra ngàn vạn mối tình sắt son, lưu dấu khác, vẫn nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ giàu biến hóa, cách tân trong cách hòa phối ngữ âm, nhà thơ Nguyễn Thái Dương đã bất tử hóa những tình yêu muôn thuở của con người. Các cụm từ “sớm hơn sớm”, “gần hơn gần”, “khuya còn hơn khuya khoắt”, “thuộc hơn thuộc đời nhau”... đã ám dụ về những mối tình sắt son, chung thủy, “dưới đất nguyện làm chim liền cánh/ trên trời nguyện làm chim liền cành”:

Sớm hơn sớm, khuya còn hơn khuya khoắt
Gần hơn gần, thuộc hơn thuộc đời nhau
Yêu như thể nghìn năm sau còn nhắc
Rằng thuở kia có một mối tình nào...


Có lẽ bài thơ đã nói hộ với chúng ta rằng, tình yêu trong cõi thế gian này là đóa hoa đẹp nhất, tinh khiết nhất mà tạo hóa đã ban tặng cho mỗi con người. Nói như một bài hát của Trịnh Công Sơn: “Hãy yêu nhau đi bên đời nguy khốn/ Hãy yêu nhau đi bù đắp cho trăm năm” (Hãy yêu nhau đi). Tình yêu sẽ vĩnh hằng, bất diệt khi ta biết “gần hơn gần, thuộc hơn thuộc đời nhau” để nghìn năm sau thế nhân còn nhắc nhớ “rằng thuở kia có một mối tình nào...”. Lời nguyện cầu của tác giả cũng là khát vọng nhân văn đẹp đẽ mà con người trong cõi nhân gian luôn đồng vọng và hướng đến tình yêu.

LÊ THÀNH VĂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Yêu như thể nghìn năm sau còn nhắc...