Trong trẻo nỗi niềm mùa hạ

12/07/2020 13:04

Bài thơ “Mùa hạ chia xa” của nhà thơ Trương Nam Hương là một nốt nhạc lòng trong trẻo chứa đầy nỗi niềm, xúc cảm đáng nhớ của mùa hè - mùa chia xa mái trường, bạn bè, thầy cô của những học sinh cuối cấp.

Mùa hạ dường như không mấy được ưu ái trong thơ, có lẽ bởi tiết trời mùa hạ không thật nên thơ, gợi nhiều thi tứ. Song có một nỗi niềm mùa hạ mà hầu như chúng ta ai cũng trải qua. Nỗi niềm ấy đã đi vào thơ ca như một đặc trưng cho cảm xúc được gọi về cùng với tiếng ve. Bài thơ “Mùa hạ chia xa” của nhà thơ Trương Nam Hương là một nốt nhạc lòng trong trẻo chứa đầy nỗi niềm, xúc cảm đáng nhớ của mùa hè - mùa chia xa mái trường, bạn bè, thầy cô của những học sinh cuối cấp.

Bài thơ tràn ngập những âm thanh, hình ảnh rất đặc trưng của mùa hạ như tiếng ve, hoa phượng, mây trắng, trang lưu bút… Thoáng qua thì bức tranh mùa hạ có vẻ rất rực rỡ sắc màu, náo nức âm thanh nhưng ẩn chứa trong đó lại là những cảm xúc suy tư, trầm lắng. Tiếng ve không vui vẻ mà là tiếng “khản cổ hát lời mong”. Mây trắng trôi ngang phố không phải đám mây vô tư, vô tình mà “giấu một cơn mưa tận đáy lòng”. Hoa phượng đỏ không tươi mới hồn nhiên mà như ánh mắt đỏ hoe của người vừa mới khóc. Những hình ảnh đó thực chất là sự phản chiếu những cảm xúc của nhân vật trữ tình theo đúng quy luật “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Nhà thơ nghe trong tiếng ve tiếng nỗi lòng mình đang mong ngóng, gửi trong những đám mây lững lờ trôi tâm sự giấu kín của chính mình, phủ lên hoa phượng nỗi buồn chia xa của mình và bè bạn. Đến giọt mực trên trang lưu bút vương ánh nắng cuối ngày cũng được thấy như đang thấm những giọt nước mắt. Bức tranh mùa hạ bỗng trở nên man mác buồn thương, không khỏi khiến những người từng qua tuổi học trò ngậm ngùi xúc động.

Nỗi niềm mùa hạ được khắc họa trong bài thơ là sự bồi hồi, nhớ nhung, có phần tiếc nuối của những học sinh chuẩn bị tạm biệt mái trường, thầy cô và bè bạn. Đó là một trong những thời khắc đáng nhớ của đời người. Chia xa tuổi học trò đồng nghĩa với chia xa những tháng năm hồn nhiên, trong trẻo nhất, bước vào giai đoạn trưởng thành với nhiều nỗi lo toan người lớn. Không ai biết trước được những gì đang đợi mình phía trước trong khi cánh cổng trường đã khép lại phía sau lưng. Trong phút chốc những học sinh vô tư nhất cũng có chút ngậm ngùi, luyến tiếc. Mùa hạ thì chắc chắn sẽ quay trở lại nhưng quãng đời tuổi thơ thì chắc chắn đã qua rồi. Những câu thơ thốt lên có chút gì như bàng hoàng, muốn níu kéo những ngày xanh tươi trẻ: “Vẫn chắc mùa qua mùa trở lại/Thương ơi biết lá có xanh về/Thương ơi, năm tháng em thơ dại/Hoa phượng buồn chi mắt đỏ hoe”. Hình ảnh các cô cậu học trò ngồi dưới tán cây trong sân trường trao nhau trang lưu bút thật thân thương, gần gũi. Nhiều thế hệ học trò đều có thể nhìn thấy bóng dáng mình và bè bạn trong hình ảnh ấy. Bài thơ được kết thúc bằng hình ảnh mỗi người đi về một hướng với những bâng khuâng không thể nén lòng: “Đứa cuối đường xa vẫn ngoái trông/Tuổi em - mùa hạ thắt nơ hồng/Đứa dừng chân bước đưa tay vuốt/Xem giọt mưa nào vướng mắt không”.

Tuy khắc họa nỗi buồn của sự chia xa nhưng những cảm xúc gợi lên trong bài thơ không nặng nề, day dứt mà vẫn rất đỗi hồn nhiên, trẻ trung. Hệ thống hình ảnh của bài thơ tuy giản dị, gần gũi nhưng được nhìn qua con mắt đầy xúc cảm của nhà thơ đã trở nên thật có tình và giàu ý nghĩa. “Mùa hạ chia xa” của Trương Nam Hương là một thanh âm trong trẻo đưa chúng ta về lại với thời khắc tạm biệt tuổi học trò, kỷ niệm quan trọng và đáng nhớ trong hành trang ký ức của nhiều người.

SONG KHUÊ

Mùa hạ chia xa
Mùa hạ chờ em đấy biết không
Tiếng ve khản cổ hát lời mong
Đang trưa mây nõn trôi ngang phố
Giấu một cơn mưa tận đáy lòng.

Vẫn chắc mùa qua mùa trở lại
Thương ơi biết lá có xanh về
Thương ơi, năm tháng em thơ dại
Hoa phượng buồn chi mắt đỏ hoe

Bè bạn ngồi quanh những tán cây
Cổng trường chưa khép vội chia tay
Từng trang lưu bút trao nhau viết
Giọt mực nhòe lem nắng cuối ngày

Đứa cuối đường xa vẫn ngoái trông
Tuổi em - mùa hạ thắt nơ hồng
Đứa dừng chân bước đưa tay vuốt
Xem giọt mưa nào vướng mắt không.

TRƯƠNG NAM HƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trong trẻo nỗi niềm mùa hạ