Nỗi sợ mơ hồ, nữ tính và đáng yêu

21/07/2018 15:00

Không quen biết Thủy Hướng Dương ngoài đời nhưng khi đọc thơ chị, tôi cứ hình dung ra một người phụ nữ vừa mạnh mẽ vừa duyên dáng, nữ tính và cũng… đa đoan.

Không quen biết Thủy Hướng Dương ngoài đời nhưng khi đọc thơ chị, tôi cứ hình dung ra một người phụ nữ vừa mạnh mẽ vừa duyên dáng, nữ tính và cũng… đa đoan. Nhất là qua bài thơ "Sợ" này tôi cảm nhận thấy một sự đắm đuối thật đáng yêu của người phụ nữ trước ngưỡng cửa tình yêu. 

Bài thơ có tiêu đề ngắn gọn: Sợ. “Sợ” là điểm nhấn xuyên suốt bài thơ. Đó chỉ là cảm giác sợ chứ không phải nỗi sợ hãi đến mức phải tránh xa. Mà đã là cảm giác thì nó mơ hồ và mong manh lắm. Thế nên, dù có sợ lại phải vướng vào vòng yêu chăng nữa, nhưng hình như tác giả vẫn muốn chờ đợi cái gọi là “sợ” ấy thì phải? 

Nhưng tác giả sợ điều gì? Tám cặp lục bát đã giúp nhân vật trữ tình trải lòng về nỗi “sợ” ấy. Thì ra, ở lứa tuổi "Không còn trẻ để ngây thơ", không còn dại khờ nữa, người phụ nữ trong bài thơ cảm thấy sợ cái điều sẽ đến, và hình như đã đến thì phải. Câu thơ "Thế mà một ánh mắt nhìn/ Cũng làm em sợ… nhỡ mình lại yêu?"  đã thú nhận cái mâu thuẫn ngổn ngang, giằng xé trong lòng người thơ.

Từ cảm giác sợ “nhỡ mình lại yêu” ấy, chị liên tưởng đến những trớ trêu và cả ngập tràn hạnh phúc mà tình yêu mang lại: "Sợ đêm buông lấp nắng chiều/ Sợ ngày cạn hết những điều khát khao/Sợ ngón tay ấy đan vào/Rối tơ lòng, biết ai nào gỡ cho"? Từ “sợ” lặp lại ba lần trong một khổ thơ, kết hợp với những hình ảnh: “đêm buông lấp nắng chiều”, “ngày cạn hết những điều khát khao”, phải chăng người thơ lo sợ nếu đạt được thứ mình mong muốn, sự réo rắt thi vị của tình yêu sẽ không còn? Tôi rất thích hai câu thơ: "Sợ ngón tay ấy đan vào/Rối tơ lòng, biết ai nào gỡ cho" bởi nó không chỉ làm cụ thể hơn cảm giác “sợ” khi lại mắc vào vòng yêu, mà còn diễn tả tâm lý của người phụ nữ khá tinh tế. Bắt đầu là sợ ánh mắt nhìn - tín hiệu đầu tiên của tình yêu. Rồi đến sợ ngón tay - Sợ ngón tay ấy đan vào. Ngón tay chứ không phải bàn tay, vì nếu ngón tay đã đan vào thì có trời mới… gỡ nổi! Khoảng cách dường như bị xóa nhòa. Mà cái điều người phụ nữ lo sợ chỉ là để lo vậy thôi, tôi đồ rằng chỉ có tình yêu mới gỡ nổi chứ ai nào gỡ cho? 

Bài thơ là trạng thái lo sợ thật dễ thương của một tâm hồn khát yêu mà lại “sợ” yêu! Cái “sợ” của nhân vật trữ tình cứ nơm nớp trải dài xuyên suốt bài thơ. Những cặp lục bát tiếp theo làm người đọc vừa thấp thỏm vừa thích thú cuốn theo cái điều làm cho trái tim đa đoan phải lo sợ ấy: "Sợ lá khẽ rụng vườn mơ/ Sợ người lấy cớ sững sờ trăng khuya". Cảm giác sợ ở đây rất mơ hồ khó đoán định nên nếu bước chân vào mê cung ấy, người thơ lo sợ: Làm sao biết lối mà về? Vì một điều đơn giản mà những người phụ nữ khi yêu đều ý thức được, đó là: "Đôi chân trần vướng cỏ mê mất rồi".

Tình yêu luôn có lý lẽ riêng của nó, biết yêu là đau khổ vậy mà ai ai cũng muốn dấn thân vào. Đã vướng vào vòng yêu, nhân vật trữ tình hẳn đã trải qua những cung bậc buồn vui, nhớ mong, hờn giận... nên cũng sợ tất cả những cung bậc, sắc thái của tình yêu: "Sợ sông suối ngập khóc, cười/ Biết đâu đắm cả một đời đa đoan". Chỉ là một giả định "biết đâu" thôi, ta cũng tưởng tượng cái giá phải trả cho tình yêu chẳng hề nhỏ chút nào. Có thể hiểu lý do làm người thơ sợ nhỡ mình lại yêu là như thế chăng? 
Bài thơ có thể kết thúc ở đây là đã đủ ý nhưng tại sao nhà thơ lại thêm hai câu cuối, thêm một nỗi sợ nữa: “Gió ru một khúc ngỡ ngàng/Sợ lòng réo rắt muôn vàn nhớ thương”? Nhớ thương là bản năng thường trực, là cung bậc tình cảm của những người đang yêu. Có phải người thơ sợ trái tim yêu tưởng đã khép chặt sau những va vấp đường đời giờ đây lại thức dậy với réo rắt muôn vàn nhớ thương để rồi có lúc lại phải đau đớn và hối tiếc? 

Người phụ nữ trong bài  thơ giấu mình (chỉ một lần xưng em) để trải lòng về cảm giác “sợ”…tình yêu lại đến. Từ “sợ” được lặp lại tám lần trong bài thơ để diễn tả những dự cảm lo lắng của người phụ nữ. Đó là những cảm giác “sợ” mơ hồ, đầy nữ tính và rất đáng yêu. Và cũng vì thế tôi tin rằng dù sợ thì điều gì đến vẫn đến, như số phận, cuộc đời làm sao tránh được?

Bằng thể thơ lục bát nhẹ nhàng, uyển chuyển, bài thơ "Sợ" đã đề cập đến một cung bậc có thể gặp trong tình yêu, chính là cảm giác “sợ” yêu. Nhưng đó chỉ là cái cớ để tác giả bày tỏ lòng mình một cách tự nhiên đó thôi! Bởi thế, sức chở của bài thơ không hề nhẹ. Nó gợi cho người đọc nhiều suy ngẫm về hạnh phúc, tình yêu, về nỗi đa đoan của những người phụ nữ làm thơ. Bài thơ này đã chạm vào nỗi lòng sâu kín của người phụ nữ, nhất là những người dính đến “nghiệp” thơ. Và không hiểu sao tôi cứ tin rằng dù tác giả có sợ bao nhiêu đi nữa, thì vẫn không tránh được nếu gặp một ánh mắt nhìn, nếu để ngón tay ấy đan vào… Thế rồi lại nhớ thương, giận hờn, nuối tiếc, bởi vì: “Đôi chân trần vướng cỏ mê mất rồi”. Nhưng tình yêu không có lỗi. Đừng sợ! Tôi muốn kết thúc bài viết này bằng câu nói của Tagore: Hãy tin ở tình yêu dù nó mang đến sự thống khổ, chớ khép kín con tim mình.

NGUYỄN THỊ BÌNH

Sợ

Không còn trẻ để ngây thơ
Bây giờ mà nói dại khờ ai tin?
Thế mà một ánh mắt nhìn
Cũng làm em sợ… nhỡ mình lại yêu?

Sợ đêm buông lấp nắng chiều
Sợ ngày cạn hết những điều khát khao
Sợ ngón tay ấy đan vào
Rối tơ lòng, biết ai nào gỡ cho?

Sợ lá khẽ rụng vườn mơ
Sợ người lấy cớ sững sờ trăng khuya
Làm sao biết lối mà về
Đôi chân trần vướng cỏ mê mất rồi

Sợ sông suối ngập khóc, cười
Biết đâu đắm cả một đời đa đoan
Gió ru một khúc ngỡ ngàng
Sợ lòng réo rắt muôn vàn nhớ thương.

THỦY HƯỚNG DƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi sợ mơ hồ, nữ tính và đáng yêu