Nỗi niềm giăng mắc ngày chuyển mùa

26/08/2018 09:09

Cùng thế hệ với các nhà thơ trẻ thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, Xuân Quỳnh sớm nổi trội như một ngôi sao lạ với giọng điệu và phong cách thơ độc đáo không thể trộn lẫn.

Cùng thế hệ với các nhà thơ trẻ thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, Xuân Quỳnh sớm nổi trội như một ngôi sao lạ với giọng điệu và phong cách thơ độc đáo không thể trộn lẫn. Nói đến Xuân Quỳnh là nói đến nhà thơ của tình yêu. Tình yêu trong thơ chị có sức cuốn hút mãnh liệt. "Hoa cỏ may" là một trong rất nhiều bài thơ tình đặc sắc của chị.

Tình yêu trong "Hoa cỏ may" không dữ dội, ồn ào, dịu êm như "Sóng"; không khát khao, nồng nàn, bỏng cháy như "Thuyền và biển", mà nó mang một sắc thái khác: Rất đằm thắm, dịu dàng, man mác buồn... Khổ thơ mở đầu là một khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, thơ mộng ngày chuyển mùa: "Cát vắng, sông đầy cây ngẩn ngơ/Không gian xao xuyến chuyển sang mùa/Tên mình ai gọi sau vòm lá/Lối cũ em về nay đã thu".

Không gian mở ra dường như vô tận. Trong cái tĩnh lặng, êm đềm giữa mênh mang trời nước ấy, lòng người cũng mở ra hòa vào cảnh vật, để lắng được hồn cây lá, nghe được tiếng lòng hư vô. Cảnh vật bỗng chốc trở nên có hồn và sống động nhờ nghệ thuật nhân hóa: “Cây ngẩn ngơ”, “Không gian xao xuyến”. "Ngẩn ngơ" và "xao xuyến" vốn là những từ chỉ trạng thái tình cảm của con người nhưng đã được thi sĩ khoác cho cảnh vật. Và như vậy, cảnh vật đã nhuốm màu tâm trạng. Phải là người đa cảm và tinh tế lắm mới nhận ra cái xao xuyến, bâng khuâng của đất trời trong thời khắc chuyển mùa. Mùa đang chuyển hay lòng người đang chuyển? Rõ ràng, cảnh vật và tâm hồn thi sĩ đã có sự đồng điệu: "Tên mình ai gọi sau vòm lá/Lối cũ em về nay đã thu". Dường như có một điều gì đó thật huyền diệu đang xảy ra? Ta như nghe được tiếng gọi da diết cất lên từ khoảng không vô định “sau vòm lá”. Câu thơ “Lối cũ em về nay đã thu” cho ta hiểu đây là tiếng vọng từ quá khứ. "Lối cũ em về" đã in dấu bao kỷ niệm. Chỉ có khác là cảnh vật giờ đã thay đổi, đã chuyển mùa: "Mây trắng bay đi cùng với gió/Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ/Đắng cay gửi lại bao mùa cũ/Thơ viết đôi dòng theo gió xa". Mây, gió, trời là những hình ảnh của thiên nhiên được tác giả khéo léo sử dụng để giãi bày tâm trạng của người phụ nữ đang yêu và không phải bao giờ tình yêu cũng được đền đáp. Xuân Quỳnh là người phụ nữ không mấy may mắn. Trong tình yêu, chị đã hơn một lần thất bại. Cuộc đời lắm truân chuyên và không hề bình lặng của chị, suy cho cùng đều bởi tại chữ yêu. Đọc thơ chị, người ta thấy bao ngậm ngùi đắng cay của một thời đã xa chị đành nhờ gió cuốn đi, nhờ mây thả bay tất cả. Lòng chị cũng đang có một cuộc chuyển mùa, để có được một tâm trạng thanh thản và tấm lòng trong trắng “như trời biếc lúc nguyên sơ”. Nhưng có thật chị đã rũ bỏ được tất cả những ngậm ngùi, cay đắng trong tình yêu? Tại sao lại “đắng cay gửi lại?”. "Đắng cay" chỉ gửi lại thôi chứ đâu có xóa nhòa đi được? Người ta chỉ "đắng cay" khi tâm hồn luôn bị vò xé vì sự phản bội, sự bất công... Xuân Quỳnh hẳn cũng có nỗi niềm như thế. Vậy nên, nỗi đắng cay, dù không muốn, vẫn ám ảnh chập chờn trong tâm khảm người phụ nữ ấy - người luôn khát khao tình yêu đến cháy bỏng, thậm chí có thể sống, chết cho tình yêu, nhưng lại luôn phấp phỏng lo âu, luôn dự cảm những điều bất hạnh. Nỗi ám ảnh ấy còn day dứt hơn ở khổ thơ cuối: "Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may/Áo em sơ ý cỏ găm dày/Lời yêu mỏng mảnh như màu khói/Ai biết lòng anh có đổi thay?". Dưới con mắt của Xuân Quỳnh, hoa cỏ may là hoa của tình yêu và quan trọng hơn, nó chính là cái cớ để nhà thơ bộc lộ nỗi niềm: "Lời yêu mỏng mảnh như màu khói/Ai biết lòng anh có đổi thay?". Một sự lo lắng hay là nỗi hoài nghi? Cả hai giả thiết đều có thể. Nhưng đúng hơn, chính là sự thật đau đớn mà chị đã từng trải. Đó là sự không bền chặt, rất mong manh và dễ đổ vỡ của tình yêu. Là quy luật khắc nghiệt của tình yêu. Chính vì thế, trong thơ chị, ta luôn bắt gặp sự lo âu, khắc khoải. Và "Lời yêu mỏng mảnh như màu khói/Ai biết lòng anh có đổi thay?", từ "mỏng" còn chưa mỏng lắm sao mà còn láy thành "mỏng mảnh"? Chưa hết, cái mỏng manh của tình yêu còn được cụ thể hóa hơn bằng sự so sánh: “như màu khói”. Đó là cái mỏng không thể diễn tả và rất khó nắm bắt.

Xuân Quỳnh đã cảm nhận tình yêu đẹp nhưng lại mong manh quá đỗi, nó có thể tan biến vào hư vô bất cứ lúc nào. Có phải vì đã trải qua quá nhiều cay đắng, ngậm ngùi mà nhà thơ hoài nghi đến vậy? Nhưng nếu hiểu hồn thơ Xuân Quỳnh và con người của chị, thì đó còn là do sự nhạy cảm của tâm hồn thi sĩ. "Ai biết lòng anh có đổi thay?". Câu hỏi đặt cuối bài thơ như được cất lên từ tiềm thức sâu thẳm của tâm hồn và mãi mãi là niềm day dứt không có câu trả lời. Có chút gì nghèn nghẹn, bởi ta hiểu, đây không phải là nỗi lo âu của một phụ nữ luôn hoài nghi tất cả, mà là sự lo âu của một tấm lòng trong trắng, nguyên sơ và một trái tim nhân hậu, luôn khát khao một tình yêu chung thủy, vẹn tròn…

Trong thơ Xuân Quỳnh, hoa cỏ may đã trở thành biểu tượng của tình yêu, một tình yêu đời thường, đẹp đẽ và mong manh mà lúc nào con người cũng cần phải nâng niu gìn giữ để nó không hòa vào mây khói. Chính vì thế, tên bài thơ đã được lấy làm tiêu đề cho tập thơ cuối cùng của thi sĩ: tập thơ "Hoa cỏ may".

NGUYỄN THỊ BÌNH

Hoa cỏ may

Cát vắng, sông đầy cây ngẩn ngơ
Không gian xao xuyến chuyển sang mùa
Tên mình ai gọi sau vòm lá
Lối cũ em về nay đã thu.

Mây trắng bay đi cùng với gió
Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ
Đắng cay gửi lại bao mùa cũ
Thơ viết đôi dòng theo gió xa.

Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may
Áo em sơ ý cỏ găm dày.
Lời yêu mỏng mảnh như màu khói
Ai biết lòng anh có đổi thay.

XUÂN QUỲNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi niềm giăng mắc ngày chuyển mùa