Nơi lắng đọng bao nỗi niềm thân phận

29/09/2019 08:01

Trong bài thơ Bổn phận cánh đồng hình ảnh người lính chỉ xuất hiện đầu tiên và sau đó là cả một hậu phương, là mẹ, là chị, là bao hình ảnh thương mến giản dị, ân tình của làng quê.

Hải Thanh là nhà thơ quê ở Vĩnh Phúc - nơi có những cánh đồng lúa bát ngát. Bát ngát không chỉ mênh mông rộng mà bát ngát trong cả tâm hồn con người, phóng khoáng nhưng lại nhiều ưu tư nghĩ ngợi, nhiều chiêm nghiệm sống! “Bổn phận cánh đồng” là bài thơ đoạt giải thưởng trong chùm thơ dự thi in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tôi tin rằng Hải Thanh xuất thân là một người con của đồng quê và anh đã làm tròn “bổn phận” của một thi sĩ khi đã hóa thân vào cánh đồng. Gặp Hải Thanh ngoài đời tôi thấy anh vừa  ồn ào và lặng lẽ như sóng biển trong thơ Xuân Quỳnh, nhưng thơ anh lại chia sẻ, giao cảm kết tụ nhiều kinh nghiệm sống. Cái trực giác nhạy cảm cho anh không chỉ bằng quan sát tinh tế mà chứa đựng nhiều chắt lọc, nhiều thổn thức qua bao trăn trở tự vấn. 

Mở đầu bài thơ là hình ảnh người lính, một người lính thuần Việt, đứa con của ruộng đồng, mang dấu ấn ruộng đồng không chỉ về hình thể mà cả tâm hồn, hướng về cội nguồn, hướng về phía mẹ. Hình ảnh “Người lính ôm khẩu súng/Bóng dài như mũi tên” là một lối tạo hình có dụng ý. Bởi sức căng của dây cung, sức căng của tiềm ẩn, của trữ lượng tâm thế, của ý chí bay lên phía trước từ “bàn  đạp” là cánh đồng, từ điểm tựa “Bao thắc thỏm dồn về phía mẹ”, phía mẹ cũng là phía cánh đồng. Đó là một thành trì vững chắc tạo ra sức mạnh tiềm tàng của một vẻ đẹp giàu tính nhân thế, nhân hậu mà cũng không giấu được cả bao bất trắc rủi ro: “Những là chớp bể mù khơi”, để rồi tiếp đó anh lại tự vấn với bao câu hỏi: “Cầm tấm thẻ vào đời…”. Đi qua bao lớp tuổi để khẳng định rằng: “Thời gian không định nghĩa/Trước mùa xanh là những mộng kê vàng”. Thơ Hải Thanh đã tạo được bao nỗi niềm thân phận. Nhà thơ đặc tả chiếc “đòn tre” - một nông cụ thường ngày của người nông dân để “gánh” bao nỗi niềm trắc ẩn. Thơ hay chạm đến được cõi người với bao khao khát sẻ chia đồng cảm, quên đi mọi câu chữ mà lắng đọng lại những tâm tình. Người phụ nữ trong thơ anh qua hình ảnh: “Đường trường quên mình phận bạc” làm tôi liên tưởng đến câu thơ cảm thán xót xa của đại thi hào Nguyễn Du: “Đau đớn thay phận đàn bà” và hình ảnh: “Đòn gánh tre chín rạn hai vai”… 

Thật lạ ở bài thơ này duy nhất hình ảnh người lính chỉ xuất hiện đầu tiên và sau đó là cả một hậu phương, là mẹ, là chị, là bao hình ảnh thương mến giản dị, ân tình của làng quê. Bất ngờ thi sĩ đã quay về lại với: “Phiên chợ sớm mai” với bao bán mua, một phiên chợ đời với bao cảnh ngộ. Tôi tin rằng gió bấc về là có thật và “Tin yêu tuột dốc” cũng có lúc có thật, đó là lẽ thường của cuộc sống trong một xã hội nhiều biến động thì ta càng nao lòng khi bắt gặp cánh đồng đã làm trọn bổn phận của mình. Bổn phận của “Bông lúa còng lưng/Bông lúa cúi đầu…” cho người lính sức mạnh mũi tên lao lên phía trước. Thật trân trọng cảm ơn bổn phận cánh đồng, bổn phận hậu phương biết bao. Tôi chợt nhớ đến câu thơ tài hoa và xúc động thấm đẫm của nhà thơ Hữu Thỉnh (cũng là một người con Vĩnh Phúc): “Chiến dịch này ăn cơm không phải độn/Mừng thì mừng mà thương mẹ biết bao nhiêu”…

NGUYỄN NGỌC PHÚ

Bổn phận cánh đồng

Người lính ôm khẩu súng
Bóng dài như mũi tên
Chiều êm thế
Cái cò chưa về tổ
Bao thắc thỏm dồn về phía mẹ
Những là chớp bể mù khơi

Cầm tấm thẻ vào đời
Mười tám 
Đôi mươi
Mấy mươi
Rồi sau nữa?
Thời gian không định nghĩa
Trước mùa xanh là những mộng kê vàng

Chiếc đòn tre 
Gánh hy vọng mùa màng
Đặt trên vai những người đàn bà 
Đường trường quên mình phận bạc,
Nỗi niềm trời cao còn vì hạt cát
Nỗi niềm giọt nước còn vì biển sâu

Nào ai đã nói gì đâu
Phiên chợ sớm mai 
Tin yêu tụt dốc
Cánh đồng mới
Lại mới về gió bấc
Bông lúa còng lưng, bông lúa cúi đầu…

HẢI THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nơi lắng đọng bao nỗi niềm thân phận