Một góc nhìn khác biệt, đầy tính nhân văn

22/04/2018 14:37

"Truyện Kiều" không chỉ là tác phẩm bất hủ trong lịch sử văn học Việt Nam mà những nhân vật đầy chất thơ và tính biểu tượng trong đó còn là nguồn thi hứng bất tận cho nhiều nhà thơ hậu sinh.

"Truyện Kiều" không chỉ là tác phẩm bất hủ trong lịch sử văn học Việt Nam mà những nhân vật đầy chất thơ và tính biểu tượng trong đó còn là nguồn thi hứng bất tận cho nhiều nhà thơ hậu sinh. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, những nhân vật ấy được soi chiếu nhiều góc cạnh dưới những thứ ánh sáng khác nhau. Trong đó, ở thời hiện đại, bài thơ "Tâm sự nàng Thúy Vân" của nhà thơ Trương Nam Hương là một góc nhìn khác biệt với những đánh giá truyền thống đối với nhân vật vốn được xem là phụ trong "Truyện Kiều".

Trong tương quan so sánh với Thúy Kiều, Thúy Vân luôn ở trạng thái nhạt nhòa hơn. Cô em giống như cái nền để tôn lên cô chị "so bề tài sắc vẫn là phần hơn". Bên cạnh cuộc đời đầy giông bão của Kiều, Vân vẫn được nhìn nhận, đánh giá có cuộc sống bình an, yên ổn nên nhân vật này ít nhận được sự quan tâm từ phía người đọc. Không nhiều người khi đọc "Truyện Kiều" lại băn khoăn, trăn trở với Thúy Vân như Trương Nam Hương. "Tâm sự nàng Thúy Vân" là lời nhà thơ đứng trong vai nàng Vân bộc bạch những nỗi niềm ẩn giấu trong lòng, những góc khuất ít người nghĩ tới.

Lời thơ rất nhẹ nhàng, là lời trò chuyện giữa em với chị gái về những điều dường như chôn chặt trong lòng nàng nhiều năm qua: "Nghĩ thương lời chị dặn dò/Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh/Chị yêu lệ chảy đã đành/Chớ em nước mắt đâu dành chàng Kim". Ngay từ lời tâm sự đầu tiên này, người đọc đã thấy một góc nhìn khác về cuộc hôn nhân Thúy Vân - Kim Trọng. Theo quan điểm truyền thống, đó là cuộc hôn nhân tốt đẹp khi Thúy Vân thay chị trả ân tình với chàng Kim, sống cuộc đời yên ổn. Song ở đây, cuộc hôn nhân ấy lại được hình tượng hóa bằng hình ảnh "đắm con đò xuân xanh", nghĩa là Thúy Vân không thực sự trọn vẹn hạnh phúc khi tuổi xuân của nàng kết thúc bằng sự gá nghĩa theo lý trí chứ không phải con tim nàng. Có một điều dường như rất rõ ràng nhưng không ai nghĩ tới là người yêu Kim Trọng là Kiều chứ đâu phải Thúy Vân. Phải lấy một người mình không yêu, ít nhiều nàng cũng phải gánh chịu thiệt thòi chứ không phải người may mắn.

Lời tâm sự của Thúy Vân xoáy sâu vào nỗi khao khát của người con gái chưa từng được yêu mà đã phải lấy người yêu chị làm chồng. Góc khuất đầy tính nhân văn này là nét mới không phải ai cũng nhìn thấy, đồng tình. Trương Nam Hương đã đứng về phía Thúy Vân trong sự đồng cảm cao độ, để viết ra những câu thơ thắt ruột thắt gan: "Lấy người yêu chị làm chồng/Đời em thể thắt một vòng oan khiên", "Mấp mô số phận vuông tròn/Đất không thể nhốt linh hồn đòi yêu!". Song cảm xúc trong bài thơ cũng được tiết chế ở mức độ chỉ là lời tâm sự chân thành, tha thiết chứ không phải nỗi đau đớn, phẫn uất. Điều này phù hợp với tâm tính nàng Thúy Vân được miêu tả trong "Truyện Kiều".

Chỉ cần đẩy mạch cảm xúc đi xa hơn chút nữa thì lời tâm sự sẽ trở thành "lệch pha" với nhân vật, khó nhận được sự đồng cảm từ độc giả. Bởi vậy, đến khổ thơ thứ tư, mạch cảm xúc này chùng lại: "Là em nghĩ vậy thôi, Kiều/Sánh sao đời chị ba chiều bão giông/Con đò đời chị về không/Chở theo tiếng khóc đáy sông Tiền Đường". Chỉ bằng ba câu thơ đầy hình ảnh, tác giả đã khái quát được cuộc đời long đong, đầy bất hạnh của Thúy Kiều. Đúng là nếu đặt bên những mất mát đau thương suốt mười lăm năm Kiều phải chịu đựng thì những nỗi khổ khác dường như rất nhẹ nhàng, không thể nào sánh được. Khổ thơ này thể hiện tấm lòng thương cảm, biết nghĩ cho người khác của Thúy Vân, giống như một sự minh oan cho nàng bởi trong nhiều thế hệ độc giả, không ít người xem thường, coi nhẹ tâm sự của nàng.

Bên cạnh sự so sánh về nỗi bất hạnh, tác giả cũng so sánh về niềm hạnh phúc. Kiều từng được nếm trải tình yêu cùng Kim Trọng, tình yêu ấy sống cùng nàng trong suốt mười lăm năm lưu lạc. Còn Thúy Vân chưa từng yêu ai, lại phải sống với người lúc nào cũng mang bóng hình người con gái khác trong lòng. Đó chẳng phải là một thiệt thòi không gì bù đắp nổi cho nàng hay sao? Bài thơ kết thúc bằng câu hỏi tu từ đầy day dứt: "Giấu đầy đêm nỗi khát khao/Kiều ơi, em đợi kiếp nào để yêu!". Đó không chỉ là tiếng kêu da diết của riêng nàng Thúy Vân mà còn là nỗi lòng của nhiều thiếu nữ thời phong kiến.

Bài thơ có hình thức là thể thơ lục bát truyền thống nhưng lại ẩn chứa cách nhìn, cách cảm hiện đại, đầy tính nhân văn. Đọng lại trong lòng độc giả không chỉ là nỗi cảm thông, thương xót nàng Thúy Vân mà cả sự cảm phục tấm lòng nhà thơ dành cho một nhân vật ít được bàn tới trong "Truyện Kiều". Tình cảm ấy của nhà thơ là yếu tố quan trọng nhất để "Tâm sự nàng Thúy Vân" được nhiều độc giả ghi nhớ và yêu mến.

LAM ANH

Tâm sự nàng Thúy Vân

Nghĩ thương lời chị dặn dò
Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh
Chị yêu lệ chảy đã đành
Chớ em nước mắt đâu dành chàng Kim

Ơ kìa sao chị ngồi im
Máu còn biết chảy về tim để hồng
Lấy người yêu chị làm chồng
Đời em thể thắt một vòng oan khiên

Sụt sùi ướt cỏ Đạm Tiên
Chị thương kẻ khuất, đừng quên người còn
Mấp mô số phận vuông tròn
Đất không thể nhốt linh hồn đòi yêu!

Là em nghĩ vậy thôi, Kiều
Sánh sao đời chị ba chiều bão giông
Con đò đời chị về không
Chở theo tiếng khóc đáy sông Tiền Đường

Chị nhiều hờn giận, yêu thương
Vầng trăng còn lấm mùi hương hẹn hò
Em chưa được thế bao giờ
Tiết trinh thương chị đánh lừa trái tim!

Em thành vợ của chàng Kim
Ngồi ru giọt máu tượng hình chị trao
Giấu đầy đêm nỗi khát khao
Kiều ơi, em đợi kiếp nào để yêu!

TRƯƠNG NAM HƯƠNG


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một góc nhìn khác biệt, đầy tính nhân văn