Hình tượng làng Sen trong trường ca "Theo chân Bác" (t)

20/05/2017 10:00

Trường ca "Theo chân Bác" là một đỉnh cao trong sự nghiệp thơ ca của Tố Hữu. Tác phẩm được viết trong dịp sinh nhật lần thứ 80 của Người, một năm sau ngày "Bác đã lên đường nhẹ bước tiên/ Mác - Lênin thế giới Người Hiền" với khoảng năm trăm câu thơ tái hiện lại cuộc đời và hành trình gian khổ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu dân, cứu nước. Đọc trường ca này, chúng ta như được xem lại toàn bộ những thước phim tư liệu quý giá về một con người vĩ đại đã suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân. Trong quá trình khắc họa chân dung và nhân cách cao vời của Bác bằng ngôn ngữ, nhà thơ Tố Hữu đã dành một đoạn thơ ngắn viết về quê hương làng Sen - nơi Người sinh ra và cũng là cội nguồn tâm hồn, trí tuệ và bản lĩnh kiên cường của người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh:

Theo chân Bác

(Trích)


"...Tôi trở về quê Bác, làng Sen
Ơi hoa sen đẹp của bùn đen!
Làng quen như thể quê chung vậy
Mấy dãy ao chua, mảnh đất phèn

Thăm lại vườn xưa mái cỏ tranh
Thương hàng râm bụt, luống rau xanh
Ba gian nhà trống, nồm đưa võng
Một chiếc giường tre, chiếu mỏng manh

Ôi sáng hè vui, Bác trở về
Vẫn không quên lối cũ, tình quê
Bạn xưa còn nhớ khi câu cá
Nhớ quả cà ngon, nhớ gốc chè...

Nhớ những năm nao... Máu Cửa Rào
Thân yêu hai tiếng gọi "đồng bào"
Phận nghèo nước mất, dân nô lệ
Đêm tối trời mây, chẳng ánh sao

Đã tắt lâu rồi lửa nghĩa quân
Phan Đình Phùng đó, Tống Duy Tân
Nguyễn Trung Trực lại Hoàng Hoa Thám
Đầu dám thay đầu, chân nối chân!

Muôn dặm đường xa, biết đến đâu?
Phan Chu Trinh lạc lối trời Âu
Phan Bội Châu, câu thơ dậy sóng
Bạn cùng ai, đất khách dãi dầu?

Cha đã đi đày, đau nỗi riêng
Còn nghe tiếng gót nặng dây xiềng
Mẹ nằm dưới đất hay chăng hỡi
Xin sáng lòng con ngọn lửa thiêng!..."

Tháng 5.1970


TỐ HỮU


Tôi trở về quê Bác, làng Sen
Ơi hoa sen đẹp của bùn đen!
Làng quen như thể quê chung vậy
Mấy dãy ao chua, mảnh đất phèn


Hình ảnh làng Sen hiện lên trong cảm xúc tác giả khi về thăm quê Bác thật tươi đẹp và bình dị. Đó là mảnh đất nghèo khó như bao làng quê khác trên đất nước ta: "Mấy dãy ao chua, mảnh đất phèn". Nhưng kỳ diệu thay vì trên mảnh đất đói nghèo, lam lũ ấy, hoa sen vẫn thắm bông tươi đẹp đến nao lòng, dù sinh ra từ bùn lầy nước đọng. Vẻ đẹp vượt qua hoàn cảnh của loài hoa thanh khiết ấy được xem như phẩm chất hiếm có mang cốt cách con người xứ Nghệ nói riêng và của dân tộc Việt Nam anh hùng, bất khuất nói chung. Quê Bác từ đó đã trở thành "quê chung" thân thiết với mỗi người dân nước Việt, "Làng quen như thể quê chung vậy":

Thăm lại vườn xưa mái cỏ tranh
Thương hàng râm bụt, luống rau xanh
Ba gian nhà trống, nồm đưa võng
Một chiếc giường tre, chiếu mỏng manh


Cụ thể hơn, khi về thăm quê Bác, Tố Hữu đã xúc động khi bước vào căn nhà xưa in dấu tuổi thơ Người. Mảnh vườn nhỏ đơn sơ, mái tranh nghèo ba gian trải bao mưa nắng, một chiếc võng, một chiếc giường tre và manh chiếu mỏng manh... Nhờ phép liệt kê thông qua một loạt hình tượng, Tố Hữu đã làm cho người đọc trào tuôn nước mắt khi trái tim lặng nghĩ về Người. Từ mái tranh nghèo này Bác đã ra đi sao? Thương lắm hàng râm bụt mọc bên rào, luống rau xanh ngày tiễn chân Người xa quê cũ. Tất cả giờ như ngừng lại với vẻ đẹp trong sáng, thanh cao và thiêng liêng quá như thuở nào Bác bước chân đi để rồi ba mươi năm sau Người mới trở về thăm lại làng Sen yêu dấu:

Ôi sáng hè vui, Bác trở về
Vẫn không quên lối cũ, tình quê
Bạn xưa còn nhớ khi câu cá
Nhớ quả cà ngon, nhớ gốc chè...


Bác về quê, dù xa nước ba mươi năm, nhưng lòng vẫn nhớ như in từng con đường cũ, từng người bạn thân một thuở ấu thơ câu cá, giữ trâu đến những món ăn dân dã quê nghèo. Lắng sâu hơn trong niềm xúc động ngày trở về làng Sen, Bác Hồ đã hồi tưởng lại những đau thương mất mát trên quê hương mình; xót xa, uất hận trước tình cảnh nước mất nhà tan, đồng bào nô lệ. Đó chính là động cơ để Người ra đi tìm con đường cứu nước, giải phóng quê hương:

Nhớ những năm nao... Máu Cửa Rào
Thân yêu hai tiếng gọi "đồng bào"
Phận nghèo nước mất, dân nô lệ
Đêm tối trời mây, chẳng ánh sao


Những cuộc khởi nghĩa của dân tộc nổ ra đã thất bại, nhiều chí sĩ yêu nước như Phan Đình Phùng, Tống Duy Tân, Nguyễn Trung Trực, Hoàng Hoa Thám... đã anh dũng hy sinh để mở đường cho các thế hệ kế tiếp đứng lên cứu nước. Một làng Sen - xứ Nghệ còn xúc động với những câu thơ dậy sóng mà Phan Bội Châu đã viết nên bằng máu tim mình. Tất cả phẩm chất từ cội nguồn bản quán đã hun đúc cho Bác dám vượt qua ngàn trùng nguy hiểm để mở ra một thời đại mới cho dân tộc, một kỷ nguyên độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đó chính là ngọn lửa thiêng từ nguồn cội gia đình đến quê hương xứ sở thắp lên soi sáng bước chân Người sau ba mươi năm "tìm đường đi cho dân tộc theo đi":

Đã tắt lâu rồi lửa nghĩa quân
Phan Đình Phùng đó, Tống Duy Tân
Nguyễn Trung Trực lại Hoàng Hoa Thám
Đầu dám thay đầu, chân nối chân!


Vâng, "đầu dám thay đầu, chân nối chân" là mạch nguồn thiêng liêng từ truyền thống đánh giặc hào hùng của cha ông để hôm nay có Bác tiếp tục dẫn đường, vạch lối cho toàn dân tộc theo đi. Cũng chính từ cội nguồn dân tộc hun đúc đến ánh sáng thiên lương của dòng máu gia đình đã sinh ra một con người vĩ đại:

Cha đã đi đày, đau nỗi riêng
Còn nghe tiếng gót nặng dây xiềng
Mẹ nằm dưới đất hay chăng hỡi
Xin sáng lòng con ngọn lửa thiêng!


Một đoạn thơ mà tôi có ý thức trích và cảm nhận trên đây chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ trường ca "Theo chân Bác" của Tố Hữu. Cảm xúc thật đong đầy, ngôn ngữ thơ trong sáng, bảy khổ thơ là tấm lòng của một nhà thơ cách mạng suốt đời cảm mộ và kính yêu Bác Hồ bằng một tình yêu tha thiết, chân thành. Quê hương làng Sen vẫn là nguồn cảm hứng bất tận trong dòng chảy thơ ca đương đại, nó trở thành nguồn mạch thiêng liêng mỗi khi chúng ta nghĩ về Bác - vị Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam.

AN ĐỨC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hình tượng làng Sen trong trường ca "Theo chân Bác" (t)