Có một "cổng trời" trên mặt đất

02/12/2018 16:35

Thiên nhiên và con người vùng Tây Bắc luôn là nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca.

Thiên nhiên và con người vùng Tây Bắc luôn là nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca. Cùng với "Việt Bắc" của Tố Hữu, "Cao Bằng" của Trúc Thông..., bài thơ "Trước cổng trời" của Nguyễn Đình Ảnh in trong tập thơ cùng tên, xuất bản năm 1989 đã để lại nhiều ấn tượng khó phai trong lòng bạn đọc. Tác phẩm được chọn in trong sách giáo khoa tiểu học là một đánh giá khách quan, khẳng định đóng góp quan trọng của nhà thơ qua mảng thơ viết về đề tài quê hương, đất nước.

Đọc "Trước cổng trời" của Nguyễn Đình Ảnh, ta nhận ra vẻ đẹp thiên nhiên vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng và tràn đầy sức sống. Đó là một thiên nhiên được đất trời ban tặng cùng với sự chung tay xây đắp của con người nên rất thiêng liêng mà gần gũi, có cái choáng ngợp song lại gợi sự tò mò, thích thú. Địa danh "cổng trời" là tên gọi chung cho vùng núi cao hiểm trở, hùng vĩ và trùng điệp núi non của miền Tây Bắc Tổ quốc như cổng trời Quản Bạ ở Hà Giang, cổng trời ở Sa Pa (Lào Cai).

Bốn câu thơ đầu tiên mở ra một vùng núi non hùng vĩ, cao chất ngất ngỡ như cánh cổng thông đến nhà trời: "Giữa hai bên vách đá/Mở ra một khoảng trời/Có gió thoảng mây trôi/Cổng trời trên mặt đất?".

Giữa hai bên vách đá dựng đứng là khoảng trời mênh mông với "gió thoảng mây trôi" hiện ra khiến tác giả sững sờ như lạc vào tiên cảnh. Câu hỏi tu từ "Cổng trời trên mặt đất?" là một cảm xúc ngỡ ngàng, không thể tin được khi nhà thơ đứng trước độ cao chất ngất của cổng trời. Quả là cổng trời hùng vĩ và rất nên thơ, nơi thiên nhiên giao hòa giữa trời và đất.

Nối tiếp mạch cảm xúc từ vẻ đẹp bao quát ấy, nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh đã giới thiệu vẻ đẹp cụ thể đầy thơ mộng từ cổng trời nhìn ra khung cảnh chung quanh. Một cổng trời với đầy đủ sắc hương hoa cỏ nhìn từ xa ngút ngát. Nên thơ và lãng mạn nhất là hình ảnh "Đàn dê soi đáy suối" bên cạnh con thác ngân nga như một cung đàn bất tận. Thêm nữa, hình ảnh cổng trời mà không xa lạ với người trần thế, bởi cây trái sum suê đến ngút ngàn khắp một vùng rừng núi nguyên sơ tươi đẹp. Qua cảm xúc của nhà thơ, cổng trời kỳ ảo và lung linh như một cõi thần tiên là khi chiều xuống. Thông qua nghệ thuật so sánh, tác giả một lần nữa đã đưa địa danh cổng trời bay lên thành cõi xa mờ, ảo diệu: "Giữa ngút ngàn cây trái/Dọc vùng rừng nguyên sơ/Không biết thực hay mơ/Ráng chiều như hơi khói...".

Giữa bức tranh thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng nhìn từ cổng trời, nhà thơ tiếp tục điểm tô cho khung cảnh xung quanh bằng những gam màu sáng lấp lánh. Một cuộc sống ấm áp, đủ đầy, rộn ràng niềm vui được dựng lên bằng những câu thơ giàu hình tượng. Cuộc sống nơi đây thực sự hạnh phúc nên tiếng nhạc ngựa nhờ đó cũng rung lên rộn rã và xao xuyến lòng người: "Những vạt nương màu mật/Lúa chín ngập lòng thung/Và tiếng nhạc ngựa rung/Suốt triền rừng hoang dã".

Giữa bốn bề khung cảnh tươi vui, mùa màng no đủ, nhà thơ đã sử dụng biện pháp nghệ thuật liệt kê để gợi tả niềm vui lao động của con người. Cuộc sống rộn ràng, tươi đẹp, mùa vụ đang bội thu, nhân dân các dân tộc vùng cao Tây Bắc cũng tất bật hơn. Tất bật mà vui tươi, vì họ làm chủ cuộc sống lao động của mình. Nhờ đó, đọc "Trước cổng trời" mà ta thấy lòng mình ấm áp, say mê trong niềm vui lao động, tâm hồn như hòa nhập cùng với "Vạt áo chàm thấp thoáng" của bà con tụ hội về đây đắp xây cuộc sống mới: "Người Tày từ khắp ngả/Đi gặt lúa, trồng rau/Những người Dáy, người Dao/Đi tìm măng, hái nấm".

Với một cảm xúc chân thành và đằm thắm, bài thơ "Trước cổng trời" đã dựng lên một bức tranh thiên nhiên miền Tây Bắc thật tráng lệ, đồng thời cũng ấm áp cuộc sống lao động của con người. Vẻ đẹp thiên nhiên và con người nơi đây thật hài hòa, gắn bó khiến cho tâm tình người đọc cũng xúc động và tha thiết hướng về. Bài thơ nhờ đó đã gieo vào lòng chúng ta một tình cảm mến yêu và tự hào về quê hương đất nước, trong đó có địa danh cổng trời - một thắng cảnh của miền Tây Bắc xa xôi.

LÊ THÀNH VĂN

Trước cổng trời

Giữa hai bên vách đá
Mở ra một khoảng trời
Có gió thoảng mây trôi
Cổng trời trên mặt đất?

Nhìn ra xa ngút ngát
Bao sắc màu cỏ hoa
Con thác réo ngân nga
Đàn dê soi đáy suối
Giữa ngút ngàn cây trái
Dọc vùng rừng nguyên sơ
Không biết thực hay mơ
Ráng chiều như hơi khói...

Những vạt nương màu mật
Lúa chín ngập lòng thung
Và tiếng nhạc ngựa rung
Suốt triền rừng hoang dã
Người Tày từ khắp ngả
Đi gặt lúa, trồng rau
Những người Dáy, người Dao
Đi tìm măng, hái nấm
Vạt áo chàm thấp thoáng
Nhuộm xanh cả nắng chiều
Và gió thổi, suối reo
Ấm giữa rừng sương giá.

NGUYỄN ĐÌNH ẢNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có một "cổng trời" trên mặt đất