Cho đất nước thêm xuân

24/02/2019 16:19

Đọc bài thơ "Bài hát trồng cây" của nhà thơ Bế Kiến Quốc, chúng ta cảm giác tâm hồn mình thật thư thái, dâng tràn ý nhạc dịu êm.

Nhà thơ Bế Kiến Quốc có một tâm hồn thơ thật trong sáng, đôn hậu. Nhiều bài thơ của ông đã lưu giữ thật bền chặt trong tâm hồn nhiều thế hệ độc giả. Ở cấp tiểu học, cùng với "Ngày hôm qua đâu rồi", bài thơ "Bài hát trồng cây" được các bạn nhỏ rất yêu mến. Bài thơ được phổ nhạc thật ấn tượng, vì chính giọng thơ của nó cũng đã ngân nga tiếng nhạc lòng người về tình yêu đối với thiên nhiên và cuộc sống.

Đọc bài thơ "Bài hát trồng cây" của nhà thơ Bế Kiến Quốc, chúng ta cảm giác tâm hồn mình thật thư thái, dâng tràn ý nhạc dịu êm. Đó là niềm vui cất lên từ cảm xúc yêu đời, biết vun đắp cho cuộc sống này luôn đẹp tươi bằng thành quả lao động trồng cây để thắp lên màu xanh bình yên trên mặt đất.

Bài thơ có 5 khổ, trong đó từ khổ 1 đến khổ 4, tác giả diễn tả niềm vui của người trồng cây khi có được thành quả lao động thật thi vị. Trước hết, trồng cây chính là chúng ta đã tạo ra vòm xanh bát ngát cho chim chóc bay về hót khúc say mê: "Ai trồng cây/Người đó có tiếng hát/Trên vòm cây/Chim hót lời mê say".

Thêm nữa, bắt nguồn cảm xúc ấy, nhà thơ Bế Kiến Quốc đã tiếp tục triển khai mạch thơ theo trình tự thật tự nhiên. Từ tiếng hát trên vòm xanh mà người trồng cây có được đến ngọn gió mát lành khẽ lay hoa lá đùa vui là cả một phát hiện thật trong trẻo, hồn hậu. Hình ảnh "hoa lá đùa lay lay" mới đẹp và nên thơ làm sao! Đó chính là vẻ đẹp thanh cao của hồn người có được sau tháng ngày cây xanh bóng lá: "Ai trồng cây/ Người đó có ngọn gió/ Rung cành cây/ Hoa lá đùa lay lay".

Như vậy, các bạn nhỏ thấy đấy, nếu chúng ta biết trồng cây, cây sẽ cho ta hưởng được nhiều điều thật thú vị. Từ tiếng hót của các loài chim trên vòm lá biếc, rồi ngọn gió mát lành rung cành cây cho hoa lá đùa vui, tất cả đều thật bình yên và thơ mộng. Hơn thế nữa, những lúc nắng nôi dữ dội, chính vòm cây sẽ cho ta bóng mát khi phải đi trên những con đường dài mỏi mệt: "Ai trồng cây/ Người đó có bóng mát/ Trong vòm cây/ Quên nắng xa đường dài".

Sâu lắng hơn cả chính là niềm hạnh phúc mà mỗi người có được khi biết trồng cây để thắp sáng màu xanh qua niềm khát khao, chờ đợi. Thật vậy, hạnh phúc là biết đợi chờ, hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến mai này: "Ai trồng cây/ Người đó có hạnh phúc/ Mong chờ cây/ Mau lớn theo từng ngày".

Điều thú vị và bất ngờ nhất của "Bài hát trồng cây" chính là ý tưởng ở khổ thơ cuối bài mang lại. Nếu như ở 4 khổ thơ trên, người trồng cây được dùng với đại từ phiếm chỉ "Ai" đứng ở đầu mỗi dòng thơ theo kết cấu "Ai trồng cây (thì) người đó có...", nhưng đến khổ kết, nhà thơ Bế Kiến Quốc đã chuyển sang từ chỉ định cụ thể "Em" (lặp lại hai lần) như để nhấn mạnh sự đóng góp của mỗi bạn nhỏ vào công việc trồng cây thật hữu ích này. Vâng, chính các em mới là chủ nhân tương lai của đất nước. Việc trồng cây "làm cho đất nước càng ngày càng xuân" như Bác Hồ từng nói cũng không có gì xa lạ với các em cả. Bài học về tình yêu thiên nhiên và cuộc đời, luôn luôn giữ gìn màu xanh hy vọng cho cuộc sống qua bài thơ thật sâu sắc và ý nghĩa.

LÊ THÀNH VĂN

Bài hát trồng cây

Ai trồng cây
Người đó có tiếng hát
Trên vòm cây
Chim hót lời mê say

Ai trồng cây
Người đó có ngọn gió
Rung cành cây
Hoa lá đùa lay lay

Ai trồng cây
Người đó có bóng mát
Trong vòm cây
Quên nắng xa đường dài

Ai trồng cây
Người đó có hạnh phúc
Mong chờ cây
Mau lớn theo từng ngày

Ai trồng cây...
Em trồng cây...
Em trồng cây...

BẾ KIẾN QUỐC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cho đất nước thêm xuân