Xác định năng lực nhà đầu tư chưa chặt chẽ, không rõ ràng

15/11/2019 18:14

Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng đề xuất một số nội dung liên quan đến Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Trong phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV sáng 15.11 về việc điều chỉnh một số luật, đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) đề xuất một số nội dung liên quan đến Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Đại biểu đề nghị việc sửa đổi cần phải nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng đến việc thu hút đầu tư nước ngoài, nhằm một mặt thực sự thu hút được nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia, mặt khác giúp được các doanh nghiệp trong nước có cơ hội lớn mạnh. Đây là điều cốt yếu và vô cùng quan trọng để từ đó đưa ra những quy định phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế nhưng vẫn hạn chế các nhà đầu tư “không mong muốn” đến từ nước ngoài. Đặc biệt phải chú ý đến những vấn đề được nêu tại Nghị quyết 50/NQ -TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 của Bộ Chính trị. Đại biểu Thưởng đánh giá, Việt Nam đang thu hút hiệu quả đầu tư từ châu Á, nhưng về dài hạn phải thu thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư từ các khu vực khác như châu Âu và Mỹ để đa dạng hóa nguồn vốn FDI.

Đối với ưu đãi đầu tư cần nghiên cứu để thay đổi việc ưu đãi theo ngành nghề như hiện nay (điều 16, Luật Đầu tư) thành ưu đãi theo từng cấp độ. Như các thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung ưu đãi nội dung gì, các tỉnh miền núi cần ưu đãi gì, các địa phương còn lại như thế nào? Cần thay thế chính sách ưu đãi dựa trên lợi nhuận bằng chính sách ưu đãi dựa trên hiệu quả. Nghiên cứu để chuyển tương ứng các quy định về ưu đãi từ Luật Đầu tư sang Luật Thuế và Luật Hải quan.

Đại biểu Thưởng cho rằng quy định về chuyển nhượng dự án có gắn chuyển nhượng đất giữa Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản còn chồng chéo, chưa rõ cơ quan thực hiện, chưa rõ thủ tục, trình tự thực hiện? Ví dụ điều 45 Luật Đầu tư quy định đối với trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư là đơn vị tiếp nhận thực hiện việc chuyển nhượng để điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, theo Luật Bất động sản (điểm a, khoản 1, điều 12) thì Sở Xây dựng là đơn vị được UBND cấp tỉnh uỷ quyền. 

Theo đại biểu Thưởng, hiện nay việc xác định năng lực của nhà đầu tư khi đề xuất thực hiện dự án chưa chặt chẽ, không rõ ràng. Tại các quy định của Luật Đầu tư, việc xác định năng lực tài chính của nhà đầu tư thông qua bản sao các tài liệu chưa đủ để khẳng định năng lực tài chính của nhà đầu tư. Đại biểu cho rằng, có trường hợp nhà đầu tư chỉ cần “chạy” một văn bản cam kết hỗ trợ của một đơn vị tài chính là đã có thể xác định đủ nguồn lực về tài chính để thực hiện dự án, trong khi vấn đề thực hiện dự án là phải có năng lực thật sự. Mặt khác, trong quá trình thẩm định dự án, do không được yêu cầu thêm bất cứ thủ tục hay nội dung ngoài các hướng dẫn của luật nên việc xác định năng lực tài chính của nhà đầu tư rất khó khăn.

Tham gia về việc chuyển nhượng dự án đầu tư, đại biểu cho rằng hiện nay có nhiều trường hợp vì lý do khách quan, nhà đầu tư không thể triển khai thực hiện dự án, không thể hoàn thành xây dựng dự án theo quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt, do vậy nhà đầu tư sẽ phải thực hiện chấm dứt hoạt động dự án và chuyển nhượng phần tài sản đã đầu tư trên diện tích đất thuê. Theo Luật Đầu tư, nhà đầu tư sẽ phải thanh lý dự án, bao gồm cả tài sản trên đất đã đầu tư. Tuy nhiên, theo Luật Đất đai thì không thể chuyển nhượng do chưa hoàn thành xây dựng theo quy hoạch chi tiết hoặc không thể chuyển nhượng do chưa hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất (sổ hồng) và không thể công chứng hợp đồng chuyển nhượng. Để khắc phục và tháo gỡ vướng mắc, một số địa phương đã sử dụng hợp đồng thanh lý (không công chứng) theo quy định tại khoản 5 điều 41 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng đề nghị giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai cần thống nhất về nội dung này.

PV

(0) Bình luận
Xác định năng lực nhà đầu tư chưa chặt chẽ, không rõ ràng