Việt Nam chuẩn bị cho những chiến thắng mới

14/12/2019 12:00

Đây là nhan đề bài viết của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga Ngô Đức Mạnh đăng trên báo Độc lập của Nga ngày 13.12.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc Quân lệnh số I - Quyết định thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (22.12.1944). Ảnh tư liệu

Bài báo viết năm 2019, Việt Nam kỷ niệm một sự kiện rất quan trọng: 75 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Ngày 22.12.1944, theo lệnh của nhà lãnh đạo Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập với 34 người, tiền thân của Quân đội nhân dân.

Trải qua 75 năm hình thành, đấu tranh và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quân đội nhân dân đã không ngừng phát triển và củng cố.

Sinh ra trong ngọn lửa đấu tranh giải phóng dân tộc thoát khỏi xiềng xích của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc, Quân đội nhân dân thực sự là đội quân “của nhân dân, từ nhân dân và vì nhân dân,” xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh vì độc lập và tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng."

Quân đội nhân dân đã giành được những chiến thắng vẻ vang trong cuộc chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ. Chiến thắng này đã mở đường cho việc ký Hiệp định Genève khôi phục hòa bình ở Đông Dương, dựa trên những thành tựu của Cách mạng Tháng Tám.

Từ 1954-1975, Việt Nam đã tiến hành chiến tranh kháng chiến chống đế quốc Mỹ, bảo vệ miền Bắc và giải phóng miền Nam. Trong cuộc chiến tranh khốc liệt này, bất chấp sự chênh lệch về lực lượng, phẩm chất anh hùng của Quân đội nhân dân và nhân dân Việt Nam một lần nữa được thể hiện trước một thế lực hùng mạnh.

Đầu tiên là chiến thắng trong cuộc chiến tranh “đặc biệt," “Việt Nam hóa," tiếp đó là trong cuộc không kích miền Bắc của Mỹ và cuối cùng là cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975 mà điểm then chốt là chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc thành công cuộc kháng chiến chống quân xâm lược.

Sau đó, Quân đội nhân dân đã thực hiện sứ mệnh quốc tế tại Campuchia, tích cực tham gia xây dựng và khôi phục đất nước này từ đống đổ nát.

Quân đội nhân dân được tổ chức tinh gọn, trang bị vũ khí hiện đại cần thiết, thường xuyên tổ chức huấn luyện và sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Quân đội gồm các lực lượng chính quy và địa phương, với tổng cộng khoảng 450.000 người, cùng lực lượng dự bị khoảng 5 triệu người.

Quân đội nhân dân đang tích cực phát triển hợp tác quân sự với các nước láng giềng và các thành viên ASEAN, các quốc gia hữu nghị truyền thống.

Ngoài ra, Quân đội nhân dân còn tích cực tham gia vào các định chế và tổ chức quốc tế và khu vực, tham gia các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Nền tảng cho các sự kiện này là chính sách quốc phòng của Việt Nam, dựa trên các nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Việt Nam chủ trương từng bước hiện đại hóa quân đội, mở rộng năng lực phòng thủ để duy trì sức mạnh quân sự ở mức độ tự vệ cần thiết; phản đối chạy đua vũ trang.

Trải qua nhiều cuộc chiến tranh giành độc lập và tự do, Việt Nam tôn trọng chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của các quốc gia khác trên cơ sở các nguyên tắc trong Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng yêu cầu các nước khác tôn trọng độc lập và lợi ích quốc gia của mình.

Kiềm chế trong chính sách đối ngoại trước mối đe dọa, Việt Nam kiên quyết đáp trả mọi hành động xâm lược. Việt Nam ủng hộ việc giải quyết nhất quán các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Liên quan đến các tranh chấp trên biển, với đầy đủ bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, Việt Nam vẫn cam kết đàm phán hòa bình để giải quyết các tranh chấp theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, yêu cầu các bên tuân thủ nghiêm ngặt Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Kỷ niệm 75 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam là dịp để ghi nhớ sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Nga. Trong những năm khó khăn nhất của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như xây dựng, đổi mới và bảo vệ đất nước, Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ về tinh thần và vật chất từ cả Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay.

Hiện nay, hợp tác quốc phòng là một trong những lĩnh vực quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Việt Nam, vốn đang phát triển và tăng cường một cách hiệu quả, đặc biệt trong các lĩnh vực như trao đổi phái đoàn các cấp, hợp tác kỹ thuật quân sự, đào tạo nhân viên quân sự, hợp tác giữa hai bên…

Trong khuôn khổ Năm chéo Việt-Nga 2019, hai nước đã tổ chức hơn 70 sự kiện hợp tác quốc phòng thuộc nhiều lĩnh vực và việc trao đổi các đoàn diễn ra tích cực, hiệu quả, đặc biệt là trao đổi phái đoàn lãnh đạo quân sự hai nước.

Việt Nam đã cử 7 đội tham gia “Đại hội thể thao quân đội 2019," tham dự Hội nghị An ninh Quốc tế Moskva lần thứ VIII năm 2019, Diễn đàn Kỹ thuật Quân sự Army 2019, cũng như các sự kiện đa phương do Bộ Quốc phòng Nga tổ chức.

Lần đầu tiên, một tàu chiến Việt Nam đã đến thăm Nga và tham gia cuộc diễu hành hải quân ở Vladivostok. Hàng năm, Bộ Quốc phòng Nga cung cấp hàng trăm học bổng miễn phí và ưu đãi cho quân đội Việt Nam.

Tàu hộ vệ tên lửa 016-Quang Trung cập cảng thành phố Vladivostok. Ảnh: Hồng Pha/TTXVN

Cả hai nước đều ủng hộ việc tăng cường hợp tác quốc phòng lâu dài, thiết thực và đáng tin cậy trên cơ sở các hiệp ước và hiệp định đã ký, gồm Kế hoạch hợp tác và phát triển quốc phòng giai đoạn 2018-2020; đồng thời tạo điều kiện ký kết các văn bản hợp tác mới, trong đó có Tuyên bố về tầm nhìn chung hợp tác quốc phòng Nga-Việt giai đoạn 2019-2023.

Việt Nam tin tưởng chắc chắn rằng Quân đội nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sẽ tiếp tục phát triển, củng cố và luôn sẵn sàng bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, đồng thời có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và củng cố lòng tin giữa 2 nước.

Xem Nga là đối tác ưu tiên hợp tác song phương, đặc biệt là trong quan hệ quốc phòng, Quân đội nhân dân sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với các lực lượng vũ trang Liên bang Nga trong tương lai gần trên cơ sở tin cậy và tôn trọng lẫn nhau.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Việt Nam chuẩn bị cho những chiến thắng mới