Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và mùa xuân mới

17/02/2018 11:08

Tư tưởng Hồ Chí Minh và tấm gương đạo đức của Người là di sản tinh thần vô cùng quý báu của Đảng và dân tộc ta.


Hồ Chí Minh đã khẳng định: Quyền tự do, độc lập là quyền bất khả xâm phạm của các dân tộc

Phấn đấu xây dựng nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu là hoài bão, là mong mỏi thiết tha của Người, là lời non nước, là tiếng gọi của ngàn xưa và của hôm nay, là tiếng gọi của mùa xuân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, lãnh tụ kính yêu của toàn dân tộc. Người là hồn thiêng sông núi, là lẽ sống không thể thiếu được trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của đất nước ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh và tấm gương đạo đức của Người là di sản tinh thần vô cùng quý báu của Đảng và dân tộc ta; soi đường thắng lợi cho cách mạng Việt Nam trong 88 năm qua. Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, tiến lên xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Lịch sử Việt Nam là lịch sử không ngừng đấu tranh dựng nước và giữ nước. Tinh thần yêu nước luôn luôn đứng ở hàng đầu trong bảng giá trị tinh thần truyền thống Việt Nam. Đối với một người dân mất nước, cái quý nhất trên đời là độc lập của Tổ quốc, tự do của nhân dân. Như Hồ Chí Minh đã từng nói: “Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập...”. Hồ Chí Minh là người đã đưa ra chân lý bất hủ, có giá trị cho mọi thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đó không chỉ là lý tưởng mà còn là lẽ sống, là học thuyết cách mạng của Hồ Chí Minh, là lý do chiến đấu, là nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng, nguồn động viên đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Giữa hoàn cảnh tối tăm, từ những khó khăn chưa có lối thoát, ngày 5.6.1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm bằng được con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam, thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc.

Với tầm nhìn chiến lược của một nhà cách mạng kết hợp với thực tiễn Cách mạng Tháng Mười, Nguyễn Ái Quốc xác định được con đường giải phóng dân tộc. Đó là con đường giải phóng dân tộc bị áp bức, độc lập dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội, góp phần định hướng con đường cứu nước, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam.

Với lập trường yêu nước đúng đắn, Người đã vạch ra chân lý sáng ngời cho dân tộc Việt Nam: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Người còn chỉ rõ: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức”. Người đã đi nối quan hệ giữa cách mạng thuộc địa với cách mạng vô sản ở các nước như hai cánh của con chim”. Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới.

Theo Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc thực sự phải bảo đảm cho dân tộc đó quyền tự quyết dân tộc, quyền lựa chọn chế độ chính trị, lựa chọn con đường và mô hình phát triển, độc lập cả về chính trị, kinh tế, văn hóa. Độc lập dân tộc phải thực sự bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc; con người được phát triển toàn diện, có năng lực làm chủ. Như vậy, con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là con đường hợp quy luật khách quan của cách mạng nước ta, đáp ứng khát vọng ngàn đời của nhân dân ta là độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở thời kỳ 1945 - 1954 được thể hiện ở những chủ trương, đường lối chiến lược do Hồ Chí Minh khởi xướng “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, “kháng chiến đi đôi với kiến quốc”, “kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”. Đến thời kỳ 1954 - 1969, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trong tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện qua chủ trương: Đảng Cộng sản lãnh đạo thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng này vừa phản ánh quy luật khách quan của sự nghiệp giải phóng dân tộc trong thời đại cách mạng vô sản, vừa phản ánh mối quan hệ khăng khít giữa mục tiêu giải phóng dân tộc với mục tiêu giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Đến Hồ Chí Minh, chủ nghĩa yêu nước truyền thống đã phát triển thành chủ nghĩa yêu nước hiện đại, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Độc lập cho dân tộc mình đồng thời độc lập cho tất cả các dân tộc. Hồ Chí Minh đã khẳng định: Quyền tự do, độc lập là quyền bất khả xâm phạm của các dân tộc, “dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Là một chiến sĩ quốc tế chân chính, Hồ Chí Minh không chỉ đấu tranh cho độc lập của dân tộc mình mà còn đấu tranh cho độc lập của tất cả các dân tộc bị áp bức. Chủ nghĩa yêu nước chân chính luôn luôn thống nhất với chủ nghĩa quốc tế trong sáng ở Hồ Chí Minh.

Thắng lợi trong sự nghiệp đổi mới cũng như trong cách mạng và kháng chiến trước đây đã chứng minh trí tuệ và bản lĩnh của Đảng ta lãnh đạo. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã vận dụng, phát triển một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam, kết hợp tinh hoa văn hóa của nhân loại với kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trong hoạch định đường lối cách mạng, Người đã làm sáng tỏ mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc phương Đông và phương Tây, truyền thống và hiện đại. Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, về đạo đức - văn hóa - nhân văn, về xây dựng Đảng… đã và đang tiếp tục soi đường cho cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã nhấn mạnh: “Trong bất kỳ điều kiện và tình huống nào, phải kiên trì thực hiện đường lối và mục tiêu đổi mới, kiên định và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới”.

Với sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện… diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiềm ẩn đầy biến động khó lường, sự chống phá của các thế lực thù địch, đòi hỏi Đảng ta phải trong sạch, vững mạnh mới có chiến lược, sách lược đúng; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhằm góp phần cùng Đảng ta thật sự vững vàng về chính trị và tư tưởng, thống nhất cao về ý chí và hành động, trong sạch về đạo đức và lối sống, chặt chẽ về tổ chức, đủ sức lãnh đạo đưa đất nước ngày càng phát triển, xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân.

Mừng đất nước đổi mới, mừng xuân Mậu Tuất, mừng Đảng quang vinh, với niềm tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, về Đảng ta, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân nguyện tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu như mong ước của Người.

Ths NGUYỄN THANH HOÀNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và mùa xuân mới