Sắp xếp hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã: Tiết kiệm chi, tăng hiệu quả

01/03/2018 06:48

Việc sáp nhập các xã, thị trấn có dân số thấp, diện tích nhỏ sẽ có nhiều xáo trộn nhưng là hướng đi cần thiết cho sự phát triển của nhiều địa phương.


2 xã An Châu, Thượng Đạt đều có diện tích nhỏ, dân số ít, có thể sáp nhập để thành lập phường, phù hợp với hướng phát triển của thành phố. Trong ảnh: Xã Thượng Đạt có 19 cán bộ, công chức cấp xã
Việc thu gọn các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên chắc chắn sẽ có nhiều xáo trộn, nhưng là hướng đi cần thiết cho sự phát triển của nhiều địa phương.

Đồng thuận 

An Châu là 1 trong 2 xã ở TPHải Dương hiện chưa bảo đảm quy định đối với một xã khi thành lập phải có diện tích tối thiểu 30 km2 (3.000 ha) và 8.000 dân. Xã hiện chỉ có diện tích tự nhiên hơn 400 ha, có 4 thôn với gần 3.800 nhân khẩu. Giáp với An Châu, xã Thượng Đạt cũng chỉ có diện tích tự nhiên hơn 262 ha, với 6 thôn, dân số hơn 2.700 người.

Sau khi thực hiện tinh gọn bộ máy, xã An Châu hiện có 19 cán bộ, công chức. Bình quân mỗi năm xã được cấp 3,6 tỷ đồng  ngân sách, trong đó dành gần 1 tỷ đồng để chi lương, phụ cấp cho cán bộ, công chức. Nguồn thu của xã hằng năm chỉ đạt khoảng 400 triệu đồng. Toàn xã chỉ có 3 doanh nghiệp nhỏ, có 1 chợ "cóc", 70% số dân làm nông nghiệp. An Châu đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới từ năm 2014. Tuy nhiên, kinh phí huy động nhân dân đóng góp làm đường giao thông ngõ xóm khá cao so với các xã khác, bình quân  từ 4-4,5 triệu đồng/khẩu. Xã còn nợ 6 tỷ đồng xây dựng cơ bản.

Theo Chủ tịch UBND xã An Châu Vũ Văn Bắc, việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý địa bàn xã nhỏ gặp khó khăn, nhất là điều kiện phát triển kinh tế hạn chế và khó huy động đóng góp của nhân dân để kiến thiết. Ông Bắc tán thành chủ trương sáp nhập các xã nhỏ ở những nơi phù hợp, với tầm nhìn lâu dài. Hai xã An Châu và Thượng Đạt có thể sáp nhập để thành lập phường nhằm phù hợp với hướng phát triển của thành phố và thuận lợi, hiệu quả hơn trong quản lý, lãnh đạo, điều hành.

Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn (Cẩm Giàng) Phạm Văn Ngọ đồng tình cao với chủ trương tinh gọn bộ máy. Ông Ngọ cho rằng đối với xã nhỏ như Cẩm Sơn (rộng 166 ha, có 3 thôn, hơn 2.200 nhân khẩu) thì có thể tiếp tục tinh giản biên chế cán bộ, công chức đến mức thấp hơn nữa. Hiện xã có 19 cán bộ, công chức và đến cuối năm sẽ giảm tiếp còn 18 người. Tuy xã nhỏ nhưng Cẩm Sơn phát triển khá ổn định. Với nguồn kinh phí huy động từ nhân dân không lớn, chỉ chiếm xấp xỉ 10%, nhưng Cẩm Sơn đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và đang xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. 100% số lao động trong độ tuổi của xã có việc làm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 35 triệu đồng, tăng 3 triệu đồng so với năm 2016. Ông Ngọ cho biết thêm trong dịp gặp mặt đầu năm, các đồng chí nguyên là cán bộ chủ chốt cấp xã các thời kỳ đều đồng thuận với chủ trương thu gọn bộ máy, tiết giảm ngân sách và đề nghị việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã cần có phương án hợp lý để bảo đảm sự phát triển ổn định, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân. 

Mỗi năm xã Cẩm Sơn (Cẩm Giàng) chỉ thu ngân sách được khoảng 100 triệu đồng

Thu gọn để phát triển

Theo khảo sát của Sở Nội vụ, toàn tỉnh hiện có 38 xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên. Có xã rất nhỏ như Kênh Giang (Chí Linh) chỉ có 46 ha với 643 nhân khẩu; thị trấn Cẩm Giàng cũng chỉ rộng 46 ha, hơn 2.400 nhân khẩu. Huyện Ninh Giang có tới 9 xã chưa đạt tiêu chí theo quy định...

38 xã nhỏ hiện thực hiện theo quy định về xã loại 3, không quá 21 cán bộ, công chức và không quá 19 cán bộ không chuyên trách. Bình quân ngân sách cấp cho mỗi xã từ 2,5-3,5 tỷ đồng/năm, chỉ thấp hơn từ 200-500 triệu đồng đối với các xã lớn hơn gấp 4-5 lần. Chưa kể mỗi xã dù nhỏ, dân số chưa bằng 1 thôn của xã lớn cũng đều có hệ thống các trường học từ mầm non tới THCS tương ứng và 1 trạm y tế với bộ máy quản lý và viên chức làm việc riêng. Đây là một trong những lý do khiến bộ máy ở cơ sở ngày càng phình to, ngân sách chi lớn.

Theo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" do Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành, trước năm 2020, tỉnh sẽ hoàn thành việc sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã. 

Tính chung cả nước, nếu sáp nhập 700 đơn vị hành chính cấp xã thiếu 50% tiêu chí về diện tích và dân số đã giúp ngân sách nhà nước tiết kiệm 2.000 tỷ đồng mỗi năm. Trên địa bàn tỉnh, việc thu gọn các đơn vị hành chính được thực hiện hợp lý cũng sẽ tạo ra những thay đổi tích cực, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, tiết kiệm nguồn ngân sách.

Việc sáp nhập thôn, xã dù sẽ có những khó khăn, xáo trộn, nhưng đã từng được thực hiện trên địa bàn tỉnh. Khó hơn như việc sáp nhập, tách tỉnh, huyện cũng đã có tiền lệ. Nhân sự của các đơn vị có thể sẽ được gộp lại, nhưng sau đó sẽ được thu gọn. Dù khó, thậm chí chấp nhận bộ máy cồng kềnh một thời gian, nhưng sau đó, các đơn vị hành chính sẽ có cơ hội, điều kiện phát triển tốt hơn. Cơ sở vật chất của từng đơn vị hiện đang ổn định cũng sẽ được tính toán lại, tận dụng hiệu quả bảo đảm tạo cơ hội phát triển tốt nhất cho từng địa phương.

Danh sách 38 xã, thị trấn đạt dưới 50% theo quy định cả 2 tiêu chí: Kênh Giang (Chí Linh); Cẩm Sơn, Thạch Lỗi, thị trấn Cẩm Giàng (Cẩm Giàng); Ninh Hòa, Hồng Dụ, Quyết Thắng, Tân Quang, Vạn Phúc, Văn Hội, Ninh Thành, Hưng Long, Quang Hưng (Ninh Giang); Trùng Khánh, Phương Hưng, Tân Tiến (Gia Lộc); Hưng Thịnh, Vĩnh Tuy (Bình Giang); Thượng Đạt, An Châu (TP Hải Dương); Trường Thành, An Lương, Hợp Đức (Thanh Hà); Diên Hồng, Hùng Sơn (Thanh Miện); Kim Khê, Việt Hưng, Cẩm La (Kim Thành); Đông Kỳ, Tứ Xuyên, Kỳ Sơn, Tái Sơn, Ngọc Kỳ, Phượng Kỳ, Tây Kỳ, Quảng Nghiệp (Tứ Kỳ); Phú Điền (Nam Sách); Thái Sơn (Kinh Môn).

LINH AN 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sắp xếp hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã: Tiết kiệm chi, tăng hiệu quả