Sắp xếp hệ thống báo chí của tỉnh theo quy hoạch

20/06/2020 07:01

Việc sắp xếp lại hệ thống báo chí của tỉnh theo quy hoạch góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên đáp ứng yêu cầu phát triển của báo chí trong tình hình mới.


Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh động viên phóng viên tác nghiệp tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Nam Sách lần thứ XXVIII

Từ ngày 1.1.2020, Hải Dương thực hiện kế hoạch Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đối với các cơ quan báo chí thuộc tỉnh (gọi tắt là quy hoạch báo chí).

3 tạp chí chuyển thành bản tin

Trước đây, Hải Dương có 8 cơ quan báo chí, gồm Báo Hải Dương, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, 6 tạp chí: Văn nghệ Hải Dương; Khoa học và Công nghệ Hải Dương; Lao động và Công đoàn Hải Dương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nghiên cứu khoa học - Đại học Sao Đỏ; Đại học Hải Dương. Ngoài ra, còn có 17 bản tin, 1 Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Hải Dương, 1 Cổng thông tin điện tử tỉnh của UBND tỉnh và 52 trang thông tin điện tử thành phần được tích hợp trên Cổng thông tin điện tử tỉnh. Tháng 6.2019, tạp chí Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuyển đổi thành bản tin nên Hải Dương còn 7 cơ quan báo chí, 18 bản tin và 54 cổng thông tin, trang thông tin điện tử. 

Sau khi thực hiện quy hoạch báo chí, đến nay, Hải Dương còn 5 cơ quan báo chí, gồm Báo Hải Dương, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, 3 tạp chí Văn nghệ Hải Dương; Nghiên cứu khoa học - Đại học Sao Đỏ; Đại học Hải Dương. Ngoài ra, còn có 20 bản tin, 1 Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Hải Dương, 1 Cổng thông tin điện tử tỉnh của UBND tỉnh và 52 trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố và 12 Đài Phát thanh, truyền thanh cấp huyện, 235 Đài Truyền thanh của các xã, phường, thị trấn. Trong số 20 bản tin, có 3 bản tin được chuyển đổi từ tạp chí ngành gồm tạp chí Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch); tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương (Sở Khoa học và Công nghệ), tạp chí Lao động và Công đoàn Hải Dương (Liên đoàn Lao động tỉnh). Sau khi chuyển đổi, các bản tin này phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật đối với hoạt động xuất bản, phát hành bản tin và giấy phép xuất bản bản tin do Sở Thông tin và Truyền thông cấp.

Thực hiện quy hoạch báo chí nhằm sắp xếp các cơ quan báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí; xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt. Việc sắp xếp các cơ quan báo chí bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, gắn với việc xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới.


Thực hiện quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc, các cơ quan báo chí trong tỉnh cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Trong ảnh: Phóng viên tác nghiệp tại Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc 2019

Vẫn còn khó khăn

Các cơ quan báo chí như Báo Hải Dương, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, tạp chí Văn nghệ Hải Dương, tạp chí Nghiên cứu khoa học - Đại học Sao Đỏ và tạp chí Đại học Hải Dương đều không bị ảnh hưởng quá nhiều về tổ chức bộ máy hoạt động khi thực hiện quy hoạch báo chí. Các đơn vị này cần tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để phục vụ tốt nhiệm vụ tuyên truyền của tỉnh trong tình hình mới. Riêng 3 bản tin chuyển đổi từ tạp chí vẫn gặp khó khăn.

Tháng 6 này, bản tin Văn hóa, Thể thao và Du lịch tròn 1 năm chuyển đổi từ tạp chí. Hiện bản tin có 4 người thực hiện công tác xuất bản, phát hành bản tin in và bản tin điện tử. Quy mô xuất bản từ khoảng 3.000 bản/số giảm còn khoảng 2.600 bản/số. Trước đây tạp chí phát hành ngoài tỉnh nhưng từ khi chuyển sang bản tin chỉ phát hành nội bộ ngành. Bản tin thông tin, phản ánh những hoạt động nội bộ của ngành, những chỉ đạo liên quan của các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan chủ quản. Từ khi chuyển thành bản tin, việc tác nghiệp của các phóng viên thuộc bản tin cũng bị hạn chế rất nhiều so với trước. Thực tế trong tỉnh có rất nhiều sự kiện, vấn đề liên quan tới văn hóa, thể thao, giải trí thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý, nhưng nhiều sự kiện những người làm bản tin không được tham dự đưa tin do không có thẻ nhà báo. Vì là bản tin nên không còn cơ chế vận động quảng cáo, kinh phí hoạt động phụ thuộc toàn bộ vào đơn vị chủ quản.


Phòng Báo điện tử (Báo Hải Dương) sản xuất bản tin truyền hình

Cùng hoàn cảnh, sau khi chuyển đổi, bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương từ 3 người thực hiện công tác xuất bản giảm còn 1 người làm chuyên trách, trong khi vẫn duy trì 2 tháng/số, mỗi số phát hành khoảng 2.000 bản. Trong điều kiện ít người làm chuyên môn, để đáp ứng nội dung nên Ban biên tập của bản tin phải mời, đặt hàng các bài viết của cộng tác viên. Hải Dương chưa có quy định về chế độ chi trả nhuận bút đối với cộng tác viên của bản tin nên khó thu hút được họ viết bài. Ngoài ra, có rất ít người viết bài liên quan tới khoa học và công nghệ.

Còn với bản tin Lao động và Công đoàn Hải Dương (Liên đoàn Lao động tỉnh), mặc dù chuyển đổi từ tháng 1.2020 nhưng phải tới đầu tháng 7 tới mới phát hành được bản tin đầu tiên. Nguyên nhân do khi chuyển thành bản tin, Liên đoàn Lao động tỉnh phải xây dựng lại bộ phận phụ trách từ Ban Biên tập, quy chế hoạt động đến quy chế hỗ trợ nhuận bút, làm thủ tục xin cấp giấy phép mới... Tuy khổ in, số trang giảm nhưng số lượng xuất bản vẫn như trước đây, khoảng 2.000 bản/số/tháng.

Một trong những khó khăn nữa với người làm bản tin sau chuyển đổi từ tạp chí là họ không còn là hội viên Hội Nhà báo. Với nhiều đơn vị, họ rất nỗ lực để được công nhận, kết nạp vào tổ chức hội nhưng từ khi chuyển thành bản tin thì họ không còn là hội viên nữa.

PV - THÀNH CHUNG

(0) Bình luận
Sắp xếp hệ thống báo chí của tỉnh theo quy hoạch