Sắp xếp các trường học không nên quy định "cứng"

05/01/2018 19:14

Đó là ý kiến của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cũng như một số đại biểu khi thảo luận kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19.


Ông Vũ Văn Lương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GDĐT. Ảnh: Thành Chung

Phát biểu thảo luận sáng 5.1 tại Hội nghị lần thứ 11 (lần 2) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, ông Vũ Văn Lương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GDĐT cho rằng ngành GDĐT hoàn toàn thực hiện được yêu cầu giảm 10% đầu mối đơn vị từ nay đến năm 2021.

Tuy nhiên, trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết cần linh hoạt trong việc sắp xếp, tránh việc quy định "cứng" sẽ khó thực hiện. Ông Lương dẫn chứng huyện Thanh Miện có 3 trường THPT, huyện Kinh Môn có 4 trường THPT. Nếu yêu cầu thu gọn lại còn 2 trường thì có học sinh phải đi học xa tới 20 km bởi hiện nay nhiều trường cách nhau tới 10 km. "Một phường 7 trường mà sáp nhập làm 1 hoặc 1 huyện chỉ có 2 trường THPT sẽ gây khó khăn cho cả giáo viên và học sinh", ông Lương nói. 

Theo ông Lương, đối với bậc THCS và THPT, việc sắp xếp tương đối thuận lợi. Nếu trường THPT đóng trên địa bàn xã nào, thì trường THCS của xã đó sẽ sáp nhập vào. Việc sáp nhập các trường mầm non, trường tiểu học, THCS ở các xã, phường lân cận hoàn toàn có thể thực hiện được. 


Ông Trần Văn Quân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thanh Miện. Ảnh: Thành Chung

Đồng tình với giải pháp của ông Lương, ông Trần Văn Quân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thanh Miện đề nghị giữ nguyên số trường THPT như hiện nay và sẽ tổ chức mô hình liên cấp 2 và 3. Ông Nguyễn Khắc Toản, Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lộc cho biết việc sắp xếp lại hệ thống trường học là bài toán khó, đặc biệt đối với 38 xã không đủ điều kiện về quy mô dân số, diện tích tự nhiên phải sáp nhập. Ông Toản lưu ý việc sắp xếp lại theo mô hình trường liên cấp cần bảo đảm cơ cấu đội ngũ giáo viên hợp lý bảo đảm cả ở 2 cấp học.

Về tinh giản 10% biên chế đến năm 2021, ông Vũ Văn Lương cho biết ngành GDĐT đã có một số giải pháp: Yêu cầu các trường bố trí giáo viên dạy đủ số tiết theo quy định, kiên quyết chấm dứt hợp đồng lao động với những giáo viên hợp đồng ngoài định mức. Các trường động viên giáo viên dạy thêm nhưng không được vượt quá 200 giờ/năm theo quy định của Bộ luật Lao động. Điều chuyển giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu nhằm bảo đảm cho giáo viên dạy đủ số tiết. Tuy vậy, ông Lương băn khoăn: "Sau khi đã áp dụng tất cả các biện pháp nhưng vẫn thiếu giáo viên thì ngành giáo dục cũng chưa biết làm thế nào?".

Về vấn đề này, đồng chí Vũ Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết nếu dùng tất cả các biện pháp mà vẫn thừa số tiết thì ngân sách sẽ bố trí kinh phí để thuê giáo viên dạy. "Các trường có thể hợp đồng giảng dạy với những giáo viên đã nghỉ hưu mà còn sức khỏe, tâm huyết với nghề. Không được nhầm lẫn giữa việc hợp đồng để làm công việc với hợp đồng để chờ biên chế", đồng chí Vũ Văn Sơn lưu ý.

Đẩy nhanh tiến độ sáp nhập các trung tâm

Ông Nguyễn Khắc Toản cho biết đối với cấp huyện có 3 lĩnh vực liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 19, đó là giáo dục, y tế và nông nghiệp. Theo ông Toản, đến thời điểm này, huyện Gia Lộc đã cơ bản sáp nhập xong các đơn vị sự nghiệp lĩnh vực giáo dục. Việc sáp nhập các đơn vị thuộc lĩnh vực y tế diễn ra thuận lợi. Đối với việc sáp nhập các đơn vị của ngành nông nghiệp: Trạm Bảo vệ thực vật sáp nhập với Trạm Thú y và Trạm Khuyến nông, ông Toản đề nghị ngành nông nghiệp phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố sớm có kế hoạch để thực hiện.


Ông Vũ Doãn Quang, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Ảnh: Thành Chung

Về vấn đề này, ông Phạm Văn Tỏ, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết việc sáp nhập Trung tâm Dạy nghề với Trung tâm Giáo dục Thường xuyên và Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề chậm nhất trong quý 1 sẽ xong. Sáp nhập Trung tâm Y tế huyện với Bệnh viện Đa khoa huyện và Trung tâm Dân số sẽ hoàn thành trong quý 2. Đối với các đơn vị sự nghiệp của ngành nông nghiệp sẽ được thực hiện khẩn trương trong thời gian tới.

Ông Vũ Doãn Quang, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị giữ nguyên các trung tâm dạy nghề như hiện nay vì mỗi trung tâm gắn với việc đào tạo đặc thù nhưng sẽ phải tự chủ cả chi thường xuyên và chi đầu tư. Nếu trung tâm nào không thực hiện được thì xóa bỏ.


Ông Bùi Quang Toản, Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh. Ảnh: Thành Chung

Ông Bùi Quang Toản, Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho rằng khi triển khai thực hiện nghị quyết cần có lộ trình cụ thể. Ông Toản băn khoăn đối với 3 cơ quan sự nghiệp của Đảng, Nhà nước có tính đặc thù, gồm Báo Hải Dương, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Trường Chính trị tỉnh trong kế hoạch thực hiện nghị quyết không thể hiện. Ông Toản đề nghị cần có kế hoạch cụ thể để 3 đơn vị này để thực hiện.

SỸ THẮNG

(0) Bình luận
Sắp xếp các trường học không nên quy định "cứng"