Nhận diện và đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Bài 1: Cách nào chữa lười học lý luận?

03/03/2018 05:30

Một thực tế hiện nay là nhiều cán bộ, đảng viên có thái độ thiếu nghiêm túc khi tham gia các lớp học nghị quyết, bồi dưỡng về lý luận chính trị...


Trường Chính trị tỉnh đã mở nhiều lớp trung cấp lý luận chính trị giúp cán bộ nâng cao kiến thức về lý luận, khắc phục tình trạng nợ bằng khi bổ nhiệm

LTS: Nhận diện rõ các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên để ngăn chặn, đẩy lùi ngay từ cơ sở là việc làm quan trọng nhằm tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).

Báo Hải Dương trân trọng trích đăng một số tham luận tại Hội thảo khoa học: “Nhận diện những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên tỉnh Hải Dương hiện nay" do Trường Chính trị tỉnh tổ chức ngày 14.11.2017.


Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", Bác Hồ chỉ rõ: "Khuyết điểm có nhiều thứ, nhưng đầu tiên và nguy hiểm nhất là "khuyết điểm về tư tưởng, tức là bệnh chủ quan". Vậy bệnh chủ quan do đâu mà có? Nguyên nhân gây ra bệnh chủ quan được chỉ rõ, đó là do "kém lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông".

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra những biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị như: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị (LLCT); lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. 

Việc lười học LLCT có thể thấy rõ ở một số biểu hiện cụ thể sau:

- Một là, nhiều cán bộ, đảng viên có biểu hiện coi thường học tập LLCT nói chung, nghị quyết của Đảng nói riêng. Họ cho rằng chỉ cần có trình độ chuyên môn là đủ; xác định động cơ học tập để đủ tiêu chuẩn về bằng cấp chứ không phải nghiên cứu, nắm vững LLCT phục vụ công tác. Không coi học tập lý luận là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài của cán bộ, đảng viên.

- Hai là, nhiều cán bộ, đảng viên có thái độ thiếu nghiêm túc khi tham gia các lớp học nghị quyết, bồi dưỡng về LLCT. Biểu hiện rõ nét là khi tham gia học tập, không ít cán bộ, đảng viên đến lớp để điểm danh mà chưa chú ý lắng nghe, trăn trở trước những vấn đề quan trọng, cốt lõi của LLCT. Không ít cán bộ mặc nhiên sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin, vô tư trò chuyện mà không chú ý lắng nghe báo cáo viên, giảng viên truyền thụ kiến thức lý luận. Thậm chí sau mỗi đợt học tập chính trị tập trung, nhiều cán bộ còn quên tài liệu, văn kiện tại giảng đường, dưới gầm bàn...

- Ba là, một bộ phận cán bộ lười học tập, lười suy nghĩ, không thường xuyên tiếp nhận những thông tin mới...

- Bốn là, tình trạng lý luận xa rời thực tiễn đang diễn ra phổ biến. Hiện nay, cán bộ vừa am hiểu lý luận, vừa sâu sát thực tiễn chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Do đó, nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng được xây dựng chưa phù hợp với thực tiễn, hoặc chủ trương hợp lý nhưng khả năng triển khai vào thực tế của cán bộ chậm và kém hiệu quả, thậm chí xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng. Tình trạng trên đã gây ra những hệ lụy không nhỏ cho Đảng, cho Nhà nước và xã hội, làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. 

Tại tỉnh ta, những biểu hiện của bệnh "lười học lý luận" đang thể hiện tương đối rõ nét trong cán bộ, đảng viên nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp của tỉnh nói riêng. Tình trạng "nợ bằng", trốn tránh việc học tập lý luận, học chỉ để hoàn thiện bằng cấp; thiếu nghiêm túc, tập trung trong học tập và thi cử; lười suy nghĩ, vận dụng kiến thức đã học; thiếu quan tâm, cập nhật thường xuyên, hiểu mơ hồ về nội dung các nghị quyết của Đảng; lý luận xa rời thực tiễn... đang là căn bệnh nguy hiểm trong cán bộ, đảng viên. 

Năm 2017, nhằm chuẩn hóa tiêu chuẩn về LLCT đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của tỉnh, qua rà soát có gần 300trường hợp cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, huyện hiện đang nợ bằng trung cấp LLCT - hành chính. Trường Chính trị tỉnh đã mở bổ sung 4 lớp trung cấp LLCT - hành chính để đáp ứng nhu cầu học tập, bảo đảm tiêu chuẩn bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cho nhóm cán bộ này. 

Để nâng cao trình độ lý luận của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay, khắc phục căn bệnh "lười học lý luận", đòi hỏi phải có những giải pháp kiên quyết và đồng bộ. Đảng, Nhà nước cần xác định rõ vai trò của học tập LLCT trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, trong quy định pháp luật của Nhà nước về tiêu chuẩn cán bộ; có chính sách đầu tư hợp lý cho giáo dục LLCT. Các cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ cần coi trọng đúng mức việc học tập LLCT đối với cán bộ, đảng viên. Trong quy hoạch, bổ nhiệm phải quy định rõ tiêu chuẩn về LLCT, không bổ nhiệm cán bộ khi chưa đủ tiêu chuẩn, kiên quyết không để tình trạng "nợ bằng". Tuy vậy, cần coi việc học tập lý luận là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài chứ không chỉ phục vụ cho việc quy hoạch, bổ nhiệm. Khi cán bộ đã được cử đi học, cần phối hợp với đơn vị đào tạo để quản lý cán bộ, coi trọng kết quả, ý thức học tập, coi đó là một tiêu chí đánh giá cán bộ. Các học viện, các đơn vị đào tạo phải chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên chuyên sâu về lý luận, am hiểu thực tiễn, có kỹ năng sư phạm tốt; không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Chất lượng đào tạo được nâng cao sẽ thu hút được người học, phát huy vai trò thực chất của công tác giáo dục lý luận. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác quản lý học viên, tránh tình trạng "đánh trống ghi tên" mà vẫn được thi, được lấy bằng. Cán bộ, đảng viên phải xác định đúng động cơ và mục đích học tập, coi học tập lý luận là nhiệm vụ thường xuyên của người đảng viên. Có thái độ học tập nghiêm túc, cầu thị; phát huy tính sáng tạo, chủ động trong học tập; tích cực mang kiến thức lý luận vận dụng vào thực tiễn.

Tiếp tục đổi mới nội dung giáo dục LLCT theo hướng lý luận phải gắn liền với thực tiễn, phục vụ nhu cầu công tác của người học. Đổi mới phương pháp giáo dục LLCT theo hướng phát huy tính độc lập, tích cực của người học, học đi đôi với hành. Đồng thời, đa dạng hóa các phương thức giáo dục LLCT, kết hợp giữa học ở trường, lớp với quá trình tự học của cán bộ. 

Trong công tác giáo dục LLCT hiện nay, chúng ta mới chỉ coi trọng việc tổ chức các lớp học, khóa học mà chưa quan tâm đến việc tự học của cán bộ. Trừ những cơ quan đặc thù như cơ quan nghiên cứu, giảng dạy... hiếm thấy cơ quan nào có quy định về việc tự học lý luận đối với cán bộ.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 36/KH-TU, đưa ra 10nhóm giải pháp. Theo đó cấn "thực hiện quy định học tập, bồi dưỡng, bổ sung, nâng cao trình độ LLCT bắt buộc cho cán bộ, công chức hằng nằm; tăng cường mở các lớp bồi dưỡng LLCT, cập nhật kiến thức mới phù hợp với từng đối tượng, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp".

Thạc sĩ BÙI QUANG TOẢN, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhận diện và đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Bài 1: Cách nào chữa lười học lý luận?