Ngăn chặn ‘tay không bắt giặc' trong BOT

25/10/2017 05:14

<b>Đại biểu Trần Quốc Vượng cho rằng, BOT chính là hình thức huy động nguồn lực nhưng phải ngăn chặn tình trạng lợi dụng làm không đúng mà lâu nay chúng ta vẫn gọi là “tay không bắt giặc”.</b><br>

Thảo luận tại tổ sáng 24.10, đại biểu Trần Quốc Vượng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, một trong những nguyên nhân đóng góp vào kết quả KT-XH trong năm qua là đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, xây dựng Đảng theo tinh thần nghị quyết Trung ương 4 khoá XII.

Đại biểu Trần Quốc Vượng. Ảnh: Phạm Hải

“Chúng ta làm tạo niềm tin cho nhân dân, cũng làm cho tất cả các hoạt động trong xã hội dần đi vào nề nếp, tốt hơn”, ông Vượng nhấn mạnh.

Ông lưu ý, từ nay đến cuối năm phấn đấu đạt tăng trường 6,7% là không đơn giản. Nếu cứ bình bình như hiện nay là không thể đạt, phải có đột phá.

“Quan trọng vẫn là vấn đề phát triển bền vững. Các nước cũng đặt vấn đề này chứ không phải phát triển bằng mọi giá”, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương lưu ý.

Về phương hướng 2018, ông cho rằng, nếu phân tích kỹ thì sự phát triển vừa qua phần nhiều là ở kinh tế đầu tư nước ngoài, trong khi nội lực nền kinh tế của đất nước mới là quan trọng.

“Đầu tư nước ngoài chỉ bổ sung cho nội lực kinh tế phát triển. Xưa nay chúng ta nói là chủ trương nội địa hoá, phát triển công nghiệp phụ trợ chính là chỗ này. Nếu không thì ông Samsung rút đi rồi thì chả còn gì của mình. Hiện tại rất tốt rồi nhưng tương lai lâu dài cần phải xem kỹ”, ông nói.

Phát triển BOT minh bạch

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng nhắc vấn đề quan trọng là phương hướng, phải có cơ chế đột phá để huy động được nguồn vốn chung sức.

“Nguồn vốn trong dân hiện lớn lắm. Vàng, ngoại tệ, tiền đồng găm trong dân rất lớn. Làm sao ta huy động được cái này. Một trong những việc chúng ta hay nói đến là BOT. Chủ trương BOT là rất đúng”, ông Vượng nhấn mạnh.

BOT chính là huy động nguồn lực của xã hội để xây dựng cơ sở hạ tầng. Không có nguồn lực xã hội thì làm sao làm được, các nước cũng thế.

“Đây chính là huy động nguồn lực, quan trọng là ngăn chặn tình trạng lợi dụng cái này để làm không đúng, mà lâu nay vẫn gọi là “tay không bắt giặc”. Anh phải làm BOT thực sự bằng nguồn vốn của anh”, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương lưu ý.

Ông cho rằng phải phát triển mạnh BOT để làm cơ sở hạ tầng, ngân sách không thể làm được. Vấn đề là làm sao cho minh bạch, lành mạnh.

Đồng thời phát triển kinh tế tư nhân cũng chính là huy động nguồn lực trong dân, mọi người đầu tư vào sản xuất, đầu tư vào nông nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng nhấn mạnh đến giải pháp tập trung thực hiện các nghị quyết, quyết định của Đảng, Nhà nước về xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, có hiệu lực hiệu quả để vận hành nền KT-XH tốt hơn.

“Nghị quyết Trung ương 6 có 2 nghị quyết rất quan trọng về bộ máy tổ chức và chúng ta làm thành công cái này sẽ tạo sức mạnh lớn, phát huy việc chống lãng phí, rất nhiều thứ”, ông kỳ vọng.

THU HẰNG (Vietnamnet)

Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương):
Đẩy nhanh tốc độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công

Năm 2017, trong bối cảnh thiên tai gây thiệt hại nặng nề ở các địa phương, với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Chính phủ, với tinh thần vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của các cấp, các ngành, nền kinh tế đã vượt qua khó khăn, thách thức và thu được nhiều kết quả trên các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế có bước đột phá, quý sau hơn quý trước và trên đà hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% (mục tiêu của cả năm 2017).

Tuy nhiên, còn khá nhiều hạn chế đã bộc lộ từ những năm trước nhưng chậm được khắc phục đã ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Trong đó, có một hạn chế đáng lưu ý là tốc độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công chậm. Trong 9 tháng đầu năm nay, các bộ, ngành và địa phương giải ngân được hơn 164.509 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 53,9% kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn đã giải ngân bao gồm: vốn trong nước hơn 137.368 tỷ đồng (đạt 55,6% kế hoạch); vốn nước ngoài gần 27.141 tỷ đồng (đạt 46,65% kế hoạch). Chỉ có 2 bộ, ngành và 9 địa phương giải ngân trên 80% kế hoạch; 4 bộ, ngành giải ngân dưới 20% kế hoạch.

Tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó đáng lưu ý là một số bộ, ngành và địa phương chậm thông báo và giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017; vướng mắc trong quy trình hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án khởi công mới thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ hoàn thành thủ tục dự án này, dẫn đến Trung ương đã giao kế hoạch cho các địa phương nhưng UBND các tỉnh, thành phố chưa thể giao danh mục dự án nên không giải ngân được vốn. Lúng túng trong việc triển khai các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng. Công tác giải phóng mặt bằng chậm, năng lực yếu kém của nhà thầu, chính quyền một số địa phương chưa thực sự vào cuộc chỉ đạo kiên quyết trong việc giao vốn triển khai thực hiện dự án trên địa bàn. Chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc ưu tiên bố trí đủ vốn đối ứng cho các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý. Thị trường tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng, quản lý chi phí dự án mới hình thành, chưa đáp ứng được yêu cầu cả về quy mô và chất lượng, đặc biệt là đối với các dự án ở vùng núi, biên giới, dự án quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, dự án áp dụng công nghệ mới. Nhiều dự án bị vỡ thầu, chậm tiến độ, vượt chi phí, gây thất thoát lãng phí vốn đầu tư do năng lực của chủ đầu tư và tư vấn yếu kém. Bên cạnh đó, chế tài của pháp luật đối với các vi phạm trong quản lý dự án, quản lý chi phí đầu tư xây dựng chưa đủ mạnh để hạn chế tiêu cực trong lĩnh vực này…

Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn phụ thuộc rất nhiều vào đầu tư (nguồn vốn đầu tư chiếm 53%), thì đầu tư công đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc tạo động lực cho nền kinh tế phát triển. Vì vậy, trong những tháng cuối năm và những năm tiếp theo, cần tăng cường các giải pháp nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Cụ thể là: Hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư; tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân, nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công. Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công năm2017 theo Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 3.8.2017 của Chính phủ. Chỉ đạo các chủ đầu tư tăng cường giám sát thi công, kiểm tra chất lượng công trình, thường xuyên tổ chức kiểm tra tại hiện trường, đôn đốc nhắc nhở các đơn vị thi công nghiêm túc triển khai thi công công trình, kiên quyết xử lý vi phạm trong thực hiện hợp đồng thi công, xử lý những vướng mắc, khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Đồng thời cần có thái độ kiên quyết trong việc cắt giảm kế hoạch vốn năm 2017; không có nhu cầu sử dụng hoặc không có khả năng giải ngân hết kế hoạch trong năm 2017, thu hồi các khoản vốn ứng trước, điều chuyển cho các dự án khác trong nội bộ của từng bộ, ngành và địa phương hoặc cho bộ, ngành và địa phương khác.

(0) Bình luận
Ngăn chặn ‘tay không bắt giặc' trong BOT