Hiệp định EVFTA: Đòn bẩy cho quan hệ thương mại, đầu tư với Việt Nam

20/05/2020 15:46

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ thống nhất với phía EU thời điểm đưa Hiệp định EVFTA vào thực thi trong thời điểm sớm nhất, phù hợp với quy định của hiệp định.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA)

Sáng 20.5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA.

Thúc đẩy quan hệ phát triển sâu rộng và thực chất

Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) được chính thức khởi động đàm phán vào năm 2012. Sau khi kết thúc đàm phán và tiến hành rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định, nội bộ EU phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến phân định thẩm quyền phê chuẩn các FTA giữa EU và từng nước thành viên.

Do đó EU đề xuất tách Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU thành 2 Hiệp định riêng biệt, bao gồm: Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).

Được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 30.6.2019, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam cùng với Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp của Rumani (đại diện Chủ tịch EU); Cao ủy thương mại EU đã ký Hiệp định EVFTA.

Theo đó, Hiệp định EVFTA gồm 17 Chương, 8 Phụ lục, 2 Nghị định thư, 2 Biên bản ghi nhớ và 4 Tuyên bố chung điều chỉnh nhiều vấn đề.

Với mức độ cam kết đạt được, Hiệp định EVFTA được coi là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích của Việt Nam và EU; phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới.

Liên quan đến tác động của Hiệp định EVFTA đối với Việt Nam, Phó Chủ tịch nước cho biết trên lĩnh vực chính trị, an ninh quốc gia và chiến lược đối ngoại, hiệp định thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của cả hai bên trong việc thúc đẩy quan hệ song phương; góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam và EU phát triển sâu rộng và thực chất hơn.

Cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, việc phê chuẩn và thực thi Hiệp định EVFTA khẳng định cam kết của Việt Nam đối với hệ thống thương mại tự do quốc tế, thúc đẩy đàm phán FTA với các đối tác quan trọng khác, đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam.

Ở góc độ đa phương, với việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Hiệp định EVFTA sẽ làm gia tăng vai trò, vị thế của Việt Nam trong quan hệ EU-ASEAN cũng như tạo hình mẫu cho một hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với EU trong tương lai.

Đối với lĩnh vực kinh tế, theo báo cáo của Chính phủ, thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực dự báo tăng trưởng ở mức khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm; cải thiện thu ngân sách nhà nước trung hạn và dài hạn...

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, Hiệp định EVFTA có thể mang lại một số thách thức liên quan đến sức ép cạnh tranh thị trường và hàng hóa; cải cách hệ thống pháp lý để thực hiện quy định, quy tắc chặt chẽ; gia tăng sức ép về giám sát xã hội trong quá trình thực thi…

Liên quan đến vấn đề Anh rời khỏi EU và mối quan hệ với Hiệp định EVFTA, Phó Chủ tịch nước nêu rõ, theo Thỏa thuận Brexit, Anh sẽ có “giai đoạn chuyển tiếp” trước khi chính thức rời khỏi EU.

Do đó, nếu Hiệp định EVFTA có hiệu lực và được thực thi trong giai đoạn chuyển tiếp, Anh vẫn được hưởng các cam kết Việt Nam dành cho EU trong khuôn khổ EVFTA và ngược lại.

Ngoài ra, Anh có quyền đàm phán, ký kết và phê chuẩn các thỏa thuận thương mại tự do song phương mới trong giai đoạn chuyển tiếp nhưng không được phép có hiệu lực hay thực thi trong giai đoạn này, trừ khi được sự cho phép của EU.

Anh đã và đang thúc đẩy việc đàm phán hiệp định song phương giữa Việt Nam và Anh trên cơ sở kế thừa Hiệp định EVFTA để có thể chính thức áp dụng sau giai đoạn chuyển tiếp.

Về thẩm quyền và thời điểm Việt Nam phê chuẩn, Phó Chủ tịch nước kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ thống nhất với phía EU thời điểm đưa Hiệp định EVFTA vào thực thi, vào thời điểm sớm nhất, phù hợp với quy định của hiệp định cũng như quy định pháp luật của mỗi bên.

Đối với Anh, Chính phủ kiến nghị Quốc hội khi phê chuẩn Hiệp định EVFTA cũng đồng ý áp dụng hiệp định này với Anh cho đến hết giai đoạn chuyển đổi ngày 31.12.2020 (có thể gia hạn đến 24 tháng).

Thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế

Về sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định EVFTA, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; ngoài những cam kết về thương mại hàng hóa và dịch vụ với mức độ cắt giảm thuế cao còn phải cam kết các lĩnh vực “phi truyền thống” như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm Chính phủ, minh bạch hóa.

Các dây chuyền dệt may của Công ty Cổ phần dệt may Phú Hòa An tại KCN Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Theo báo cáo thuyết minh của Chính phủ, Hiệp định sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 5 năm sau đó).

Trong khi đó, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ).

Thông qua Hiệp định, Việt Nam có thể tiếp cận thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15.000 tỷ USD (chiếm 22% GDP toàn cầu).

Về trao đổi thương mại, Việt Nam và EU chủ yếu mang tính bổ trợ thay vì cạnh tranh lẫn nhau. Với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, Hiệp định EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030, tập trung vào một số ngành như nhóm hàng nông sản; nhóm ngành chế biến, chế tạo; nhóm ngành dịch vụ.

Về nhập khẩu, dự kiến nhập khẩu từ EU sẽ tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Hiệp định EVFTA giúp đa dạng hóa thị trường Việt Nam, không bị phụ thuộc vào sự giới hạn một số thị trường.

Đồng thời, hiệp định có tác dụng như đòn bẩy kích thích đối tác khác tăng cường quan hệ thương mại-đầu tư với Việt Nam.

Về đầu tư, Hiệp định EVFTA là cơ hội Việt Nam có thể thu hút thêm các nhà đầu tư từ EU trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dịch vụ.

Ngoài ra, Hiệp định EVFTA dự kiến giúp tăng thêm việc làm, thu nhập cho người lao động mỗi năm. Dự kiến, tổng mức giảm thu từ giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trên 2.500 tỷ đồng; tăng thu từ thu nội địa khoảng 7.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2030.

Theo bản Báo cáo, một số ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá thêm tác động của hiệp định sau đại dịch COVID-19, đặc biệt khó khăn, thách thức do dịch ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa-xã hội...

Bên cạnh đó, Chính phủ cần dự báo xu hướng phát triển kinh tế quốc tế; đề ra các giải pháp xử lý để đảm bảo an ninh chính trị, an ninh kinh tế và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; đánh giá tác động tích cực và tiêu cực của hiệp định đến các ngành, lĩnh vực...

Việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA sẽ gửi đi thông điệp quan trọng về quyết tâm của Việt Nam trong thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy và bảo hộ thương mại diễn biến phức tạp; giúp đa dạng hóa thị trường của Việt Nam, không bị phụ thuộc vào cất cứ thị trường nào; góp phần đảm bảo an ninh kinh tế.

Do đó, việc Việt Nam ký và phê chuẩn FTA với EU vào thời điểm này là phù hợp và đúng thời điểm, tiếp tục tạo đà cho hội nhập kinh tế quốc tế và hồi phục sự phát triển kinh tế trong nước sau đại dịch COVID-19 qua các thị trường CPTPP và EU.

Về chính trị, trong lúc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN năm 2020, Chủ tịch AIPA năm 2020 góp phần khẳng định trách nhiệm của Việt Nam trong các cam kết quốc tế qua đó nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trong khu vực và trên trường quốc tế.

Căn cứ Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ và các ý kiến thẩm tra, Ủy ban Đối ngoại xin kiến nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn Hiệp định EVFTA tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; cho phép áp dụng hiệp định với Anh đến hết giai đoạn chuyển tiếp ngày 31.12.2020, có thể gia hạn đến 24 tháng theo thỏa thuận giữa Anh và Liên minh châu Âu về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.

Đồng thời, Quốc hội giao Chính phủ thúc đẩy đàm phán, ký kết Hiệp định Thương mại tự do song phương với Anh trên cơ sở Hiệp định EVFTA với những điều chỉnh phù hợp đảm bảo lợi ích cho cả hai bên để áp dụng thay thế cho Hiệp định EVFTA khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc, theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016.

Chính phủ có nhiệm vụ chỉ đạo bộ, ngành tiếp tục phân tích, đánh giá tác động của hiệp định theo phương pháp tính toán định lượng trên tất cả các lĩnh vực, cập nhật bổ sung đánh giá tác động của Hiệp định do đại dịch COVID-19; rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật; thống nhất với EU về thời điểm có hiệu lực của Hiệp định.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Hiệp định EVFTA: Đòn bẩy cho quan hệ thương mại, đầu tư với Việt Nam