Để người dân lên tiếng

18/08/2018 07:16

Để phát huy dân chủ thực sự, mỗi cấp ủy, chính quyền các cấp càng phải thấm nhuần lời Bác dạy, "làm sao để dân được mở miệng".

Mỗi thu về, nhớ ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, ta lại không quên niềm hạnh phúc dân ta có được sau hàng nghìn năm sống trong chế độ phong kiến và hơn 80 năm chịu gông xiềng nô lệ của thực dân Pháp. Niềm hạnh phúc đó là khi chính quyền đã về tay nhân dân, do nhân dân làm chủ. 

73 năm qua, cách mạng nước ta đã trải qua bao thăng trầm và cũng để lại nhiều mốc son chói lọi. Mỗi mốc son, mỗi thắng lợi ấy đều ghi dấu công sức của dân, đều có được nhờ Đảng ta biết dựa vào dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Cha già kính yêu của dân tộc đã nhiều lần đề cập đến các khía cạnh của dân chủ. Từ quan niệm về “dân là chủ”, “dân làm chủ” đến việc thực hành dân chủ, lợi ích của việc phát huy quyền làm chủ của dân… Một trong những cách tiếp cận về dân chủ của Người mà tôi rất thích, đó là Bác nói: “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng”. Có thể hiểu đơn giản, ấy là Bác nói về thực hành dân chủ, sao cho người dân lên tiếng, sẵn sàng bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình, dám thẳng thắn phê bình khi Chính phủ, chính quyền, cán bộ làm việc chưa tốt, làm việc hại đến dân. 

Nhìn lại chặng đường 73 năm đã qua, chúng ta có quyền tự hào vì từ khi chính quyền về tay nhân dân, người dân đã thực sự được làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Trong các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, đông đảo cử tri cả nước đều phấn khởi đi bỏ phiếu. Thông qua các tổ chức đại diện của mình là MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, người dân tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội. Người dân làm chủ trong phát triển kinh tế, trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Người dân cũng đã mạnh dạn bày tỏ ý kiến, phản ánh những bức xúc, kiến nghị của mình tới cấp có thẩm quyền thông qua hoạt động tiếp dân, tiếp xúc cử tri, tiếp xúc và đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với dân; tham gia góp ý xây dựng pháp luật... Nhưng chúng ta cũng không thể làm ngơ khi ở nhiều nơi, tiếng nói của dân cứ ngày một ít đi.

Trong một số cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND tỉnh thời gian gần đây, ở một số địa phương có hiện tượng gần trăm cử tri được mời đến nhưng cả buổi chỉ có một vài ý kiến. Nhiều cuộc tiếp xúc, đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, người dân chủ yếu đề nghị về chế độ, chính sách cụ thể mà chưa mạnh dạn góp ý với những việc làm được và chưa làm được của cấp ủy, của chính quyền. Nhiều đường dây nóng tiếp nhận ý kiến của dân vẫn lạnh. Số ý kiến góp ý qua thư cũng không nhiều. Trong khi đó, trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều người lại bị các phần tử xấu kích động, lợi dụng dân chủ để thổi phồng hạn chế, khuyết điểm của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, gây chia rẽ, mất niềm tin của nhân dân.

Thực tế cho thấy, khi người dân không lên tiếng, chưa hẳn là vì cấp ủy, chính quyền các cấp đã làm tốt công việc, để dân không có gì phải phàn nàn. Cũng có khi sự im lặng của dân bắt nguồn từ việc ý kiến của họ nhiều lần không được tiếp thu, không được giải quyết triệt để dẫn đến dân mất niềm tin, cho rằng việc lấy ý kiến của dân chỉ là hình thức.

Để phát huy dân chủ thực sự, mỗi cấp ủy, chính quyền các cấp càng phải thấm nhuần lời Bác dạy, "làm sao để dân được mở miệng". Muốn vậy phải tiếp thu, giải quyết thấu tình đạt lý các ý kiến của nhân dân. Thật sự coi trọng góp ý của dân chứ không phải làm cho có một cách hình thức...

HOÀI ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để người dân lên tiếng