Đại đoàn kết dân tộc và đổi mới hoạt động của MTTQ theo tư tưởng Hồ Chí Minh

18/11/2021 09:26

Cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc thể hiện trong 5 luận điểm.

5 luận điểm đó gồm: Đại đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược, bảo đảm thành công của cách mạng; đoàn kết dân tộc là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng; đại đoàn kết dân tộc là đại đoàn kết toàn dân gắn với đoàn kết quốc tế; đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đại đoàn kết dân tộc phải biến thành sức mạnh vật chất có tổ chức là Mặt trận Dân tộc thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Xác định đại đoàn kết là vấn đề chiến lược của cách mạng, nên từ khi đất nước ta thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta luôn quan tâm xây dựng, củng cố và phát triển đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua mỗi kỳ Đại hội Đảng, chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc được bổ sung về tư duy lý luận, ngày càng hoàn thiện, phù hợp với tình hình nhiệm vụ giai đoạn cách mạng mới.

Mới đây, trong bài phát biểu tại hội nghị của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh một số vấn đề về tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc phù hợp với tình hình mới.

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tinh thần sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ hai, phát huy sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Thứ ba, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cần phát huy hơn nữa vai trò tiên phong trong việc bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước ngày càng vững mạnh.

Thứ tư, về công tác xây dựng nội bộ, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, kiện toàn, đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.  

Thứ năm, tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp của các cơ quan nhà nước, các tổ chức có liên quan với hoạt động của Mặt trận.

Đặc biệt, đồng chí Tổng Bí thư đã nhấn mạnh việc đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phải hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư; sâu sát với dân, thật sự thiết thực, hiệu quả như chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt (năm 1951): "Hoạt động của Mặt trận nên nhắm vào điểm chính để tránh khỏi việc gì cũng làm, nhưng ít việc làm chu đáo". 

Vì sao Bác Hồ lại nhắc nhở chúng ta như vậy? Chúng ta đã biết, Mặt trận là tổ chức liên minh, liên hiệp tự nguyện của các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội và cá nhân tiêu biểu. Nhiệm vụ cũng như kết quả hoạt động của Mặt trận cũng chính là nhiệm vụ, kết quả của các tổ chức thành viên hợp lại. Vì thế, có rất nhiều việc, nhiều "điểm", nhiều nội dung cần làm, phải làm. Tuỳ từng thời điểm, từng năm, tuỳ tính chất đặc thù của mỗi tổ chức thành viên mà chọn việc chính, "điểm chính" để làm, phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho mỗi tổ chức thành viên để tránh sự trùng lắp, chồng chéo giữa các tổ chức. Điều này cần được thể hiện cụ thể trong Chương trình phối hợp hành động hằng năm của Ủy ban MTTQ mỗi cấp.

Để góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cần tiếp tục có những hoạt động năng động, sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa; thiết thực, hiệu quả cao hơn nữa, góp phần tập hợp ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết dân tộc; tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa nhân dân với Đảng và chính quyền, tạo thành sức mạnh to lớn, vô địch để xây dựng đất nước ta ngày càng cường thịnh, phồn vinh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc.

LƯƠNG ANH TẾ

(0) Bình luận
Đại đoàn kết dân tộc và đổi mới hoạt động của MTTQ theo tư tưởng Hồ Chí Minh