Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Thông tin truyền thông vụ Mobifone mua AVG

17/11/2017 15:20

Đại biểu Lê Thanh Vân hỏi Bộ trưởng Thông tin truyền thông Trương Minh Tuấn: Giá đích thực khi Mobifone mua AVG là bao nhiêu, từ ngày được mua AVG hoạt động như thế nào?

Bộ trưởng Thông tin truyền thông Trương Minh Tuấn vừa trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18.4 nay lại đăng đàn, có lẽ vì lĩnh vực ông quản lý chưa hề bớt nóng.

Đó là tình trạng thông tin xấu độc, kích động, xuyên tạc sự thật... ngày càng tràn lan trên mạng xã hội. Đối phó với tình trạng "chợ búa" - từ của chính bộ trưởng - này như thế nào, làm việc với các nền tảng lớn như Google, YouTube, Facebook ra sao, vẫn là vấn đề đau đầu của ngành thông tin, truyền thông. 

Các chương trình truyền hình mang yếu tố giải trí gia tăng về số lượng, thời lượng nhưng không tăng tương xứng về chất lượng, thậm chí thừa mứa những chiêu trò câu khách phản cảm cũng đang làm dư luận bức xúc. 

Và trong lĩnh vực viễn thông mà Bộ trưởng Trương Minh Tuấn quản lý, còn một vấn đề "tồn đọng" là vụ Mobifone mua AVG mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo làm rõ. Cuộc thanh tra 50 ngày của Thanh tra Chính phủ đã kết thúc nhưng 15 tháng qua rồi mà kết luận vẫn chưa được công bố…

36 phút trước

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Sĩ Cương về ngăn chặn việc lợi dụng quyền tự do báo chí để xuyên tạc, lợi dụng, bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói đây là điều pháp luật không cho phép. 

"Phải nói rõ báo chí nước ta có báo Đảng, báo cơ quan nhà nước và đoàn thể, cá nhân không được ra báo nhưng các cá nhân tập hợp lại thành các hội nghề nghiệp, xã hội thì được ra báo", bộ trưởng nói.

"Tôi khẳng định trên đất nước ta không có chế độ kiểm duyệt báo chí".

Nhưng bộ trưởng thừa nhận đang có vấn đề khá phổ biến là đưa tin sai sự thật, đưa tin nửa sự thật, mô tả tội ác rùng rợn, phi nhân tính, dùng những từ ngữ "bỏng mắt", "đắng lòng", lại có hiện tượng "sáng đưa, trưa gặp, chiều gỡ".

Trong khi đó, công dân và các tổ chức bị ảnh hưởng thì không dám kiện báo chí vì thủ tục phức tạp, "được vạ thì má đã sưng".

1 giờ trước

Chưa trả lời câu hỏi về AVG

Riêng chất vấn của đại biểu Lê Thanh Vân về vụ Mobifone mua AVG, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đây là vấn đề đang được thanh tra, khi nào có kết luận thanh tra thì mới có cơ sở trả lời.

1 giờ trước

Trả lời đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) về việc có chuyện mạng xã hội lấn lướt báo chí hay không, bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho nói như vậy là gần đúng, vì thực tế phần lớn người dân vẫn tin thông tin trên báo chí, nhưng thông tin trên mạng xã hội nhanh hơn, áp đảo thông tin trên báo chí. 

Thực tế này, bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết không riêng Việt Nam mà các nước cũng gặp vấn đề báo chí bị mạng xã hội lấn lướt.

Còn trong hoàn cảnh của Việt Nam, bộ trưởng thừa nhận mạng xã hội phát triển nhanh chóng nhưng chính sách quản lý chưa theo kịp. Nên việc quản lý báo chí liên quan đến quyền tự do ngôn luận còn có lúng túng. Đó là rủi ro cần khắc phục bằng giải pháp.

Giải pháp trước mắt, theo ông Tuấn, là cơ quan quản lý có đủ cơ sở điều chỉnh hành vi vi phạm trên mạng xã hội trong trường hợp biết rõ danh tính người vi phạm. 

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý hợp tác với các nền tảng nước ngoài, như thời gian qua đã gỡ hơn 5.000 clip trên Youtube, bằng cách thấy vi phạm thì chuyển cho họ để xử lý. Về lâu dài thì phải có bộ chặn lọc.

Bộ trưởng cho biết khi gặp trực tiếp các lãnh đạo của Google và Facebook ở Việt Nam, ông đã "trách móc' họ vì các vấn đề trong hợp tác giữa hai bên.

4 giờ trước

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói về thông tin xấu độc

Bộ trưởng chỉ ra thông tin độc hại là những thông tin phương hại đến an ninh quốc gia, kích động chiến tranh, đòi lật đổ chế độ, thay đổi thể chế; xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, xâm hại đời tư; gây phương hại sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm và tinh thần của con người, đặc biệt là với trẻ em, phụ nữ…

4 giờ trước

Trả lời đại biểu Nguyễn Lân Hiếu về việc quảng cáo thuốc sai quy định trên mạng xã hội, bộ trưởng Tuấn cho biết vừa qua đã phối hợp với các mạng xã hội nước ngoài gỡ bỏ gần 400 đường link quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp. Hiện bộ đang phối hợp với các cơ quan để quản lý tốt hơn.

Đại biểu Đặng Phương Thảo (Nam Định) tranh luận, cho rằng vi phạm quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng xảy ra trên cả sóng phát thanh và truyền hình. 

Bà Thảo cũng chất vấn luôn cả Bộ Y tế về khía cạnh quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng, đây là câu hỏi mà bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã hứa trả lời từ kỳ họp trước nhưng chưa thấy.

4 giờ trước

Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận): Đề nghị bộ có giải pháp chiến lược nâng cao chất lượng của báo chí, động viên phóng viên góp phần xây dụng đất nước? Mặt khác, dư luận quan tâm tình trạng lợi dụng tự do báo chí, tự do dân chủ. Theo bộ trưởng tình trạng này có nghiêm trọng không, giải pháp là gì?

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn): Bộ TTTT có giải pháp gì cải cách dịch vụ công để phục vụ người dân tốt hơn?

Đại biểu Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận): Thông tin xấu trên mạng xã hội nước ngoài là chủ yếu. Các nước có quy định rất chặt chẽ, nghiêm khắc đối với thông tin xấu như Đức yêu cầu các mạng xã hội gỡ bỏ thông tin xấu và còn xử phạt 20-50 triệu USD/trường hợp, tùy theo mức độ sai phạm.

Vậy giải pháp của bộ về vấn đề này, nếu mời các nhà mạng gỡ bỏ thì chưa đủ?

4 giờ trước

Mua AVG có xứng với đồng vốn?

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau): Tôi có 3 câu hỏi ngắn gọn về hoạt động liên quan đến công ty nhà nước Mobifone và AVG: Một, từ yêu cầu nào và dựa trên cơ sở nào mà Mobifone đã dùng vốn do nhà nước cấp để mua AVG? Hai, giá đích thực, chính xác khi mua AVG là bao nhiêu? Ba, từ ngày được Mobifone mua về đến nay, AVG hoạt động như thế nào, có tương xứng với giá trị đồng vốn bỏ ra mua hay không?

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội): Báo chí đóng vai trò lớn trong phòng chống tham nhũng, chống tiêu cực, đôi khi đọc được những bài rất xúc động, cay cay sống mũi… 

Tuy nhiên, tìm được những bài viết về người tốt việc tốt là quá ít so với thông tin về cái ác, cái xấu. Có tờ báo khi đọc chỉ thấy thông tin về hãm hiếp, mô tả tỉ mỉ các vụ án. Đọc những tờ báo như vậy thì nhiều người cho rằng như bới thùng rác. 

Bộ trưởng có nhận ra tình trạng này hay không và sẽ có giải pháp nào để chấn chỉnh?

4 giờ trước

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Phương Tuấn về giải pháp chấn chỉnh tình trạng một số phóng viên thường trú vi phạm pháp luật, hù doạ doanh nghiệp, bộ trưởng Trương Minh Tuấn thừa nhận tình trạng này.

Theo bộ trưởng, lâu nay, Bộ TTTT đã xử phạt nghiêm một số phóng viên thường trú, cảm giác tình trạng này không giảm. Nguyên nhân do lựa chọn phóng viên thường trú không đủ tiêu chuẩn, lựa chọn phóng viên bị kỷ luật địa phương để làm phóng viên thường trú của mình.

Mặt khác, phóng viên thường trú câu kết với cộng tác viên tự cho mình có quyền lực để kêu gọi quảng cáo.

"Có DN nói với tôi rằng một tuần nhận được khoảng 50 hợp đồng quảng cáo. Tuy nhiên, nhiều DN sau khi bị gọi quảng cáo, khi bị hù dọa lại không dám tố cáo mà cho rằng nên nhịn một chút để yên lành", ông Tuấn cho hay.

Để chấn chỉnh tình trạng này, vừa qua Bộ TTTT phối hợp với Ban Tuyên giáo trung ương đi kiểm tra, để có giải pháp căn cơ. Trước mắt, giải pháp được quán triệt là cơ quan báo chí cử đúng người đủ trình độ.

4 giờ trước

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói về mạng xã hội


4 giờ trước

Đã tác động gỡ bỏ 5.000 clip xấu trên mạng

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói về tình trạng thông tin giả mạo, bôi nhọ lãnh đạo trên mạng: Hiện Việt Nam là một trong số các quốc gia đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạng xã hội, giới trẻ Việt ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng mạng xã hội rất giỏi.

Chỉ 15 năm trước không ai tưởng tượng được đến nay mạng xã hội lại phát triển ở Việt Nam như hiện nay, và cũng không thể biết 15 năm tới sẽ phát triển đến mức nào.

Mạng xã hội mang lại nhiều tiện ích, giúp mọi người xích lại gần nhau, cung cấp lượng thông tin, kiến thức khổng lồ… Chúng ta không thể đi ngược lại xu hướng phát triển này. Nhưng bên cạnh những lợi ích, mạng xã hội cũng có những mặt trái như tồn tại các thông tin bôi nhọ, xúc phạm, xấu, độc, kích động…

Có người đặt ra rằng có cần phải cấm mạng xã hội hay không? Với nhiều tiện ích như vậy thì chúng ta không thể cấm mạng xã hội hoạt động, vấn đề là làm thế nào để tăng cường mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của mạng xã hội.

Cách đây gần 1 năm báo Tuổi Trẻ có bài viết có nội dung trên mạng xã hội người ta không coi nhau là con người. Tôi thấy bài viết đó có phần nặng nề nhưng cũng có ý đúng.

Ví dụ trên mạng Facebook có 53 triệu người sử dụng, phần lớn trong số đó là thông tin về con người, phần người. Nhưng cũng tồn tại nhiều thông tin xấu, xúc phạm, "ném đá" nhau, thậm chí xảy ra tình trạng có người phải tự tử vì bị ném đá tập thể trên mạng xã hội.

Trong thời gian qua, Bộ TTTT đã phối hợp với nhiều cơ quan, nhằm xử lý các sai phạm, giảm các năng lượng xấu, tăng cường năng lượng tốt trên mạng xã hội. Đồng thời với tuyên truyền, giáo dục ý thức sử dụng của người dùng, chúng tôi cũng đã làm việc với các nhà cung cấp mạng xã hội từ nước ngoài.

Chúng tôi yêu cầu các nhà mạng nước ngoài tuân thủ nghiêm pháp luật Việt Nam. Chúng tôi đã tác động gỡ bỏ 5.000 clip trên mạng youtube có nội dung xấu, phản cảm, sai sự thật.

Chúng ta cũng tăng cường thông tin chính xác, thông tin tốt trên báo chí để đẩy lùi các thông tin xấu, sai sự thật trên mạng, không để báo chí bị dẫn dắt bởi mạng xã hội.

4 giờ trước

Năm 2016 xử phạt báo chí nhiều nhất

Trả lời đại biểu Nông Văn Tình về tình trạng báo chí vi phạm tràn lan, ông Trương Minh Tuấn nói đây là vấn đề nhức nhối. 

Bộ trưởng khẳng định vai trò quan trọng, tiên phong của báo chí trong việc đưa chủ trương của Đảng và Nhà nước, đóng góp quan trọng vào phát triển. Gần đây sai phạm của báo chí là rất lớn, dù vậy sai phạm đó không thể ảnh hưởng đến dòng chảy chính của báo chí cách mạng.

Ông Tuấn cho rằng những sai phạm là đáng báo động, việc đăng tải thông tin xuyên tạc gây hoang mang cho nhân dân là điều cấm trong luật báo chí. Bộ TTTT thường xuyên phối hợp với Ban Tuyên giáo trung ương để kiểm soát xử lý. 

Năm 2016 đã xử phạt khoảng 150 trường hợp sai phạm, là năm xử phạt nhiều nhất. Có thời điểm trong một tháng có hơn 70 cơ quan báo chí bị xử lý vì thông tin sai sự thật. Như vụ nước mắm nhiễm asen có tới 50 cơ quan báo chí bị xử lý. 

Trong các cuộc họp giao ban với cơ quan báo chí hằng tuần, cơ quan quản lý thường xuyên nhắc nhở các cơ quan báo chí phải thông tin khách quan kịp thời.

Bộ TTTT cũng kiên quyết xử lý việc cấp các loại thẻ gây nhầm lẫn với thẻ nhà báo để gây sách nhiễu doanh nghiệp, bộ đã từng xử lý cả một phó tổng biên tập về vấn đề này.

5 giờ trước

Mạng xã hội làm ‘nóng’ chất vấn bộ trưởng Trương Minh Tuấn? - Ảnh 1.

Bộ trưởng TTTT Trương Minh Tuấn

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa: Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Chính phủ đã được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả cao ở nhiều ngành, đây là kết quả đáng khích lệ.

Các bộ ngành đã cung cấp hơn 900 dịch vụ công trực tuyến, thông qua đây người dân và doanh nghiệp đã giảm được nhiều thời gian, công sức. Ngoài hồ sơ thuế, hải quan thì có 28 triệu hồ sơ trực tuyến các ngành khác...

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng nêu hạn chế là nhân lực để đáp ứng vấn đề này, nhất là nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin chưa đáp ứng được, các văn bản vẫn còn chồng chéo...

Chính phủ nói chung và ngành thông tin tuyền thông đã rất chú ý chỉ ra các giải pháp trọng tâm, đột phá, hoàn thiện môi trường pháp lý, văn bản quy phạm pháp luật, cải cách thủ tục hành chính.

5 giờ trước

Tiêu chí nào phân biệt thông tin xấu độc?

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp): Kết quả ứng dụng công nghệ thông tin cho cải cách hành chính còn thấp, mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử vẫn còn xa, doanh nghiệp và người dân còn bức xúc và dường như đang xảy ra tình trạng lãng phí đầu tư cho lĩnh vực này?

Xin cho biết trách nhiệm của bộ trưởng về tình trạng này, giải pháp trong thời gian tới? Có hay không tình trạng truyền hình thương mại đang lấn lướt truyền hình công?

Đại biểu Mông Văn Tình (Nghệ An): Báo chí thời gian qua tồn tại một số hạn chế, nhược điểm như thông tin sai sự thật, chưa chính xác, làm uy tín của nghề báo giảm, thậm chí thông tin sai sự thật có thể làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngàn người. Đề nghị cho biết giải pháp?

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang): Cách phân loại thông tin độc, hại, xấu trên mạng được phân biệt dựa trên tiêu chí nào?

Đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An): Lượng tin giả, xuyên tạc trên mạng xã hội, bôi nhọ lãnh đạo đảng, nhà nước vẫn còn nhiều, bộ trưởng có giải pháp nào để hạn chế?

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình): Bộ TTTT có biện pháp nào để chấn chỉnh tình trạng thời gian qua một số phóng viên hù doạ, tống tiền doanh nghiệp và người dân, gây bức xúc xã hội? Bộ trưởng có giải pháp gì ngăn chặn các thông tin độc hại trên mạng xã hội, đặc biệt là các mạng có máy chủ đặt ở nước ngoài?

Đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình): Việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử ở địa phương gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ công, xin bộ trưởng cho biết giải pháp?

Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hoá): Hiện nay có 363 trang mạng xã hội được Bộ TTTT cấp phép và có 2 mạng xã hội nước ngoài, đặc biệt 2 mạng xã hội nước ngoài có hàng chục triệu người tham gia.

Xin bộ trưởng cho biết có hay không tình trạng mạng xã hội lấn át thông tin báo chí chính thống, giải pháp mà bộ trưởng sẽ thực hiện trong thời gian tới là gì?

5 giờ trước

Đã có 70 đại biểu đăng ký chất vấn, con số kỷ lục đối với một bộ trưởng, trưởng ngành kể từ đầu phiên chất vấn. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ cùng tham gia trả lời.

Mở đầu chất vấn, ông Trương Minh Tuấn gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân đã quan tâm, ủng hộ công tác quản lý ngành của bộ trong thời gian qua, cảm ơn Quốc hội đã cho phép ông có cơ hội được trả lời chất vấn, giải trình trước Quốc hội về những vấn đề cử tri quan tâm.

"Đây là cơ hội để các đại biểu, cử tri giám sát hoạt động của ngành TTTT, đồng thời cũng là cơ hội để đại biểu, cử tri chia sẻ, giúp đỡ ngành", ông Tuấn nói.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Thông tin truyền thông vụ Mobifone mua AVG