Bộ trưởng Tài chính bị 'truy' về cán bộ thuế, hải quan tiêu cực

16/11/2017 16:00

Nhiều đại biểu chất vấn thẳng về tình trạng tiêu cực như tham nhũng, thông đồng... trong đội ngũ cán bộ thuế, hải quan với Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng.

  • 14h17

    Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Cần tuyên truyền người dân lấy hóa đơn khi mua hàng

    Trước việc các hộ kinh doanh "né" thuế do thói quen mua hàng bằng tiền mặt và ngại lấy hóa đơn của người dùng, người đứng đầu ngành Tài chính đề xuất giải pháp, rà soát lại các luật Thuế, xây dựng nghị định hóa đơn, chứng từ điện tử để thực hiện trong năm 2018 với toàn bộ nền kinh tế.

    Ông cho biết, theo quy định hiện hành, bán hàng trên 200.000 đồng phải xuất hóa đơn. Dưới 200.000 đồng nếu người mua yêu cầu người bán vẫn phải xuất hóa đơn. Nếu người bán không xuất hoặc thu thêm 10% là người bán hàng quy định. Theo ông, cần tuyên truyền mạnh để người tiêu dùng có thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng.

    Về giải pháp, đang rà soát lại các luật Thuế, xây dựng nghị định hóa đơn, chứng từ điện tử để thực hiện trong năm 2018 với toàn bộ nền kinh tế. Phối hợp các tỉnh thành triển khai mô hình hóa đơn điện tử, kết nối thông tin quản lý hóa đơn bán lẻ, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.  Song song đó, đẩy mạnh tuyên truyền người tiêu dùng lấy hóa đơn. 

    14h15

    Bộ trưởng Tài chính: Tình trạng 'đi đêm' với cán bộ thuế đã giảm

    Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nêu số liệu năm 2015 cho thấy, 63% hộ kinh doanh "đi đêm với cán bộ thuế". Thừa nhận con số này nhưng Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết đến 2016, tỷ lệ này đã giảm còn 31%. Ông cũng nói thêm, chương trình đánh giá chỉ số hài lòng này do chính Bộ Tài chính giao Tổng cục thuế phối hợp với VCCI tổ chức khảo sát để đánh giá. 

    14h15

    Dán tem cây xăng, doanh thu xăng toàn quốc tăng 10%

    Trong phiên chất vấn chiều, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ này đã phối hợp với các tỉnh dán tem cây xăng toàn quốc, nhờ đó doanh thu, sản lượng xăng trong nước tăng 10%, từ đó số thu từ thuế bảo vệ môi trường tăng. Tới đây việc dán tem cây xăng sẽ trở thành điều kiện kinh doanh. 

    14h00

    Bộ trưởng Tài chính tiếp tục trả lời chất vấn

    Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn buổi chiều, tiếp tục phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. 

    11h25

    Khoán 350 triệu đồng mỗi năm cho Thứ trưởng đi xe công có đủ?

    Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề cập tới vấn đề sử dụng xe công. Ông hoan nghênh Bộ Tài chính đi đầu trong thí điểm không sử dụng xe công với vị trí một số lãnh đạo. Ông đề nghị được biết kết quả thực hiện việc khoán xe công ở Bộ? Nhiều cử tri cảm động khi biết có Thứ trưởng buổi sáng chờ xe taxi, có người đi nhờ xe con gái. Một Thứ trưởng được khoán chi khoảng 350 triệu đồng một năm. Tuy nhiên theo ông, một Thứ trưởng có thể làm ra gấp 10, gấp trăm lần số tiền này qua sự đóng góp của mình "thì việc khoán xe như vậy có lợi hay không?"

    Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) chất vấn liên quan tới giải pháp thu thuế các hình thức kinh doanh mới, bán hàng qua mạng. Việc kiểm soát thuế bằng phương pháp truyền thống qua hoá đơn đã không còn tồn tại. "Phương thức thu thuế trong tương lai sẽ thay đổi thế nào?", ông hỏi. 

    Ngoài ra ông cũng đề nghị được biết, trong tương lai nếu xảy ra khoản vay về cho vay lại không trả được nợ, đầu tư công không hiệu quả thì trách nhiệm của Bộ Tài chính thế nào? 

    Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (Long An) cho biết thuế nhập khẩu ôtô giảm về 0% từ đầu năm 2018 có thể khiến mỗi năm ngân sách thất thu bình quân hơn 4.400 tỷ đồng. Người dân cũng đang có tâm lý chờ đợi giá xe sẽ rẻ khi thuế suất nhập khẩu về 0%. Ông đề nghị Bộ trưởng Tài chính cho biết, giải pháp nào để đảm bảo chống thất thu thuế và ổn định thị trường ôtô trong nước, ổn định tâm lý của người dân?

    Kết thúc phiên chất vấn buổi sáng đã có khoảng 30 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn với Bộ trưởng Tài chính. Trong phiên làm việc buổi chiều, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng sẽ có 50 phút để trả lời chất vấn các đại biểu. 

    11h00

    Bộ trưởng Tài chính: Nợ đọng thuế của Việt Nam tương đương Lào, Campuchia

    Cho biết nợ đọng thuế của Việt Nam cao, song Bộ trưởng Tài chính cho hay, so với các nước trong khu vực cũng tương đương so với các nước Campuchia, Lào. Còn so với khối nước OECD hiện Việt Nam đang cao hơn. 

    "Chúng tôi sẽ báo cáo Quốc hội thực trạng, nguyên nhân về các khoản thuế khó có khả năng thu hồi hiện đang ở mức khá cao", ông nói. 

    10h40

  • Bộ trưởng Tài chính thừa nhận chậm giải ngân vốn cho tuyến metro Sài Gòn

    Trả lời đại biểu Nguyễn Thanh Thuỷ (Hậu Giang) về chậm giải ngân tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, là do thiếu dự toán bố trí vốn nước ngoài hiện đang thấp. Hiện Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư báo cáo Quốc hội xin điều chỉnh bố trí vốn nước ngoài cho TP HCM để giải ngân cho dự án này, vượt dự toán nhưng đúng theo cam kết tiến độ. TP HCM đã tạm ứng vốn 1.200 tỷ để trả nợ khối lượng hoàn thành dự án, Khi thường vụ Quốc hội bổ sung dự toán thì Bộ Tài chính sẽ làm việc với nhà tài trợ để trả vốn đối ứng cho thành phố.

    Liên quan tới tạm nhập tái xuất, ông thừa nhận rất phức tạp và dễ bị lợi dụng, chủ yếu tạm nhập tái xuất với nước láng giềng nên rất phức tạp. Giải pháp, theo ông, bổ sung quy định hướng dẫn thực hiện tạm nhập tái xuất theo đúng bản chất, tránh sơ hở; bổ sung xử phạt hành chính theo hướng tăng nặng, như tự ý tiêu thụ hàng tạm nhập tái xuất... 

    Trả lời đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), ông Dũng nói, hạn chế xuất khẩu thô nên mức thuế tài nguyên đang đi theo hướng này. Với mặt hàng đá trắng UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản, Bộ sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu và trả lời sau.

    Giải đáp băn khoăn của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về nợ đọng, hoàn thuế, Bộ trưởng Tài chính một lần nữa nhắc lại loạt giải pháp, ngoài trách nhiệm Bộ Tài chính thì các Bộ, ngành địa phương cũng phải tiếp tục cải thiện thể chế. Hiện đã có kết nối liên thông giữa cơ quan thuế và cấp phép đầu tư, nhưng thực tế chưa có giải pháp tăng cường sau cấp phép từ phía cơ quan cấp phép đầu tư. 

    Bộ trưởng Tài chính khẳng định, ngành tài chính sẽ đẩy mạnh thanh tra kiểm tra theo phương thức quản lý rủi ro để chống nợ đọng thuế. Số lượng thanh tra thuế hằng năm lớn và số kiến thị tăng thu cũng nhiều, như 10 tháng năm 2017 khoảng 13.000 - 14.000 tỷ.

    Trước lo lắng của đại biểu Quốc hội về cơ cấu thu ngân sách hiện nay phụ thuộc phần lớn vào ngân sách địa phương, Bộ trưởng Dũng thừa nhận thực tế này.

    "Ngay từ đầu năm chúng tôi đã nhìn thấy thực tế này và tập trung giải quyết. Các địa phương nhận trợ cấp Trung ương phải tự đảm bảo nếu hụt thu thì phải dùng nguồn địa phương xử lý, kể cả nguồn dự phòng... Trung ương sẽ không bù cho số này mà tập trung cho địa phương điều tiết về Trung ương. Năm nay cố gắng đảm bảo tổng thể sẽ vượt, tổng thu ngân sách sẽ vượt trên 2,3%", ông nói.

    Báo cáo trước Quốc hội thu ngân sách 2017 tăng 27% so với dự án nhưng ngân sách địa phương là chủ yếu. Số thu ngân sách tới 15/10 thu được 995.600 tỷ đồng, tương đương hơn 85,5% dự toán, trong đó ngân sách Trung ương 74,58%, còn địa phương đạt 93,56%. 24 địa phương đạt tiến độ thu, 16 địa phương đã hoàn thành thu, một số địa phương có số thu lớn như Hà Nội, Hải Phòng... vẫn cần tích tực tăng thu.

    Giải pháp, Bộ Tài chính sẽ phấn đấu tăng thu thuế xuất nhập khẩu, hoàn thuế thuế VAT, tăng thu địa phương trọng điểm để tăng điều tiết cho Trung ương; tăng khoản thu từ cổ phần hoá DNNN vừa qua mới được 10.000 tỷ đồng. 

    Trả lời đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), ông Dũng cho hay, trong kế hoạch đầu tư công có 300.000 tỷ đồng từ vay nước ngoài nhưng số ký thêm sau lập kế hoạch mới được 4,1 tỷ. Nếu triển khai số này giải ngân tiếp sẽ vượt 300.000 tỷ. Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch tổng hợp lại.  "Tinh thần chung vẫn còn dư địa ODA của giai đoạn 2017 chuyển sang. Luật ngân sách đã cho phép ngân sách địa phương đựơc bội chi nên sẽ chuyển mạnh hướng vay về cho vay lại theo từng mức, từng địa phương", Bộ trưởng Dũng nói. Đơn cử, TP HCM sẽ được vay 90% tổng số thu cân đối. Còn tại Quảng Trị, có gói 5 triệu USD hiện địa phương đang vượt tổng mức vay. Hiện đang tổng hợp để báo sang Bộ Kế hoạch và báo cáo Quốc hội xử lý. "Tổng thể chúng ta giữ tổng mức vay ODA, nhưng có năm có thể trồi lên, tụt xuống", ông Dũng nói thêm.

    Phần trả lời của Bộ trưởng Dũng tương đối dài, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc còn phần ý kiến đại biểu hỏi về "Bộ Tài chính có giải pháp mới, hiệu quả để chống thất thu, nợ đọng thuế hay không. Nếu không giải pháp mới ngoài việc Chính phủ tổng hợp các khoản nợ thuế, báo cáo Quốc hội xem xét các khoản nợ không thể thu hồi được, thì không cần trả lời".

    Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng xin phép dừng phần trả lời do không có thêm giải pháp nào. 


10h28

Phó Thủ tướng: Chính phủ nói không với tăng xin trần nợ công

Hue-1a-8643-1510803517.jpg

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Giải trình trước Quốc hội tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, nợ công tăng cao, áp lực trả nợ lớn và một trong những nhiệm vụ trọng tâm 2016 - 2020. Chúng ta vừa phải đảm bảo phát triển nhanh, bền vững mà phải giải quyết tồn tại nền kinh tế tích tụ nhiều năm. Đây là vấn đề nan giải đặt ra cho toàn hệ thống chính trị. Trong bối cảnh này, nhiều chuyên gia khuyến cáo Chính phủ nghiên cứu trình Trung ương, Quốc hội nới trần nợ công để có thêm vốn cho đầu tư phát triển, đảm bảo quốc phòng an ninh... Chính phủ tính toán kỹ, và thấy rằng trần nợ công chỉ là một yếu tố, quan trọng là khả năng trả nợ. Tới cuối năm 2016 vay trả nợ nước ngoài đã vượt quá giới hạn cho phép 25%.

"Chính phủ nói không với tăng xin trần nợ công", ông khẳng định và cho biết, thay vào đó Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính lập đề án giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, đảm bảo an toàn nợ công và Bộ Chính trị đã có riêng một Nghị quyết về vấn đề này...

10h25

"Nợ đọng thuế là căn bệnh của tất cả các tỉnh, thành"

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) khẳng định nợ đọng thuế là căn bệnh tất cả tỉnh thành (73.000 nợ đọng). Ông hỏi Bộ trưởng Tài chính làm thế nào nuôi dưỡng nguồn thu bù lại thất thu đó và có giải pháp gì khắc phục một số nguyên nhân nợ đọng thuế?

Đại biểu Phương nêu một số nguyên nhân như cấp phép dễ dãi nên khi thua lỗ thì lại đi thành lập doanh nghiệp khác. Ngoài ra, ngành thuế vẫn có một số cá nhân tiêu cực, tiếp tay, thiếu công khai nên nhiều doanh nghiệp chây ì. Chưa kể, sự thay đổi chính sách thuế cũng làm doanh nghiệp khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) chất vấn về cơ sở Bộ Tài chính xây dựng khung giá tài nguyên thuế cao đột biến với các loại đá hoa trắng, đá trắng. Ông cho biết, Thông tư 44 Bộ Tài chính ban hành đẩy khung giá tài nguyên tăng 300-320% so với hiện hành. "Nếu xảy ra thì hậu quả chắc chắn là các doanh nghiệp này phá sản, phát sinh hàng trăm nghìn tỷ nợ xấu cho ngân hàng. Hiện các bên đã có công văn kêu cứu, khi nào Bộ giải quyết việc này", đại biểu nói.

Vị đại biểu của tỉnh Nghệ An cũng tiếp lời Đại biểu Phương (Quảng Bình) khi yêu cầu Bộ trưởng nêu giải pháp khắc phục nợ đọng. "Bộ trưởng có giải pháp gì mới, có tính chất đột phá không, nếu không, không trả lời cũng được", đại biểu khẳng định.

Ngoài ra, ông cũng muốn Bộ trưởng Tài chính nêu giải pháp để cơ cấu lại nợ khi nợ Chính phủ vẫn chiếm 51,8%. 

10h15

Đại biểu Quốc hội lo 'vay ODA đang ngoài tầm kiểm soát'

Đại biểu Nguyễn Thanh Thuỷ (Hậu Giang) tranh luận về an toàn nợ công khi cho rằng dù Bộ trưởng trả lời nhưng "vẫn chưa rõ". Nguyên nhân chưa đề cập tới là do phân bổ vốn, giải ngân chậm một số dự án trọng điểm, đơn cử tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên và nước sạch TP HCM. Bà Thuỷ đề nghị Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư giải trình, làm rõ thêm.

Với Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, bà Thuỷ đề nghị làm rõ nguyên nhân vì sao người dân "quên" lấy hoá đơn VAT khi mua hàng hộ kinh doanh cá thể. Người bán hàng yêu cầu phải trả thêm 10% thuế VAT có hợp lý?

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cũng tranh luận về nợ công, ODA. Ông Hàm băn khoăn trước phần giải trình của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Theo ông, hiện nay nợ công tăng cao, nhiều năm ngân sách trung ương không có số dư trả nợ. Tổng mức ODA đang ngoài tầm kiểm soát. "Để có số nợ vay ODA quốc gia cần bao nhiêu thời gian trả nợ. Có giữ được trần nợ công không?", ông đặt câu hỏi.  

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế) tranh luận về chống buôn lậu của ngành hải quan. Về mặt hàng tạm nhập tái xuất chỉ là "vỏ bọc" nhưng thực chất là buôn lậu. Khi hàng này thông quan biên giới, các nước không cho qua và quay lại trong nước. Đề nghị Bộ trưởng, thanh tra Bộ Tài chính đã bắt giữ bao nhiêu vụ và giải pháp nào chấm dứt tình trạng trên?

Ông Nghĩa đặt vấn đề về chống thất thu thuế trước các loại hình kinh doanh mới. Ông cho rằng, dù Bộ trưởng Tài chính báo cáo bức tranh thuế tốt, nhưng thất thu thuế những khu đất vàng, kinh doanh qua mạng Facebook, Uber, Grab... đang diễn ra, khiến thất thu thuế lớn, có lĩnh vực không thu được đồng nào. "Giải pháp chống thất thu thuế những loại hình kinh doanh mới là gì?", ông hỏi.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) chưa hài lòng về phần trả lời, trấn an nợ công đã an toàn của Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư. Dẫn lại báo cáo của Chính phủ thừa nhận tồn tại trong đầu tư công. "Không phải thiếu luật mà chúng ta thực hiện luật chưa nghiêm. Tồn tại này trong năm 2017 vẫn chưa được khắc phục, thì tới năm 2021 sẽ càng nghiêm trọng hơn. Tôi mong các Bộ trưởng xác định rõ trách nhiệm để thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề", ông nói. 

10h10

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang): Bộ trưởng có biết dự án không hoạt động vẫn vay?

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đồng tình với việc chuyển đổi từ vay nước ngoài sang trong nước. Nhưng theo bà, vay trong nước hay nước ngoài đều là vay và đều kèm theo trả nợ gốc và lãi. "Như vậy cốt lõi vẫn là hiệu quả đầu tư", đại biểu này nhấn mạnh.

Qua giám sát, Đại biểu Mai Bộ cho biết có dự án vay vốn nước ngoài để đầu tư lò mổ tập trung ở địa phương nhưng không hoạt động mà vẫn vay. "Dây chuyền sắt gỉ, mạng nhện bâu đầy. Dự án mới là giai đoạn 1, còn giai đoạn 2 nữa. Bộ trưởng có biết tình hình hiệu quả đầu tư cho nhóm vay này đang không hiệu quả không? Nếu biết sẽ như thế nào", Đại biểu đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư trả lời về đầu tư công

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước đây khi chưa có Luật đầu tư công, việc quyết định các dự án còn tùy tiện, vượt so với khả năng cân đối của ngân sách. Khi đó, mỗi giai đoạn có khoảng hơn 20.000 dự án quyết định đầu tư mà không rõ nguồn vốn ở đâu, khả năng bao nhiêu giải ngân được nên việc dàn trải, thất thoát, dừng, giãn hoãn rất lớn.

Tranh luận về nợ công: Nợ không xấu, hiệu quả thấp mới xấu - Ảnh 1.

Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Trong giai đoạn 2016-2020 còn hơn 1.000 dự án nữa, giảm đi rất nhiều so với trước đây, bám sát vào khả năng cân đối của ngân sách.

Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư cho biết nợ đọng và ứng của các giai đoạn trước đã được tập trung để xử lý dứt điểm. Ông cũng nêu thực tế các dự án phê duyệt có tổng mức đầu tư không sát với tình hình thực tế. "Chính phủ vừa giao Bộ xây dựng, bộ ngành liên quan xây dựng định mức tính toán khi phê duyệt quyết định đầu tư hợp lý", ông nói.


10h00

Bộ trưởng Tài chính: Lô thuốc ung thư máu chậm nhập không phải do hải quan

Trả lời đại biểu Nguyễn Quang Tuấn về việc hải quan chậm cho nhập 20.000 viên thuốc Tasigna đặc trị ung thư khiến lô thuốc này phải tiêu huỷ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, qua kiểm tra lô hàng này hạn sử dụng không còn đủ 12 tháng, theo quy định phải có xác nhận của cơ quan chuyên ngành. Ngày 6.8.2014 sau khi có ý kiến của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) Công ty TNHH chuyển phát nhanh DHL-VNPT đại diện làm thủ tục nhập khẩu cho Bệnh viện Truyền máu huyết học TP HCM, công ty đã làm việc với hải quan và hải quan đã thông quan ngay trong ngày. "Việc chậm trễ là do chậm kiểm tra chuyên ngành", ông Dũng nói.

Trước đó hồi tháng 5/2017, Thanh tra TP HCM công bố gần 20.000 viên thuốc Tasigna 200 mg trị ung thư máu được nước ngoài viện trợ cho Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM phải hủy bỏ vì hết hạn sử dụng vào năm 2015. Bệnh viện giải thích thuốc Tasigna lần đầu nhập về Việt Nam nên thủ tục kéo dài hơn một năm, thuốc về kho chỉ còn hạn dùng 10 tháng. Ngoài ra, bệnh nhân phải đồng chi trả 4% trong một năm, tức 42 triệu đồng nên chỉ 26 người đủ khả năng mua thay vì dự kiến 50.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan tới vốn vay nước ngoài, ông Dũng cho hay, vừa qua đã cơ cấu lại nguồn vay và chuyển từ vay nước ngoài sang vay trong nước, để giảm vay nước ngoài. Năm 2011 vay nước ngoài 60%, trong nước 40%; hiện nay vay trong nước 60%, nước ngoài trên 39%. Kỳ hạn vay trong nước tăng hơn 2 lần, lãi suất giảm một nửa. 

Trả lời đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) về nợ phạt doanh nghiệp, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, số nợ này rất lớn, hơn 18.000 tỷ. Vừa qua Bộ Tài chính cố gắng động viên doanh nghiệp nộp gốc. Về số nợ phạt theo quy định 0,03% một ngày, nên số nợ đọng cứ nhân lên. Hiện Bộ Tài chính đang báo cáo, rà soát lại chỗ này.

Về thuế giá trị gia tăng, ông Dũng thừa nhận qua kiểm tra đã phát hiện loạt doanh nghiệp làm giả hoá đơn. Tới đây Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh triển khai hoá đơn điện tử, sẽ từng bước giải quyết được vấn đề gian lận hoá đơn. 

9h30

Đại biểu Quốc hội: Ngân sách 'đội nón ra đi', một phần vào túi cán bộ hải quan

Đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) quan tâm tới việc phạt chậm nộp thuế của doanh nghiệp. Ông cho rằng, khi doanh nghiệp cho lãi, Bộ có giải pháp gì giúp doanh nghiệp không bị phạt tiếp theo khi chưa có khả năng trả nợ.

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) đề cập tới tình trạng buôn lậu, ngân sách một phần "đội nón ra đi", một phần tiền lại "chảy" vào túi cán bộ hải quan và ngân sách thất thu. Trách nhiệm chính ở cán bộ hải quan, nhưng Bộ trưởng lại cho rằng chỉ 28% thời gian kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm của hải quan. Nhắc tới loạt vụ án bắt giữ cán bộ hải quan trọng như vụ án 213 container tại cảng Cát Lái 'bỗng dưng' biến mất, hơn 30 cán bộ hải quan phải ra hầu toà mà không có cán bộ ngành khác; hay vụ bắt giữ 2 cán bộ hải quan tại Cục hải quan TP HCM... 

"Trách nhiệm Bộ trưởng, ngành hải quan tới đâu khi để xảy ra vấn nạn này. Nguyên nhân do buông lỏng quản lý hay suy thoái đạo đức cán bộ ngành hải quan. Xin Bộ trưởng cho Quốc hội biết một lời khẳng định chấm dứt tình trạng trên?", ông Chiến đặt câu hỏi. 

Ông Chiến cũng đặt câu hỏi về lĩnh vực thuế, thay vì chủ trương tăng thuế VAT sẽ ảnh hưởng tới người dân, giá cả tiêu dùng. "Thay vì giải pháp tăng thuế VAT thì cần tìm giải pháp chống mua bán hoá đơn VAT, chống chiếm đoạt hàng trăm nghìn tỷ đồng thuế. Bộ trưởng có biện pháp mạnh mẽ nào để chống gian lận thuế?", ông hỏi. 

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) đặt câu hỏi về nợ công. Ông lo lắng trước tình trạng nợ công đang tăng cao, đe doạ túi tiền quốc gia. "Tình trạng này có chấm dứt trong thời gian tới và giải pháp nào đảm bảo hiệu quả quản lý chất lượng đầu tư công 2015 - 2020?", ông Sinh đặt vấn đề. 

9h29

  • ĐB Phan Viết Lượng (Bình Phước): Có nên tăng thuế khi chưa quản lý thuế đúng, đủ

    Theo Đại biểu, cử tri cho rằng dư địa thu ngân sách còn lớn. Nếu quản lý đúng, đủ thì chưa cần phải tăng thuế? Bộ Tài chính sẽ làm gì để phát huy dư địa tăng thu ngân sách Nhà nước trong thời gian tới.

    Việc huy động nguồn lực trong vốn vay nước ngoài hiện gặp nhiều khó khăn, do ưu đãi ít hơn, áp lực nợ công. "Xin cho biết định hướng về huy động nguồn lực trong thời gian tới? Tương quan mức huy động trong nước và hiệu quả như thế nào", Đại biểu Phan Viết Lượng đặt câu hỏi.

    9h27

  • ĐB Nguyễn Quang Tuấn đề nghị Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói thêm về đầu tư công đang hiệu quả ra sao

    Theo đại biểu này, hiệu quả của đầu tư công mới là linh hồn. Nợ công không xấu nhưng đầu tư công không hiệu quả lại vô cùng xấu. "Chúng ta sẽ thiệt hại kép, vừa trả lãi, vừa trả bù lỗ cho các doanh nghiệp đầu tư không hiệu quả . Vừa rồi có 12 doanh nghiệp, tập đoàn không hiệu quả, đội vốn đầu tư)... đã gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ nền kinh tế, uy tín quốc gia", ông nói.

    Đại biểu cho rằng không đầu tư được thì không phát triển được. Nhưng đầu tư không hiệu quả thì càng xấu hơn

    Đại biểu đánh giá Bộ trưởng chưa đi sâu vào các giải pháp cụ thể trong cải cách thủ tục hải quan. Hai câu chuyện mới đây rất đáng quan tâm như việc thuốc chữa ung thư ở TP HCM  nhập về nhưng thủ tục quá lâu làm thời hạn dùng thuốc không còn nữa, khiến các bệnh nhân ung thư không có thuốc dùng. Ngoài ra, trong lũ lụt, thiên tai, việc nhận cứu trợ từ quốc tế cần phải làm sớm nhưng thủ tục quá lâu nên khi cứu trợ tới được với đồng bào thì quá muộn.

    9h25

  • 10 tháng tiết kiệm 170 triệu USD chi phí thông quan cho doanh nghiệp

    Trả lời câu hỏi của Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) về cơ chế một cửa quốc gia, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết  đã kết nối 11 Bộ, ngành. Đã xử lý hơn 581.000 bộ hồ sơ. "Lợi ích đem lại cho cộng đồng, doanh nghiệp rất lớn", ông đánh giá.

    Ông Dũng dẫn khảo sát của WB cho thấy, thời gian thông quan hàng xuất khẩu đã giảm được 3 giờ, hàng hóa nhập khẩu giảm 6 giờ. "Chi phí thông quan một lô hàng giảm 19 USD. Bộ ước tính 10 tháng đầu năm nay, tiết kiệm được 170 triệu USD cho doanh nghiệp", ông nói.

    Thừa nhận số lượng thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn còn nhiều, Bộ trưởng Dũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ tăng cường kết nối các thủ tục hành chính.

  • Bộ trưởng Tài chính: Giảm bội chi để giảm áp lực nợ công - Ảnh 1.

    9h15

    Giao chỉ tiêu thu nợ thuế cho từng lãnh đạo Tổng cục, Cục 

    Trả lời đại biểu Tuấn (Nam Định) về tình trạng buôn lậu, hàng giả vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, Ban chỉ đạo chống buôn lậu quốc gia (Ban chỉ đạo 389) không làm thay các Bộ, ngành, địa phương. Các Bộ vẫn phải triển khai theo trách nhiệm được giao, địa phương phải chịu trách nhiệm trên địa bàn, Ban chỉ đạo chỉ đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra.

    Kết quả thu được thời gian qua theo ông là khá tốt. Năm 2016 đến tháng 10/2017 đã xử lý 411.642 vụ vi phạm, thu ngân sách 39.604 tỷ đồng, trong đó năm 2016 thu ngân sách 21.713 tỷ đồng. Các lực lượng đều vào cuộc đồng bộ: công an, bộ đội biên phòng, thuế, quản lý thị trường...

    Tuy nhiên, ông thừa nhận tồn tại, tình hình diễn biến buôn lậu thương mại, hàng giả diễn biến phức tạp. "Các lực lượng vào cuộc tương đối đồng bộ nhưng tình hình diễn biến ở khu vực đường biên giới rất dài, đường biển đã tăng cường kiểm soát lực lượng hải quân, kiểm soát biển... nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Chúng ta đã có những chính sách triển khai nhưng vẫn còn chồng chéo nhưng chưa đủ hiệu lực triển khai", ông nói. 

    Giải pháp Ban chỉ đạo 389 đưa ra, ông cho biết, triển khai thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ; tăng công tác điều tra cơ bản; xây dựng thanh tra kiểm tra chuyên đề; tiếp tục tuyên truyền về công tác chống buôn lậu hàng giả, người dân, người tiêu dùng...

    Liên quan tới nợ đọng thuế, Bộ trưởng Dũng cho biết, giải quyết nợ đọng thuế cũng là trọng tâm Bộ triển khai quyết liệt. "Chúng tôi đã giao chỉ tiêu thu nợ theo từng doanh nghiệp tới từng lãnh đạo từ Tổng cục, Cục, phòng, ban... đôn đốc cưỡng chế thuế, nhắn tin đôn đốc nộp thuế", ông cho biết. 

    Tuy số nợ thuế tồn đọng lớn nhưng kết quả vào cuộc, đồng bộ. Cụ thể, số thu nợ đọng thuế giảm dần qua các năm, số thu năm sau cao hơn năm trước. Năm 2016 giảm 81% số thuế cần thu hồi. Năm 2011 thu được 20.036 tỷ đạt 85% số tiền nợ thuế của cuối 2010; năm 2013 thu 27.000 tỷ; 2014 thu 31.900 tỷ; 2015 là 37.582 tỷ; 2016 là hơn 42.000 tỷ. Và 10 tháng 2017 thu được 39.894 tỷ, đạt 81%. 

    Tỷ trọng nộp thuế trên tổng thu ngân sách cũng giảm dần, năm 2011 là 4,4%: 2015 7,7%; 2016 6,7% và 31/10/2017 là 6,1% tổng thu ngân sách... Tỷ lệ nợ thuế có khả năng thu hồi tới 31/10/2017 còn 4,9% so với mức 5,6% năm 2016 và 7,7% năm 2015.

    Tổng số tiền nợ thuế hiện còn 73.930 tỷ đồng, tiền nợ thuế có khả năng thu hơn 27.640 tỷ, giảm 10,3% so với cuối 2016; tiền phạt, chậm nộp 18.361 tỷ tăng 0,7% so với 2016... Trong cơ cấu chỉ có 37,4% nợ có khả năng thu hồi, còn lại gần 62% là không có khả năng thu hồi do doanh nghiệp phá sản.

    Hiện vẫn còn 718.383 đối tượng không có khả năng thu hồi, trong đó hơn 209.000 doanh nghiệp, còn lại là hộ kinh doanh cá nhân. "Số này vẫn nằm trên sổ thuế mà ngành thuế vẫn phải đôn đốc. Tới đây sẽ rà soát, đánh giá và sẽ báo cáo Quốc hội xử lý nợ đọng thuế, không để thất thu", ông nêu thực tế.

    Giải pháp thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tăng cường kiểm tra, phân loại nợ, kiểm soát chặt nợ đọng thuế.

    9h08

  • Tiếp tục trả lời về nợ công, Bộ trưởng Tài chính một lần nữa cho rằng, nhận định nợ công đang tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn là đúng.

    Theo ông, nhìn chung cần tiếp tục kiểm soát nợ công nhưng bước đầu các phương pháp đang triển khai đúng.Vừa qua, đã từng bước kiểm soát chặt chẽ nợ công, bước đầu cơ cấu lại và kiểm soát tương đối có kết quả. Các chỉ tiêu nợ công vẫn trong giới hạn cho phép. Thực hiện kéo dài được kỳ hạn trái phiếu. Nếu 2011 kỳ hạn phát hành là 3,9 năm thì 2016 là 5 năm trở lên. 10 tháng đầu năm, kỳ hạn phát hành lên 12,57 năm.

    Lãi suất cũng theo hướng giảm dần. Nếu 2011 phát hành 12,01% một năm thì nay còn 6,04% một năm. Danh mục nợ, cuối tháng 10, danh mục trái phiếu còn lại kỳ hạn 6,7 năm.

    Thời gian qua sau cơ cấu lại, tỷ lệ trái phiếu Chính phủ và nợ trong nước còn gần 61%. Nợ nước ngoài trên 39%. Sau 2017, nợ trong nước tăng lên, lãi suất giảm xuống, kỳ hạn dài ra. 

    Rõ ràng cơ cấu nợ trái phiếu Chính phủ thay đổi lớn. Năm ngoái, 78% là của ngân hàng thương mại, nay là 54% nhờ phát triển mạng lưới thông qua quỹ bảo hiểm xã hội, các quỹ đầu tư.

    9h05

  • Năm 2017 truy thu hơn 3.000 tỷ đồng chuyển giá

    Bộ trưởng Tài chính thừa nhận chuyển giá là vấn đề bức xúc của xã hội thời gian qua. Về pháp lý, năm 1995 Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn kiểm soát chuyển giá. Thời gian gần đây tiếp tục hoàn thiện các chính sách. Năm 2017, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 20 về quản lý thuế với doanh nghiệp phát sinh giao dịch liên kết và ban hành thông tư, dựa trên kinh nghiệm của OECD. 

    2016 đã thanh tra, kiểm tra 1.406 cuộc với doanh nghiệp FDI, truy thu truy hoàn 1.310 tỷ đồng. Tổng số giảm lỗ 1.983 tỷ, giảm khấu trừ hơn 3 tỷ.

    Năm 2017 thanh tra 1.288 doanh nghiệp, tổng số truy thu truy hoàn hơn 3.000 tỷ. Thời gian tới sẽ tiếp tục các ngành triển khai đồng bộ.

    Theo Bộ trưởng Dũng, trang thiết bị máy móc giá rẻ, kê khai giá cao, đưa vào sau này trích khấu hao là một dạng chuyển giá.

    8h50

  • "Áp lực trả nợ đang rất lớn"

    Câu hỏi về nợ công, Bộ trưởng Dũng thừa nhận đúng như đại biểu nói, áp lực trả nợ lớn.

    Bộ Tài chính đã có nghị quyết về tái cơ cấu ngân sách và đảm bảo an toàn nợ công bền vững, trình Quốc hội ban hành NQ25 về kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm, theo đó, giới hạn các chỉ tiêu an toàn nợ công (trần không quá 65%; nợ nước ngoài không quá 50%). Thời gian vừa qua đã triển khaiq uyết liệt nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý nợ công. Hiện Quốc hội đang thảo luận và sẽ thông qua Luật nợ công sửa đổi. Đã trình Thủ tướng 

    Như Quốc hội biết, từ 1.7.2017 chúng ta đã "tốt nghiệp" vay ODA, thời gian tới vay WB thì chủ yếu vay ưu đãi. Lúc này cần tập trung xây dựng vốn vay cho các dự án quan trọng.

    Ngoài ra cần xác định rõ mức bội chi ngân sách và lộ trình cắt giảm bội chi. Năm nay bội chi 3,5%. 2018 là 3,8%. 2019 xuống 3,6% và 2020 xuống 3%. Chúng ta sẽ tiếp tục siết chặt bảo lãnh Chính phủ. Năm ngoái gần như Chính phủ không bảo lãnh thêm dự án nào, đặc biệt là dự án của doanh nghiệp. Có giải ngân các dự án đã bảo lãnh (trước). Hai ngân hàng chính sách, chỉ bảo lãnh cho phát hành ngang bằng số trả nợ, không phát hành số dư tăng thêm.

    Một trong các giải pháp là có nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm nên trong điều hành cần kiên quyết nghị quyết này, đặc biệt các chỉ tiêu về bội chi liên quan nợ công.

    Việc giải ngân vốn ODA vay ưu đãi, hiện cũng đang kiên quyết trong giới hạn Quốc hội thông qua. Đúng là có vấn đề phát sinh nhưng đến năm nay là năm thứ 2 và năm thứ 3 (2018) vẫn trong kế hoạch 300.000 tỷ theo số Quốc hội đã thông qua. Một việc nữa là chú ý cân đối trả nợ đúng hạn

    Ngoài ra cần tăng cường minh bạch, hoàn thiện khung đấu thầu thanh tra. Thời gian vừa qua các ngành, thanh tra kiểm toán, kể cả tài chính, các cấp đã vào cuộc và xử lý được một bước.

    Về ý kiến về quản lý hóa đơn thuế của Đại biểu Bùi Thu  Hằng - Hòa Bình

    Hiện chính sách thuế áp dụng cho kinh doanh có văn bản khá đầy đủ. Từ 2015 đã sửa đổi tính thuế theo hướng đơn giản, không theo biểu thuế lũy tiến trước 2015. 

    Về mức khoán, theo quy định, cán bộ thuế cấp xã phường quyết định (gửi thông báo, hộ kinh doanh tự khai rồi hội đồng thuế, xã phường xét duyệt rồi ra thông báo đợt 1 gửi tới từng hộ. Các mức khoán này được thông báo tại trụ sở phường, cơ quan thuế. Hàng năm thông báo một lần nhưng nếu phát sinh tăng 50% doanh thu sẽ được điều chỉnh).

    Hiện Bộ đã đưa quy trình áp dụng công nghệ thông tin vào xác định thuế khoán.

    Nợ công , BOT chờ bộ trưởng Tài chính tại phiên chất vấn - Ảnh 1.

    Theo quy định, doanh nghiệp tự tính, tự khai, tự nộp thuế. Hóa đơn doanh nghiệp cũng tự in hoặc mua của cơ quan thuế. Thói quen của chúng ta hiện khó, do người mua hàng ít lấy hóa đơn và quen với trả tiền mặt. Bộ trưởng thừa nhận đây là khâu khó và thời gian tới cần tập trung tuyên truyền, giải pháp xử lý vấn đề này.

    Bộ trưởng cho biết đang xây dựng nghị định về hóa đơn điện tử cùng việc kê khai, tự tính, tự nộp. Đã làm thí điểm ở một số tỉnh, doanh nghiệp. Nghị định sẽ trình Chính phủ trong năm nay. Sau khi được ban hành, Bộ trưởng cho rằng có thể quản lý tốt hơn.

    Ngoài ra, ông nhấn mạnh cần tuyên truyền, người dân phải có thói quen mua hàng lấy hóa đơn. Thứ ba, nếu làm mạnh nữa nên coi điều kiện khi thành lập doanh nghiệp là p hải có mã số thuế, có hóa đơn được kết nối với cơ quan thuế.

    Ngoài ra, để hạn chế tiền mặt theo đề án của Ngân hàng Nhà nước, ông Dũng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp để đẩy mạnh không tiền mặt trong trao đổi, mua bán hàng hóa. Nếu kết nối được với Ngân hàng Nhà nước thì sẽ từng bước.

    8h35

  • Bộ trưởng Tài chính: Một mặt hàng đang phải chịu 2 giấy phép

    Dung-2-6692-1510797898.jpg

    Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.

    Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, ngay từ năm 2014 Bộ Tài chính đã xây dựng đề án giao 13 Bộ, ngành xây dựng sửa đổi các văn bản pháp luật, theo hướng giảm thiểu số lượng kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Kết quả, hiện các Bộ ngành đã sửa 66/87 văn bản pháp luật liên quan tới kiểm tra chuyên ngành thông quan hàng hoá, đạt 76%. 

    Hiện cũng có khoảng 200 danh mục hàng hoá thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, trong đó danh mục hàng hoá với hàng trăm mặt hàng, như danh mục thuốc thú ý với hơn 400 mặt hàng... Năm 2017 Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức áp mã hồ sơ theo danh mục hàng hoá theo chuyên ngành.

    "28% thời gian thông quan là trách nhiệm hải quan, còn lại 72% trách nhiệm của các Bộ, ngành", Bộ trưởng Dũng nêu và cho rằng đây là khâu chốt quan trọng phải tháo, nếu không sẽ không có động lực thúc đẩy giao lưu hàng hoá thương mại qua biên giới. Tuy nhiên Bộ trưởng cũng thừa nhận hiện vẫn còn nhiều mặt hàng chịu nhiều hình thức quản lý trong thông quan. Có một mặt hàng thuộc quản lý nhiều Bộ, cần chỉnh sửa để tạo thuận lợi hơn.

    Ví dụ, sữa chua, sữa bột phải kiểm định thực phẩm của Bộ Nông nghiệp, nhưng kiểm tra chất lượng của Bộ Công Thương. Nghĩa là một mặt hàng đang chịu 2 giấy phép. Ông lý giải, một phần do không đáp ứng yêu cầu nhưng cũng yếu về quy chuẩn, tiêu chuẩn ở các Bộ, nên chồng chéo. 

    Trước tình hình này, Bộ Tài chính phối hợp với 10 quản lý ngành thành lập 10 đội kiểm tra chuyên ngành tại các địa bàn trọng yếu: Hải Phòng, Lào Cai, Quảng Ngãi, TP HCM... để thông quan nhanh và có kế hoạch nâng cấp trung tâm kiểm định của Tổng cục Hải quan thành các Cục kiểm định kèm theo phòng thí nghiệm. "Hiện các Bộ, ngành vẫn chưa trao lại quyền kiểm tra chuyên ngành cho hải quan. Không tháo được nút này thì rất ách tắc cho xuất nhập khẩu", ông nói. 

    Ông Dũng cũng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục đề xuất kiểm tra chuyên ngành theo hướng giảm thủ tục giấy tờ, quản lý theo rủi ro, hậu kiểm bởi hiện nay vẫn kiểm tra tiền kiểm lớn nên không đáp ứng được thời gian thông quan, chất lượng hàng hoá. Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp với các ngành rà soát, thống nhất mã HS hàng hoá xuất nhập khẩu; triển khai cơ chế một cửa quốc gia ASEAN 2016 - 2020 và đồng bộ thông tin giữa các Bộ, ngành... Về phía hải quan, Bộ chỉ đạo hoàn thiện giai đoạn 2 dự án nâng cao thông quan tự động; tăng cường năng lực Cục kiểm định hải quan. "Hải quan vừa rồi đã đi đầu, đo đếm và chỉ ra những tồn tại, cần sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ như vừa qua để khắc phục tình trạng này", ông nói.

    Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân ngắt lời, bà đặt câu hỏi: Với những nỗ lực của ngành tài chính thì có hoàn thành kế hoạch giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành năm nay?

    Bộ trưởng Dũng trả lời, với 200 danh mục hàng hoá và hàng trăm nghìn hàng hoá kiểm tra chuyên ngành thì cần sự vào cuộc của các Bộ, ngành. Từ nay tới cuối năm Bộ sẽ tiếp tục kết nối với các Bộ, ngành. Vừa qua đã kết nối được 41 thủ tục của các bộ, ngành và theo kế hoạch năm nay còn 22 thủ tục nữa. "Theo tiến độ này thì sẽ hoàn thành căn băn kế hoạch đặt ra", ông khẳng định. 

    8h33

  • Đại biểu Trương Anh Tuấn (Nam Định)

    Điều đáng phấn khởi là kinh tế xã hội có những bước phát triển mới. Điều đó đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân, đảm bảo sự phát triển bền vững.

    Cử tri các địa phương phản ánh tình hình buôn lậu, gian lận hàng giả đang diễn biến phức tạp, cản trở sản xuất, làm mất lòng tin của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.

    Xin cho biết Bộ đã và sẽ triển khai những giải pháp gì để chống buôn lậu thương mại, hàng giả.

    Làm tốt công tác thu mới đảm bảo nhiệm vụ chi, theo báo cáo Chính phủ, thu ngân sách vượt nhưng là mức thu thấp nhất trong 2-3 năm gần đây

    Tình hình doanh nghiệp kê khai nộp không đầy đủ là phổ biến, nhiều doanh nghiệp còn nợ thuế. Đến cuối 2016 tổng dư nợ thuế là 77.000 tỷ đồng, và đến nay dư nợ thuế còn 73.000 tỷ đồng, giảm không đáng kể. Vậy Bộ trưởng có giải pháp nào?

    8h32

  • Đại biểu Bùi Thu Hằng (Hoà Bình) 

    Đại biểu Bùi Thu Hằng đặt câu hỏi chất vấn về lĩnh vực thuế. Theo bà hiện ngành thuế đã cải tiến cách thu thuế qua hoá đơn điện tử, nhưng xuất hoá đơn của các hộ kinh doanh vẫn phổ biến; thói quen không lấy hoá đơn khi mua hàng của hộ kinh doanh đang khiến ngành thuế thất thu. Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp để khắc phục tình trạng này? 

    Đại biểu Vũ Thị Thuỷ (Hải Dương) gửi tới Bộ trưởng câu hỏi liên quan tới chuyển giá doanh nghiệp. Bộ Tài chính có giải pháp gì khắc phục tình trạng này? Bà cũng đặt câu hỏi liên quan tới giải quyết thủ tục hành chính.

    8h30

  • Đại biểu Nguyễn Tảo (Lâm Đồng)

    Qua các cuộc họp đối thoại giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, công tác kiểm tra chuyên ngành đang là trở ngại lớn, kéo dài thời gian thông qua hàng hóa làm tăng chi p hí gây phiền hà cho doanh nghiệp. Bộ trưởng có những giải pháp gì để góp phần nâng cao hiệu quả việc kiểm tra chuyên ngành

    Qua nội dung báo cáo kết quả triển khai nhiệm vụ Kinh tế xã hội cho thấy, nợ công đã và đang là mối quan tâm của cử tri cả nước. Tình hình nợ công hiện nay sát trần hơn 60% GDP, rủi ro lớn do điều kiện kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn như huy động thuế, phí trên GDP giảm, trong khi Chính phủ vẫn đàm phán ký kết các khoản vay mới, điều này ảnh hưởng như thế nào trong kiểm soát chi tiêu nợ công thời gian tới

    8h27

  • Đại biểu Vũ Thị Thủy (Hải Dương)

    Tình trạng chuyển giá của doanh nghiệp có chiều hướng gia tăng, với chức năng được giao, Bộ có giải pháp gì khắc phục?

    Những năm qua Chính phủ ban hành nhiều Nghị quyết về cải cách thủ tục hành chính nâng cao năng lực cạnh tranh.  Quốc hội, Bộ trưởng đã triển khai chỉ đạo của Thủ tướng như thế nào?

    Phiên chất vấn các Bộ trưởng chính thức khai mạc vào sáng nay 16.11.

Ngay sau khi nghe Trưởng ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn với phần đăng đàn đầu tiên của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Nợ công , BOT chờ bộ trưởng Tài chính tại phiên chất vấn - Ảnh 1.
Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải

Người đứng đầu ngành tài chính sẽ trả lời về công tác quản lý thuế (giải quyết nợ đọng thuế; thanh tra, kiểm tra; chống thất thu thuế, chuyển giá) cũng như các vấn đề của hải quan đảm bảo nền tài chính an toàn, hiệu quả. Đây không phải lần đầu tiên ông Đinh Tiến Dũng đăng đàn tại Quốc hội về các vấn đề này. Tuy nhiên, trong sáng nay, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng còn phải giải trình trước Quôc hội về câu chuyện nợ công với những giải pháp tăng cường quản lý an toàn, hiệu quả.

Theo lịch, Bộ trưởng Tài chính trả lời chất vấn tới giữa phiên làm việc chiều 16.11, trước khi nhường diễn đàn cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng.

Theo đó, Thống đốc Lê Minh Hưng sẽ giải đáp các vấn đề về việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý. Đồng thời, hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được xử lý và giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống cũng là nội dung trọng tâm của phiên chất vấn này.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ trưởng Tài chính bị 'truy' về cán bộ thuế, hải quan tiêu cực