Bộ Công an có thể bỏ cấp tổng cục trong năm 2018

05/04/2018 07:39

Bộ Công an đi đầu trong tinh giản bộ máy với phương án đề xuất bỏ cấp tổng cục và giảm một nửa cấp cục qua việc sáp nhập nhiều đơn vị.

Đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Công an đã được Bộ Chính trị đồng ý, phê duyệt. Trung tướng Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công an đã phân tích về đề án này.

Theo ông, vì sao Bộ Công an lại cải tổ bộ máy với nhiều thay đổi? 

Trung tướng Trần Đình Nhã: Bộ Công an có thể bỏ cấp tổng cục trong năm nay

Trung tướng Trần Đình Nhã. Ảnh: Quốc hội

- Đây là đề án có ý nghĩa và giá trị. Tôi đánh giá cao việc làm này của Bộ Công an. Nếu làm tốt, chủ trương này không chỉ được người dân đồng tình, ủng hộ mà còn lan tỏa sang các bộ ban ngành khác.

Ngành công an đang làm tốt nhiệm vụ trong việc ổn định chính trị, tình hình an ninh, trật tự xã hội, tuy nhiên vẫn sẽ có những vấn đề cần phải đặt ra để cải tổ và làm tốt hơn nữa.

Chúng ta có thể tinh gọn bộ máy hơn nữa với chi phí thấp hơn mà vẫn có thể hoạt động bằng hoặc tốt hơn, vậy tại sao không cải tổ, tránh việc chồng chéo, chỗ thừa, chỗ thiếu. 

Theo đề án, việc sắp xếp sẽ theo hướng tinh gọn như thế nào?

- Các phương án đưa ra là giảm cấp trung gian, đồng nghĩa với việc sẽ bỏ cấp tổng cục. Theo đó, từ 126 cục và đơn vị trực thuộc 6 tổng cục cũng sẽ được thu gọn lại còn khoảng 60 cục và đơn vị tương đương. 

Khi các tổng cục không còn nữa thì một số cục như tham mưu, hậu cần... sẽ được thu về một đầu mối, có thể về sáp nhập thành một đơn vị đặt dưới sự quản lý của Bộ.

Ngoài ra, các sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ cũng sẽ theo phương án chuyển về thành một phòng trực thuộc công an tỉnh; sẽ có thêm lực lượng công an xã chính quy; đồn công an, công an đơn vị hành chính đặc biệt ở các khu kinh tế...

- Việc tinh giản cấp cục chỉ còn một nửa, theo ông, nhân sự lãnh đạo tại các đơn vị này sẽ đi về đâu?

- Có nhiều phương án để giải quyết. Ví dụ, khi ba cục sáp nhập với nhau thì đương nhiên chỉ chọn một ông cục trưởng tốt nhất, còn lại có thể làm phó. Với cán bộ sắp đến tuổi nghỉ hưu có thể động viên nghỉ sớm, nếu còn trẻ tiếp tục công tác, cống hiến.

Các lãnh đạo của tổng tục cũng cũng có thể về làm cục trưởng (nếu còn tuổi), sắp nghỉ hưu rồi có thể về nghỉ.

Ngoài ra, theo tôi được biết cũng có phương án điều chuyển nhân sự về địa phương.

- Theo ông, Bộ Công an sẽ có đối sách gì với những xáo trộn có thể xảy ra khi sắp xếp lại bộ máy?

- Tôi cho rằng sẽ có rất nhiều khó khăn, trở ngại vì sự thay đổi này ảnh hưởng đến quyền lợi sát sườn của cán bộ, chiến sĩ khi công việc đang ổn định thì bị điều chuyển nơi này nơi khác…

Nhà nước có thể phải chi ngân sách giải quyết thỏa đáng cho những người bị điều chuyển hoặc cho nghỉ sớm.  

Tư tưởng có thể sẽ xáo trộn, tuy nhiên trước khi làm việc này, Bộ Công an đã có quán triệt cụ thể với từng đơn vị để ổn định tư tưởng cho anh em.

- Theo lộ trình nếu thuận lợi về mặt xây dựng khung pháp lý, đề án bao giờ triển khai?

- Đề án đã được Bộ Chính trị đồng ý, phê duyệt rồi và đã ra Nghị quyết 22 để thực hiện.

Tuy nhiên để đề án đi vào thực tiễn cần có hai việc phải làm về mặt pháp lý. Đó là sửa đổi Luật Công an Nhân dân và Nghị định về tổ chức bộ máy của Bộ Công an. Trên thực tế Luật Công an nhân dân không quy định tổ chức bộ máy như thế nào nên việc làm tiên quyết hiện nay là sửa đổi Nghị định về tổ chức bộ máy Bộ Công an. 

Trong trường hợp Thủ tướng ký ban hành Nghị định sửa đổi thay thế sớm, chỉ vài tháng sau Bộ Công an có thể hiện thực hóa đề án. Theo tôi, có thể trong năm nay, việc bỏ cấp tổng cục và thu gọn các các đầu mối sẽ được hiện thực hóa.

Vì sao Bộ Công an đi đầu trong xây dựng đề án tinh giản bộ máy?

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực ủy Ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội cho biết, Bộ Công an là đơn vị đi đầu trong việc xây dựng tinh giản bộ máy. "Đây là việc làm đúng hướng và mang tính đột phá".

"Với quyết tâm như hiện nay của Bộ Công an, việc tinh giản và cơ cấu lại tổ chức bộ máy chắc chắn sẽ thành công và có sức lan toả", ông Hồng nhấn mạnh.

Lý giải về việc tại sao Bộ Công an là đơn vị đầu tiên xây dựng đề án tinh giản biên chế, tổ chức bộ máy, ông Hồng chỉ ra nhiều nguyên nhân. Đây là Bộ còn tập trung nhiều đầu mối, từ việc này dẫn đến khó khăn trong chỉ đạo điều hành. Hơn nữa, bộ máy trong quá trình điều hành đang bộc lộ những bất cập...

Nguyên nhân khách quan là an ninh trật tự diễn biến phức tạp; nhiều loại tội phạm, đặc biệt tội phạm phi truyền thống gia tăng... Xuất phát từ nhu cầu cần xây dựng sửa đổi các luật hình sự, tố tụng hình sự... và các thực tế trên, Bộ Công an đã chủ động đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ để xây dựng đề án.

Cũng theo ông Hồng, theo lộ trình, đến năm 2021, việc tinh giản biên chế và tổ chức bộ máy sẽ được thực hiện. Tuy nhiên, việc này có thể đến sớm hơn nếu Chính phủ sớm thông qua Nghị định về Tổ chức bộ máy của Bộ Công an, từ đó có thể trong năm 2018 đề án sẽ có hiệu lực hoặc muộn nhất vào giữa năm 2019.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Bộ Công an có thể bỏ cấp tổng cục trong năm 2018