5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII. Bài cuối: Mệnh lệnh hành động chống "giặc nội xâm"

06/10/2021 09:08

Đại hội XIII của Đảng xác định phải tiếp tục kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ hơn trước. Đây cũng là mệnh lệnh hành động của toàn Đảng, toàn dân!

>>>Bài 1: "Chiếc gương" chiếu khuyết tật
>>>Bài 2: Không còn “trên nóng, dưới lạnh”
>>> Bài 3: “Bảo bối” giúp Đảng trong sạch, đội ngũ vững mạnh
>>> Bài 4: Vướng mắc, hạn chế - Nhận diện và khắc phục


Đồng thuận cao, quyết tâm lớn

Đã rất nhiều lần, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, việc đấu tranh phòng chống tiêu cực nói chung, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ nói riêng là một cuộc trường chinh gian khó, không thể hoàn thành một sớm, một chiều. Cũng không được “thỏa mãn dừng lại” mà phải tiến hành thường xuyên, liên tục ở mọi lúc, mọi nơi, vì đó là cuộc chiến trong chính hàng ngũ chúng ta, là sự đấu tranh giữa “tốt-kém”, “hay-xấu” trong mỗi con người.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương (NQTƯ) 4, khóa XII, kết quả thu được ở các cấp và trong toàn Đảng là rất to lớn, đưa công cuộc phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bước sang một trang mới. Thế nhưng cách đây chưa lâu (ngày 10.9.2021), hội nghị của Bộ Chính trị, khóa XIII vẫn thẳng thắn chỉ rõ: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn còn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân cơ bản là do công tác phòng, chống tiêu cực tuy đã được quan tâm chỉ đạo nhưng còn phân tán, thiếu tính tập trung; chưa gắn kết chặt chẽ giữa phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực và suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Thông tin đó không chỉ có tính chất cảnh tỉnh, nhắc nhở mà còn phát đi thông điệp kêu gọi toàn Đảng, toàn dân phải tiếp tục nhận thức rõ hơn yêu cầu rất cao trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; giúp cấp ủy, chính quyền các cấp nhận thức rõ sứ mệnh, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo đương đầu với loại “giặc nội xâm” đặc biệt nguy hại này.

Trước đòi hỏi của thực tiễn, các đồng chí bí thư cấp ủy của các địa phương: Cần Thơ, Đồng Tháp, Yên Bái, Quảng Ngãi, Gia Lai, Bạc Liêu... có chung quan điểm, cho rằng: Sắp tới, các cơ quan chức năng Trung ương cần sớm nghiên cứu, tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII ban hành NQTƯ mới về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hoặc giao Bộ Chính trị có kết luận tiếp tục chỉ đạo mặt công tác này sao cho thật sát với diễn biến mau lẹ của thực tiễn. Thế nhưng dù phương án tham mưu thế nào chăng nữa, thì rõ ràng cần phải tiếp tục khẳng định, thể hiện tinh thần tiến công không ngừng, quyết tâm, quyết liệt đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; xem đó là vấn đề có tính quy luật, là đòi hỏi tất yếu, cấp thiết đối với mặt công tác ảnh hưởng quyết định đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Nhiều chuyên gia xây dựng Đảng rất tâm huyết lý giải vì sao trước đây, Đảng đã ban hành NQTƯ 4, khóa XI, nhưng chỉ sau đó một thời gian rất ngắn lại tiếp tục bổ sung, phát triển để ban hành NQTƯ 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng... Các ý kiến này cho rằng, đó là sự trung thực, dũng cảm, vượt qua chính mình của Trung ương, tạo ra những bước tiến rất lớn, rất dài, thay đổi về chất trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ trong một nhiệm kỳ đại hội. Cuộc sống luôn vận động. Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng luôn cần nghiên cứu, tổng kết, rút kinh nghiệm, bổ sung, điều chỉnh, tạo sức sống mới, là rất cần thiết.

Sau công tác sơ kết ở các đảng bộ trực thuộc Trung ương, các địa phương tự tin cho rằng kết quả và kinh nghiệm triển khai NQTƯ 4, khóa XII ở các cấp sẽ là nền tảng quan trọng để Trung ương có những nhận định, đánh giá toàn diện, góp phần cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn sinh động cho việc đề ra chủ trương, đường lối sáng đúng, tiếp tục dẫn dắt, soi rọi công cuộc xây dựng Đảng sắp tới đây. 

Để làm được điều đó, từng cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương bám sát thực tiễn cơ sở, nắm chắc thực trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ từng lĩnh vực, ngành, địa phương để có phương án đấu tranh phù hợp, hiệu quả. Cơ quan chức năng cần phát động, đẩy mạnh các đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp, tạo cao trào cách mạng sục sôi trong toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội. Kiên quyết nhận diện, tầm soát, truy quét, khắc phục dứt điểm từng biểu hiện cụ thể.

Theo kết quả điều tra bằng phiếu test đối với 85 bí thư đảng ủy, cấp ủy viên cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Cần Thơ và tỉnh Điện Biên, các ý kiến đều cho rằng, nên có yêu cầu bắt buộc từng tổ chức đảng khi xây dựng, ban hành nghị quyết lãnh đạo từng tháng, quý, năm phải xác định cụ thể mục tiêu đẩy lùi các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Ở những nơi nhạy cảm, có nguy cơ cao, hoặc thực trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có xu hướng phức tạp thì cấp ủy nơi đó phải có nghị quyết chuyên đề; tổ chức Đảng trên một cấp cùng dồn sức lãnh đạo, chỉ đạo, từng bước đẩy lùi, giải quyết triệt để. Những nơi để xảy ra “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cán bộ đứng đầu phải chịu trách nhiệm liên đới, gắn kỷ luật Đảng với kỷ luật chính quyền, buộc cách chức, giáng chức, luân chuyển cán bộ chủ trì, chủ chốt để “nêu gương” trong toàn Đảng.

Trước yêu cầu mới, việc phát huy sức dân tham gia vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cần được quan tâm lãnh đạo sát sao, thiết thực trên cơ sở trọng dân, lắng nghe dân. Đảng, Nhà nước, cơ quan chức năng cần tiếp tục đa dạng hóa các kênh tiếp nhận thông tin phản hồi, tố giác tội phạm từ quần chúng và dư luận xã hội; coi trọng công tác khen thưởng, tôn vinh những cán bộ, quần chúng dũng cảm, can trường đấu tranh với tiêu cực; từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích và bảo vệ người dân để họ toàn tâm, toàn ý dấn thân vào cuộc chiến chống “giặc nội xâm”.

Bài 5: Mệnh lệnh hành động chống
Đại diện cấp ủy, chính quyền và lực lượng vũ trang huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai động viên người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống (ảnh chụp trước tháng 4.2021)

“Điểm mặt” rõ hơn các biểu hiện

Có một điểm nhấn ấn tượng là khi đánh giá kết quả thực hiện NQTƯ 4, khóa XII, các đảng bộ địa phương (trực thuộc Trung ương) đều chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, điểm mặt một cách trung thực về thực trạng, tầm mức diễn tiến của các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Ví như, Tỉnh ủy Đồng Tháp chỉ rõ, 5 năm qua có 144 trường hợp biểu hiện suy thoái về tư tưởng; 206 trường hợp biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; 2 trường hợp biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa". Thành ủy Cần Thơ cũng điểm mặt 11 trường hợp biểu hiện suy thoái về tư tưởng; 297 trường hợp biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống (khiển trách: 61, cảnh cáo: 148, cách chức: 17, khai trừ đảng: 71)... Cái hay là nhiều địa phương đã chỉ rõ được cả nội dung, phương thức, các dấu hiệu nhận diện của từng biểu hiện và cách thức xử lý, hình thức kỷ luật cụ thể.

Nhất trí với cách đánh giá ấy, lãnh đạo Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, các cấp ủy, chính quyền cần đánh giá việc đấu tranh với 27 biểu hiện suy thoái như thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết đại hội các cấp tại mỗi kỳ đại hội đảng. Có nghĩa là phải chỉ rõ, biểu hiện nào đã được đẩy lùi, biểu hiện nào còn diễn biến phức tạp, biểu hiện nào khó đẩy lùi... Trên cơ sở đó, các cấp ủy xác định “loại bỏ” dần một số biểu hiện suy thoái (đã được đẩy lùi) ra khỏi danh sách 27 biểu hiện; đồng thời xác định rõ quyết tâm, giải pháp đẩy lùi những biểu hiện “cứng đầu” trong thời gian tới với lộ trình, bước đi phù hợp. Nếu biểu hiện suy thoái đã ở mức nguy hại, khó xử lý, hoặc gặp khó, vướng thì đề xuất, kiến nghị với Trung ương và cơ quan chức năng hỗ trợ, đồng hành thông qua việc tập trung sức lãnh đạo, hỗ trợ về mặt cơ chế, huy động nguồn lực, tạo sức mạnh tổng hợp để đẩy lùi bằng nỗ lực, quyết tâm cao nhất.

Đặc biệt, trong điều kiện mới, dù chỉ là sau 5 năm nhưng sự diễn tiến của thời cuộc rất mau lẹ, nhiều biểu hiện tiêu cực mới trong cán bộ, đảng viên đã xuất hiện, hoặc manh nha hình thành. Do vậy, Trung ương và các cấp ủy cần chủ động phát hiện, nhận định hình hài, đánh giá đúng thực trạng; có thể bổ sung thêm biểu hiện mới vào danh sách các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để ngăn chặn, đẩy lùi.

Cùng với việc phân rõ các nhóm “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo 3 lĩnh vực (9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; 9 biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ), thì trong quá trình đánh giá kết quả thực hiện cần xác định rõ các nhóm diễn biến theo lĩnh vực, ngành, địa phương thường có nhiều cán bộ phạm phải, hoặc diễn tiến tiêu cực hơn. Trên cơ sở đó mà có các chủ trương, giải pháp đấu tranh linh hoạt, sáng tạo.

Một vấn đề cũng rất cần được quan tâm là việc đánh giá kết quả thực hiện NQTƯ 4, khóa XII của cán bộ, đảng viên (cá nhân) được thực hiện khá bài bản hằng tháng, quý, năm, nhưng các cấp chưa thật sự quan tâm đến đánh giá kết quả phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị; nhất là ở chi bộ, đảng bộ (cấp xã, phường, thị trấn, thôn, bản...) một cách nền nếp, nghiêm túc. Nhiều nơi vẫn chưa thật thấm, ngấm, thậm chí còn “bỏ ngỏ” nhiều nội dung của NQTƯ 4, khóa XII, mà thường gặp là ở các tổ chức đảng trong doanh nghiệp, chi bộ ở khu dân cư, chi bộ nông thôn... Các cơ quan chính quyền, hội đồng nhân dân, tổ chức đoàn thể... cũng chưa phát huy hết trách nhiệm trong công tác triển khai và đánh giá kết quả “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, còn tâm lý phó thác, xem đó là việc của tổ chức đảng.

Điểm đúng huyệt “giặc nội xâm”

Có một lợi thế khá lớn là sau 5 năm thực hiện NQTƯ 4, khóa XII, Đảng ta đã có bước tiến về tư duy, thấy rõ mối nguy hại của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và tiêu cực. Chính vì vậy, mới đây, Bộ Chính trị đã cho ý kiến vào Đề án “Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”, thống nhất tên gọi là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (bổ sung từ “tiêu cực”) và khẳng định: Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đều là những biểu hiện tiêu cực, nên Ban chỉ đạo phải có trách nhiệm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý triệt để.

Như vậy, khác với trước, Ban chỉ đạo không những tập trung chỉ đạo các vụ án tham nhũng, mà nay sẽ trực tiếp điều hành việc chống tiêu cực nói chung, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nói riêng. Đó là cơ sở cho những kỳ vọng về hiệu quả, hiệu lực phòng, chống suy thoái đạt nhiều kết quả, có sự chuyển biến về chất trong thời gian tới.

Đáng mừng là hệ thống ban chỉ đạo các cấp đã được kiện toàn từ trước ở mọi cấp, mọi ngành, nay chỉ bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ, nên sắp tới các cơ quan này có điều kiện chuyển trọng tâm phòng, chống tiêu cực vào phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” như định hướng của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị. Sở dĩ như vậy là vì chính “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là gốc rễ và là “cha đẻ” của tham nhũng, tiêu cực. Triệt tiêu được các biểu hiện suy thoái sẽ giúp phòng ngừa từ sớm, từ xa nguy cơ dẫn đến các vụ đại án tham nhũng. Đây là một chân lý mà toàn Đảng, hệ thống chính trị và cả xã hội cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc.

Để đẩy mạnh cuộc chiến phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”,  từng cán bộ phải nêu cao lòng tự trọng, tự ái của bản thân. Biết trân trọng, lắng nghe những ý kiến góp ý của đồng đội, đồng nghiệp trong cơ quan, đơn vị. Tuyệt đối không nên phiền lòng về sự giám sát của tổ chức và nhân dân; không nên “phản ứng” trước sự ràng buộc của khuôn phép đạo đức và hệ thống các dấu hiệu nhận diện "tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Mỗi người phải thật sự cầu tiến, vì chính nhờ “tai, mắt” của quần chúng mới giúp mỗi cán bộ đi đúng đường, thường xuyên tự soi lại mình, tự gột rửa những yếu kém, triệt tiêu mầm mống của chủ nghĩa cá nhân ngay từ lúc sơ khai.

Một giải pháp rất quan trọng nữa là từ từng cấp ủy, chính quyền, đến mỗi cán bộ, đảng viên phải ý thức được mối quan hệ giữa đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”; tránh việc bị lực lượng thù địch lôi kéo, mua chuộc để bị rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Khi trong nội bộ có những ý kiến trái chiều, chưa thống nhất quan điểm, chính kiến... thì nhất thiết phải xử lý hài hòa, tranh luận thẳng thắn trên cơ sở khoa học, tránh việc mạt sát, cô lập, đẩy đồng chí, đồng đội về phía “bên kia chiến tuyến”. Cùng với đó, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng cần sớm cung cấp thông tin chính thống, làm tốt việc định hướng dư luận trước những vấn đề mới, nảy sinh từ thực tiễn liên quan đến thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ, để dân biết, dân giám sát và hỗ trợ, giúp đỡ cán bộ rèn giũa, tiến bộ, trưởng thành. Các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng cần hết sức coi trọng việc nhận diện, đẩy mạnh đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn bịa đặt, quy chụp về tình hình đội ngũ cán bộ; nhất là những vu cáo, xuyên tạc, bôi nhọ đời tư, hạ bệ danh dự, uy tín của cán bộ.

Kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến chi bộ; cấp ủy cấp trên chủ động gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân ở những nơi có vấn đề phức tạp, có biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; coi trọng kiểm tra việc khắc phục hạn chế, khuyết điểm (Văn kiện Đại hội XIII của Đảng).

Theo báo Quân đội nhân dân

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII. Bài cuối: Mệnh lệnh hành động chống "giặc nội xâm"