Trung Quốc "giấu mình" chờ thời?

20/08/2016 07:07

Một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc không muốn bất kỳ sự mạo hiểm nào tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này khi lần đầu tiên Bắc Kinh chủ trì.



Tòa Trọng tài Thường trực bác bỏ toàn bộ yêu sách cái gọi là "đường 9 đoạn" của Trung Quốc trên Biển Đông


Thế giới phải chờ sau khi kết thúc hội nghị, Trung Quốc sẽ giở chiêu gì ở Biển Đông.

Đang cố nhịn

Tờ Washington Post (Mỹ) mới đây đã đăng bài bình luận của tác giả David Ignatius nhận định về phản ứng dè dặt của Trung Quốc sau hơn 2 tuần Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) đưa ra phán quyết liên quan đến Biển Đông. Trung Quốc đã bị một thất bại lớn vào tháng 7 vừa qua trong nỗ lực nhằm thống trị Biển Đông của Bắc Kinh và các nhà lãnh đạo của nước này đang theo một kịch bản quen thuộc: Họ đưa ra những tuyên bố giận dữ nhưng hành động lại khá ít khi tiếp cận với tình hình.

Mỹ cũng đang đóng vai trò đặc trưng trong sự kiện này. Thay vì reo hò về chiến thắng, Washington đang tìm cách khuyến cáo các nhà lãnh đạo Trung Quốc nên lý trí và sáng suốt trước khi làm điều gì đó vội vàng. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice, người tiết lộ sau chuyến thăm tới Bắc Kinh rằng bà đã hối thúc các nhà lãnh đạo Trung Quốc “kiểm soát những khác biệt lớn của chúng ta một cách xây dựng”. Bà nêu rõ: “Tôi đã nhắc lại rằng mối quan tâm quan trọng nhất của chúng ta là giải quyết hòa bình các tranh chấp và duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”.

Trật tự dựa trên luật lệ này chính xác là điều Bắc Kinh đã và đang thách thức bằng những hành động gần đây nhằm chiếm giữ lãnh thổ ở các vùng biển tranh chấp. Lời nhắc nhở trên với Trung Quốc được đưa ra sau khi PCA đưa ra phán quyết bác bỏ những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Nhà phân tích hàng đầu về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) ở Washington (Mỹ) Christopher Johnson nhận định: “Trên thực tế, phán quyết bất lợi đối với Trung Quốc không phải là điều ngạc nhiên, nhưng mức độ của phán quyết phản đối Bắc Kinh một cách hoàn toàn mới là điều bất ngờ”. Ông Kurt Campbell - người từng là chuyên gia hàng đầu về châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của chính quyền Obama cho rằng phán quyết của PCA “rõ ràng là một hồi chuông cảnh báo”. Mặc dù người Trung Quốc nói trước rằng họ sẽ lờ đi phán quyết của tòa và gọi đó là “mớ giấy lộn”, song sự phản bác này rất chung chung đến nỗi mà Trung Quốc dường như đã phải dừng lại. Dự kiến, Bộ Chính trị Trung Quốc sẽ nhóm họp tại Bắc Đới Hà trong tháng 8, nơi các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ đánh giá chính sách trước khi đưa ra các biện pháp mới. Trung Quốc đang cố nhịn, ít nhất là vào thời điểm ban đầu, từ một thách thức cụ thể của phán quyết: Các quan chức Mỹ đã sợ rằng nếu phán quyết của PCA bất lợi với Trung Quốc, Bắc Kinh có thể sẽ tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, nhằm khẳng định hơn nữa yêu sách chủ quyền của họ. Mỹ được cho là sẽ phản đối mạnh mẽ một tuyên bố như vậy. Cho đến nay, chưa ADIZ nào được tuyên bố nhưng các nhà phân tích Mỹ dự báo điều này có lẽ phản ánh một phần sự bất đắc dĩ của Trung Quốc trong việc đưa ra quyết định về phạm vi của một khu vực như vậy. Yêu sách toàn bộ lãnh thổ trong “đường 9 đoạn” như họ đã từng tuyên bố sẽ là một sự khiêu khích, nhưng rút lại những yêu sách đó có thể sẽ khiến Trung Quốc mất mặt. Cho đến nay, việc giữ im lặng có lẽ là cách dễ dàng hơn đối với Bắc Kinh.

Một quan chức tình báo cao cấp của Mỹ mới đây đã đưa ra đánh giá: "Phán quyết của PCA có ý nghĩa rất lớn. Phán quyết được đưa ra, và Trung Quốc đang làm hết sức mình để mọi người không nói bất cứ điều gì về nó". Vấn đề trầm trọng hơn nằm dưới các tranh chấp trên Biển Đông là chủ nghĩa dân tộc ngày càng quyết đoán của lãnh đạo Trung Quốc. Nhưng giờ đây, người Trung Quốc dường như đã lùi một bước trong việc công khai kích động chống Mỹ, vốn diễn ra ngay lập tức sau khi phán quyết của PCA được đưa ra. Phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc ban đầu đổ lỗi cho Mỹ và đã có các cuộc biểu tình rải rác, trong đó những người biểu tình Trung Quốc đập phá iPhone và tụ tập trước các cửa hàng KFC.

Một chuyên gia phân tích hàng đầu về Trung Quốc cho biết đến nay, sự kích động trên phương tiện truyền thông đã giảm bớt, trong khi một số nhà bình luận Trung Quốc thậm chí còn chỉ trích thái độ chống Mỹ là "không hợp lý".

Chờ thời điểm thích hợp



Mỹ duy trì 2 cụm tàu sân bay ở Biển Đông để đối phó với Trung Quốc sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực


Học giả cao cấp về chính sách quốc phòng Harry J. Kazianis đã bình luận trên tờ Thời báo châu Á mới đây rằng dù Trung Quốc gặp bất lợi sau phán quyết của PCA liên quan đến vụ kiện Biển Đông nhưng không ai nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ chịu thua một cách quá tệ hại như vậy, và những gì xảy ra tiếp theo mới là vấn đề quan trọng. Chắc chắn Trung Quốc sẽ phản ứng và phản ứng một cách dữ dội.

Theo ông Kazianis, ít nhất cho đến nay, Bắc Kinh chỉ tăng cường phản ứng bằng những tuyên bố, nhưng tháng 9 tới có thể là "thời điểm không thể tốt" hơn để Trung Quốc đưa ra một phản ứng mạnh mẽ mà cộng đồng thế giới có lẽ không để ý. Vậy tại sao sự phản ứng của Trung Quốc bị trì hoãn? Theo Kazianis, Bắc Kinh dự kiến sẽ lần đầu tiên đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G20 từ ngày 4 đến 5-9 tới ở TP Hàng Châu. Luôn hướng tới việc nâng cao vị thế như là một siêu cường mới nổi, cũng như đóng vai trò là một quốc gia đối tác cơ bản và không bao giờ là nước khơi mào rắc rối, Bắc Kinh sẽ đi theo một kịch bản thận trọng ở Biển Đông - rất nhiều cuộc tranh luận nảy lửa và gửi đi những thông điệp cứng rắn, nhưng không có các bước leo thang trong thời gian này.

Trung Quốc sẽ không muốn bất kỳ sự mạo hiểm nào tại hội nghị lần này vượt ra ngoài những gì có thể xảy ra trong hội nghị khi nói đến những căng thẳng ở châu Á. Như ông Kazianis nhận định Bắc Kinh có mọi động cơ để kiềm chế phản ứng mạnh cho đến khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh G20.

Ngoài vấn đề trên, thêm nhiều lý do để lập luận rằng Bắc Kinh đang “giấu mình” để chọn thời điểm phản ứng. Không thể có thời điểm nào tốt hơn để khơi mào rắc rối ở Biển Đông trong thời gian mà Mỹ là quốc gia duy nhất thực sự có thể ngăn cản Bắc Kinh  gây rối sẽ bị phân tâm rất nhiều trong vấn đề lựa chọn vị tổng thống tiếp theo của họ. Mỹ cũng như phương tiện truyền thông toàn cầu sẽ tập trung rất nhiều vào cuộc đua giữa hai ứng cử viên tổng thống Donald Trump và Hillary Clinton.

Ngay cả khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ phi pháp ở Biển Đông hoặc bắt đầu công việc cải tạo bãi đá Scarborough, có một cơ hội tốt để Trung Quốc ít bị chú ý nhiều khi mà cả thế giới đang dõi theo từng lời bình luận, bài phát biểu và tranh luận của hai ứng cử viên trong cuộc đua vào Nhà trắng. Vì vậy, đối với Trung Quốc đó có thể là thời điểm tốt nhất để chớp lấy cơ hội, trong bối cảnh mọi ánh mắt của thế giới chỉ đơn giản là nhìn về một nơi khác.

Ngoài ra, với một sự thay đổi quyền lực sắp diễn ra ở Mỹ và sự không chắc chắn về việc ai sẽ giành chiến thắng, cũng như không chắc chắn về quan điểm của họ sẽ như thế nào đối với châu Á, Bắc Kinh có thể “đặt cược” rằng giờ là lúc để hành động. Trung Quốc cũng có thể cảm nhận rằng họ sẽ không phải chịu sự phản ứng mạnh mẽ từ Mỹ trong bối cảnh chính quyền Obama muốn kết thúc nhiệm kỳ của mình mà không bị lôi kéo vào một cuộc khủng hoảng ở châu Á.

PHƯƠNG LINH (tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trung Quốc "giấu mình" chờ thời?