Nêu cao chính nghĩa để ngăn chặn âm mưu của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông

16/11/2019 19:51

Những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông tiếp tục được giới học giả quốc tế nghiên cứu, đồng thời chỉ ra những biện pháp cần thiết để ngăn chặn, không để bùng nổ thành xung đột.

Các diễn đàn quốc tế là nơi để Việt Nam nêu cao chính nghĩa của mình trong vấn đề Biển Đông

Những luận điệu ngang ngược, chà đạp luật pháp quốc tế

Nhiều năm qua, Trung Quốc không ngừng đưa ra những luận điệu và hành động ngang ngược để đòi độc chiếm Biển Đông. Việc phân tích vị trí nơi nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 hoạt động trong thời gian gần đây cho thấy rõ hơn hành vi vi phạm luật pháp quốc tế cũng như tham vọng của Trung Quốc.

Trước hết, những khu vực hoạt động của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc cách bờ biển Việt Nam dưới 200 hải lý, trong khi cách bờ biển Trung Quốc rất xa, có nơi tới hơn 500 hải lý. Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, những nơi đó hoàn toàn nằm trong vùng biển của Việt Nam chứ không thể của Trung Quốc. 

Thêm vào đó, các thực thể trong khu vực quần đảo Trường Sa, theo phán quyết của trọng tài trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines, không thể có vùng biển rộng hơn 12 hải lý. UNCLOS đã quy định chỉ có quốc gia quần đảo mới có quyền thiết lập đường cơ sở quần đảo bao quanh và từ đó thiết lập vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Trường Sa không phải quốc gia quần đảo nên không thể có đường cơ sở quần đảo. Do đó, việc Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp các thực thể ở Trường Sa không thể tạo ra bất cứ cơ sở nào cho Trung Quốc yêu sách đối với vùng biển nêu trên của Việt Nam.  

Theo dõi hoạt động của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8, các nhà nghiên cứu còn chỉ ra rằng Trung Quốc đang muốn khẳng định trên thực tế tuyên bố chủ quyền với 4 nhóm cấu trúc ở Biển Đông mà họ gọi là “Tứ Sa”, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Minh chứng là vùng hoạt động của nhóm tàu Hải Dương 8 không chỉ nằm trong phạm vi “đường 9 đoạn” mà còn nằm trong yêu sách “Tứ Sa”. Đây là điều đặc biệt nguy hiểm bởi phạm vi của yêu sách “Tứ Sa” còn rộng lớn hơn nhiều so với yêu sách “đường 9 đoạn” vốn đã chiếm tới 80% Biển Đông. 

Một điểm đáng chú ý nữa là theo UNCLOS, các quốc gia có quyền chủ quyền về thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên sinh vật hoặc không sinh vật tại vùng đặc quyền kinh tế của mình. Quốc gia có quyền tài phán về lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình; về nghiên cứu khoa học biển; về bảo vệ và gìn giữ môi trường biển. Tại vùng đặc quyền kinh tế, các quốc gia khác có quyền tự do hàng hải và hàng không, quyền đặt dây cáp ngầm.

Như vậy, các quốc gia khác không được tiến hành thăm dò, khảo sát tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việc tàu nhóm khảo sát Hải dương 8 của Trung Quốc sử dụng các trang thiết bị và tiến hành thăm dò và khảo sát trong quá trình đi lại trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho thấy dấu hiệu vi phạm quyền chủ quyền về thăm dò tài nguyên thiên nhiên tại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Có thể thấy với luận điệu và cách hành xử trên thực tế, Trung Quốc đang dã tâm biến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trở thành vùng chồng lấn, tranh chấp, từ đó đòi quyền “cùng khai thác”. Mục tiêu của Trung Quốc là tìm kiếm quyền bá chủ trên Biển Đông, bao gồm cả việc khai thác tài nguyên biển trong vùng nước và thềm lục địa nằm ở khu vực mà họ gọi là “đường 9 đoạn”. Trung Quốc muốn ràng buộc tất cả các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, phải cùng phát triển tài nguyên biển, bao gồm cả việc hợp tác thăm dò khai thác dầu khí giữa các công ty dầu khí quốc gia, và loại trừ các công ty nước ngoài. 

Trong khi đó theo UNCLOS, đó là đặc quyền, độc quyền của Việt Nam. UNCLOS cũng quy định ngay cả nếu Việt Nam không tiến hành khảo sát, thăm dò, khai thác tài nguyên ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình thì cũng không một quốc gia nào khác có thể tiến hành các hoạt động này mà không có sự cho phép rõ ràng của Việt Nam. Yêu sách của Trung Quốc đã giẫm đạp lên luật pháp quốc tế.

Tận dụng các diễn đàn quốc tế để nêu cao chính nghĩa của Việt Nam

Có thể khẳng định những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian gần đây đã đe dọa nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, không có lợi cho hòa bình và ổn định ở khu vực. Những hành động đó phải bị lên án và ngăn chặn, bởi nếu không, nó có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. 

Theo khuyến nghị của các học giả quốc tế, trong đó có giáo sư John Rennie Short thuộc trường Đại học Maryland, Mỹ, trong bối cảnh Trung Quốc liên tục có những hành vi làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông gây mất an toàn, an ninh trong khu vực, Việt Nam nên có thái độ rõ ràng trong vấn đề này. 

Trước hết, cần đẩy mạnh việc lên tiếng chống lại các hành vi sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông và điều này cần được công khai trên các diễn đàn quốc tế. Có một thực tế là chỉ trong vài năm gần đây, thế giới mới bắt đầu quan tâm hơn đến phản ứng của các quốc gia trực tiếp bị ảnh hưởng bởi những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam, Philippines và Indonesia. Trước đó, tranh chấp trên Biển Đông thường được coi là “câu chuyện riêng” giữa Mỹ và Trung Quốc và thế giới thường chú tâm vào phản ứng của hai quốc gia này.

Việc cung cấp chi tiết, cập nhật thường xuyên hiện trạng hoạt động của các tàu Trung Quốc và các tàu thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam trên bản đồ và các bảng số liệu sẽ giúp người dân trong nước và bạn bè quốc tế biết về hoạt động bất hợp pháp của các tàu Trung Quốc và những hoạt động đấu tranh của Việt Nam. Thế mạnh của Việt Nam là tính chính nghĩa. Vì thế, khi chủ động truyền bá quan điểm đúng đắn của mình ra thế giới, Việt Nam sẽ để nhận được sự ủng hộ rộng lớn của cộng đồng quốc tế. Một khi cộng đồng quốc tế đồng loạt lên tiếng chỉ trích những hành vi sai trái, gây mất an toàn, an ninh ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy tham vọng của mình.

Còn theo giáo sư Carlyle Thayer thuộc Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia, trên cơ sở tuân theo luật pháp quốc tế, Việt Nam cần phản đối ngoại giao tới Bắc Kinh về hành vi xâm phạm quyền tài phán của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, đồng thời tham gia các cuộc tham vấn với Trung Quốc để giải quyết vấn đề này. Phản đối ngoại giao và tham vấn là cần thiết để chứng tỏ rằng Việt Nam đang tìm kiếm một giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, đồng thời đặt nền tảng cần thiết để nếu cần sẽ thực hiện các biện pháp pháp lý theo UNCLOS.

Còn theo giáo sư Alexander Vuving, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, cùng với thế trận chiến tranh nhân dân trên biển, Việt Nam cần huy động được sự ủng hộ của các cường quốc ở khu vực và thế giới để đối phó với sức ép của nước lớn, tạo nên mặt trận quốc tế chống lại “đường 9 đoạn” phi pháp của Trung Quốc.

Bên cạnh các hội nghị của ASEAN mà Việt Nam sẽ làm chủ tịch trong năm 2020 còn có Hội nghị Cấp cao Đông Á, Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF), gồm các nước ASEAN và 8 đối tác, Bộ Tứ (Mỹ, Nhật, Australia, Ấn Độ), nơi các nước lớn có tiếng nói quan trọng. Việt Nam cũng nên tận dụng các diễn đàn này để giúp đẩy thảo luận đa phương về vấn đề Biển Đông”, giáo sư Alexander Vuving đề xuất. 

Theo An ninh Thủ đô

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nêu cao chính nghĩa để ngăn chặn âm mưu của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông