Mỹ-Hàn-Triều và tương lai cho ngoại giao khu vực

05/04/2018 08:45

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đã được lên lịch, đối thoại Trump-Kim đã được xác định và một cuộc đối thoại không chính thức Trung-Triều đã diễn ra hồi tuần trước.

Tất cả những sự kiện ngoại giao này và sự liên quan giữa các bên dường như báo trước một sự thay đổi cơ bản tình trạng khu vực trong nhiều năm tới.

Cuộc chơi lớn

Cộng đồng thế giới đánh giá cao đối thoại Trump-Kim, dù lịch trình còn chưa được ấn định. Tuy nhiên, dưới góc độ ngoại giao và tầm nhìn chiến lược, sự kiện này “dường như chỉ làm xáo trộn thêm tình hình”. Nội bộ giới chức Mỹ, bất đồng giữa các chuyên gia tình báo, các nhà ngoại giao với phần còn lại của Nhà Trắng ngày một gia tăng trong cách thức tiếp cận về vấn đề Triều Tiên. Tân Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và tân Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton đều thể hiện quan điểm cực đoan về vấn đề bán đảo Triều Tiên, giống với đương kim Tổng thống Donald Trump. “Sự đồng điệu” này vượt trên cả các nguyên tắc ngoại giao và cơ chế quốc tế, đồng thời khiến nội bộ chính quyền Mỹ lâm vào thế “gà nhà đá nhau”. Câu hỏi đặt ra là liệu với sự “nhúng tay đầy mưu toan lợi ích” của Mỹ, ngoại giao khu vực sẽ được cải thiện hay tình hình sẽ trở nên phức tạp?!


Bài toán ngoại giao ba bên Hàn-Mỹ-Triều và tương lai cho khu vực. Ảnh: Yonhap

Sự thay đổi lập trường trong đối thoại Mỹ-Triều sau 17 năm của chính quyền Donald Trump đã khiến cả thế giới chú ý. Giới chức Nhà Trắng đang gấp rút tập hợp một đội ngũ các nhà ngoại giao kỳ cựu nhằm đàm phán với Bình Nhưỡng và củng cố lại vai trò chiến lược của Mỹ tại khu vực. Theo nhận định từ chính giới, triển vọng đàm phán Mỹ-Triều sẽ sớm kết thúc nếu Tổng thống Donald Trump không thể tạo ra một “bộ bài” ưng ý.

Trở lại hội nghị thượng đỉnh hai miền Triều Tiên, được ấn định vào ngày 27.4 tới đây. Sự kiện được giới chuyên gia kỳ vọng sẽ tái lập lại các hoạt động ngoại giao cũng như tăng cường các hoạt động giao thương. Đây là bước đệm cho sự phát triển chung hai miền trong ngắn hạn cũng như tầm nhìn trung hạn sắp tới. Về dài hạn, sự phát triển chung hai miền bán đảo sẽ phụ thuộc vào việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt từ phía Liên hợp quốc nhằm vào Triều Tiên, một vấn đề mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ phải tìm ra “nước cờ thông minh” để xử lý. Đây có thể là lý do giải thích cho động thái của Nhà Xanh trong việc lôi kéo Tổng thống Mỹ Donald Trump vào đối thoại khi phương Tây chưa hề có sự chuẩn bị. 

“Cuộc chơi lớn” giữa Mỹ và Triều Tiên đã bắt đầu. Đối thoại Trump-Kim sẽ khó đạt kết quả nếu các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng không có dấu hiệu được gỡ bỏ. Song, nếu các lệnh trừng phạt này được nới lỏng, chính Washington sẽ lâm vào thế khó, và không thể tuyên bố rằng Bình Nhưỡng “chịu nhượng bộ” bởi sức ép từ Mỹ. Chính thế cờ tréo ngoenày đã khiến Donald Trump phải tung ra một “quân bài” cuối. Trong tuyên bố mới đây từ Nhà Trắng, chính quyền Mỹ sẽ “đóng băng” một số hiệp định thương mại với Hàn Quốc. Giới quan sát cho rằng động thái này nhằm buộc Seoul phải nhượng bộ. Thông điệp ngầm mà Nhà Trắng đưa ra là Seoul “phải đánh đổi” nếu muốn hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Đây là một thế cờ ngoại giao ba bên phức tạp, tuy nhiên dường như lại chính là điều Tổng thống Hàn Quốc mong muốn, đó là chấp nhận các cuộc tranh cãi ngoại giao kéo dài thay vì xung đột quân sự.

Trong bối cảnh đó, chính quyền Seoul cần có bước đi khôn ngoan nhằm bảo đảm rằng sự can thiệp của Mỹ vào khu vực chỉ mang tính “tham khảo”. Nhà Trắng sẽ chỉ có thể “bước đi song song” chứ không thể can thiệp trực tiếp vào chiến lược trung và dài hạn giữa hai miền hay bất kỳ sáng kiến nào trong khu vực. Điều này sẽ buộc chính quyền Mỹ trong tương lai phải cân nhắc nghiêm túc trong cách thức tiếp cận cũng như can thiệp vào khu vực.

Về tổng thể, Seoul đang đảm nhận vai trò dẫn dắt thế cờ ba bên Mỹ-Hàn-Triều. Theo đó, điều quan trọng hơn bao giờ hết đặt ra đối với người đứng đầu Nhà Xanh, đó là cần tìm cách tranh thủ sự ủng hộ tối đa của Liên hợp quốc về vấn đề Triều Tiên, thuyết phục tổ chức lớn nhất thế giới này đảm nhận vai trò hỗ trợ đa phương. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) giám sát các hoạt động hạt nhân, Hội Chữ thập đỏ giám sát các hoạt động nhân đạovà cuối cùng là vai trò liên kết chung của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Trước viễn cảnh suy giảm ảnh hưởng ngoại giao tích cực cũng như quan điểm từ bỏ các cơ chế đa phương và quốc tế của Nhà Trắng, Liên hợp quốc có thể sẽ là “bên thứ ba” đảm nhận vai trò dẫn dắt khu vực một cách hiệu quả.

Miếng bánh chung

“Thế cờ bí” trong suốt hơn 15 năm được giải. Tình hình bán đảo Triều Tiên lại đột ngột nhận được “sự can thiệp ngọt ngào” từ Mỹ. Đâu là lý do?

Đầu tiên, tuy chính quyền Washington hiện tại thiếu khả năng trong việc ra quyết định chiến lược ngoại giao so với quá khứ, song vai trò của Mỹ lại linh hoạt hơn bao giờ hết. Thứ hai, chính quyền Seoul hiện nay được dẫn dắt bởi một nhà lãnh đạo có tư tưởng tiến bộ, đặc biệt là Tổng thống Moon Jae-in đang gặp đúng thời điểm hơn so với những người tiền nhiệm. Thứ ba, Triều Tiên đã có một nền chính trị ổn định hơn và cùng với đó là sức mạnh quân sự được cải thiện. Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đang đứng trước bối cảnh quốc tế thuận lợi chưa từng có trong suốt 17 năm qua, mặc dù sức ép từ các lệnh trừng phạt là không hề nhỏ.

Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn đang trong thế bị cô lập và nghèo nàn. Trong quá khứ, Bình Nhưỡng mở cửa ngoại giao là bởi những cam kết từ Hàn Quốc, Mỹ và cộng đồng quốc tế trong việc giúp nước này phát triển kinh tế. Điều này buộc Bình Nhưỡng phải tranh thủ sự ủng hộ từ Bắc Kinh. Đối thoại Trung-Triều vừa qua chính là câu trả lời cho việc tìm kiếm sự bảo đảm an ninh từ Trung Quốc trước các mối đe dọa quân sự từ Mỹ, cũng như giúp gỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng một cách nhanh chóng. Mặt khác, “sự thân thiết” trong mối quan hệ Trung-Triều sau sự kiện này cũng sẽ giúp Bình Nhưỡng tự tin hơn và dám bắt đầu các kế hoạch đàm phán mà không hoàn toàn dựa trên khả năng hạt nhân.

Trong ngắn hạn, đối thoại giữa các bên có thể sẽ giúp Washington thuyết phục Bình Nhưỡng trong việc phóng thích ba con tin người Mỹ đang bị giam giữ tại Triều Tiên, gia tăng lòng tin người dân Mỹ vào chính sách bảo hộ công dân dưới thời Donald Trump. Đồng thời tìm kiếm cơ hội “đóng băng” chương trình phát triển hạt nhân của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Về dài hạn, một thời kỳ mới đang mở ra cho khu vực, hướng đến sự liên kết ngoại giao sâu rộng hơn, phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng và giảm thiểu các mối nguy an ninh. 


Mối quan hệ Trung-Triều trước các cuộc đối thoại thượng đỉnh. Ảnh: SCMP

Về phần mình, tầm nhìn của Trung Quốc buộc Bắc Kinh phải gia tăng vai trò và ảnh hưởng tại khu vực, đặc biệt là đối với Triều Tiên. Chủ tịch Tập Cận Bình đang trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ thứ hai trên cương vị của nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông. Dưới chiến lược “vẽ lại luật chơi chung”, bảo vệ lợi ích của Trung Quốc đối với Triều Tiên, rất có thể Bắc Kinh sẽ có những động thái nhằm gia tăng vị thế của Bình Nhưỡng tại các cuộc đàm phán thượng đỉnh sắp tới. Cuộc gặp không chính thức Kim Jong-un và Tập Cận Bình vừa rồi một lần nữa nhắc nhở các bên về vai trò không nhỏ của Bắc Kinh về vấn đề bán đảo Triều Tiên.

Một Washington linh hoạt, một Seoul tiến bộ và một Bình Nhưỡng ổn định, đó là nền tảng cho việc tháo gỡ thế bí chung suốt thời gian qua. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các bên tranh thủ lợi ích tối đa về mình. Miếng bánh chung sẽ được chia nhỏ và thế cờ tiếp theo sẽ phụ thuộc phần lớn vào sự tài tình của chính quyền Hàn Quốc.

HÀ KIÊN(dịch và tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ-Hàn-Triều và tương lai cho ngoại giao khu vực