Leo thang căng thẳng Nga - Thổ

25/11/2015 10:25

Hành động bắn rơi máy bay chiến đấu Nga có thể đẩy quan hệ Moscow - Ankara căng thẳng trong bối cảnh Nga và phương Tây đang đẩy mạnh chiến dịch tiêu diệt IS.



Máy bay Su-24 của Nga bị bắn rơi hôm 24-11


Tổng thống Putin nổi giận


Ngày 24-11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phản ứng đầy giận dữ sau vụ không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu Nga ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria. Theo RIA, từ Moscow ông Putin tuyên bố: “Sự tổn thất hôm nay là cú đòn đánh sau lưng của những kẻ đồng mưu với khủng bố. Máy bay của chúng tôi bị bắn hạ trên lãnh thổ Syria. Các phi công và máy bay không hề đe dọa lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi bị đâm từ sau lưng với cú đòn tấn công chiếc máy bay đang chống khủng bố”.

Tổng thống Nga cảnh báo: “Sự kiện bi kịch hôm nay sẽ có hậu quả nghiêm trọng đối với quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Từ trước đến nay chúng tôi luôn coi Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ như một nước láng giềng mà còn như một quốc gia bạn bè. Thay vì liên hệ với chúng tôi, họ lại thảo luận với các đồng minh NATO về vụ việc này. Như thể là chúng tôi bắn rơi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ vậy”.

Ông Putin khẳng định nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) kiếm hàng trăm triệu USD từ buôn dầu từ lãnh thổ chúng chiếm được ở Syria tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó máy bay chiến đấu Nga chỉ làm nhiệm vụ chặn dòng tiền của IS chứ không hề xâm phạm Thổ Nhĩ Kỳ. “Phải chăng là Thổ Nhĩ Kỳ muốn NATO phục vụ IS? Tôi hiểu rằng mọi quốc gia đều có lợi ích khu vực riêng và chúng tôi luôn tôn trọng họ. Nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ dung thứ những tội ác như những gì đã xảy ra hôm nay”, ông Putin nhấn mạnh.

Theo Reuters, hãng du lịch Natalie Tours, một trong những công ty du lịch lớn nhất nước Nga tuyên bố tạm dừng bán các chuyến tour đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đã hủy chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ “thể hiện ý chí chính trị”

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khẳng định máy bay Nga đã xâm phạm không phận nước này và trước khi bắn tên lửa, hai máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh cáo máy bay Nga 10 lần. Theo quy định của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, nếu máy bay nước ngoài đến gần không phận nước này khoảng 20 km thì máy bay Thổ sẽ ra cảnh báo. Nếu máy bay nước ngoài tiến vào phạm vi 8 km tính từ không phận Thổ Nhĩ Kỳ thì nước này sẽ triển khai máy bay F-16 ngăn chặn và tiếp tục ra cảnh báo. Và nếu máy bay nước ngoài đi vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ thì sẽ bị bắn hạ. Một số chuyên gia phương Tây nhận định quy trình nghiêm ngặt này cho thấy nhiều khả năng máy bay Nga đã xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn trang tin Trend, tướng về hưu Armagan Kuloglu của lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định bằng hành động bắn rơi máy bay Nga, chính quyền Ankara thể hiện “ý chí chính trị” và quyết tâm ngăn chặn nước ngoài xâm phạm không phận. “Thổ Nhĩ Kỳ không cần biết quốc gia nào xâm phạm không phận”, tướng Kuloglu khẳng định. Ông nhấn mạnh trước khi máy bay Nga bị bắn hạ, không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần cảnh báo cho phi công Nga là máy bay đã xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ.

Tướng Kuloglu không loại trừ khả năng một cuộc khủng hoảng chính trị giữa hai nước sẽ nổ ra. “Nhưng do tầm quan trọng của quan hệ chính trị và kinh tế song phương, cuộc khủng hoảng này sẽ không kéo dài”, ông nhận định.

CNN dẫn lời chuyên gia Sajjan Gohel thuộc Tổ chức Asia-Pacific Foundation mô tả vụ bắn máy bay là “sự leo thang vô cùng nghiêm trọng”. Ông cho rằng đây là tình huống “bất khả kháng” vì trước đó căng thẳng hai nước liên tục leo thang và Thổ Nhĩ Kỳ từng nhiều lần cảnh báo Nga về việc vi phạm không phận. “Đây là điều đáng tiếc, đặc biệt sau vụ tấn công khủng bố Paris. Bởi trước đó đã có hi vọng rằng Nga và phương Tây sẽ lập liên minh chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Vụ việc này sẽ khiến mọi thứ trở nên rắc rối”, ông Gohel nhấn mạnh.



Phiến quân nổi dậy khẳng định họ đã bắn chết cả 2 phi công Nga nhảy dù ra khỏi máy bay.
Trong ảnh: Một phần thiết bị dù của các phi công Nga được các nhóm nổi dậy ở Syria nhặt được


Căng thẳng Nga - Thổ âm ỉ đã lâu


Trên thực tế, căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã âm ỉ từ khi Moscow mở chiến dịch không kích tại Syria ngày 30-9 để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Hồi tháng 10, máy bay chiến đấu Nga đã vài lần xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố: “Quan hệ tích cực giữa chúng tôi và Nga là điều ai cũng biết. Nhưng nếu Nga đánh mất một người bạn như Thổ Nhĩ Kỳ thì Nga sẽ thiệt hại rất nhiều”.

Từ khi chiến tranh Syria bùng nổ hồi 4 năm trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện rõ quan điểm ủng hộ các nhóm nổi dậy chống Tổng thống Assad. Ankara chỉ trích dữ dội chiến dịch không kích của Nga ở Syria chỉ hỗ trợ quân đội của ông Assad chứ không hề chống IS như tuyên bố của Điện Kremlin.

Chính quyền Ankara cũng lo ngại việc Nga can thiệp quân sự vào Syria có thể khiến thêm nhiều người tị nạn Syria chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ. Hồi tháng 10, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus cảnh báo có thể sẽ có thêm 1 triệu người Syria chạy sang nước này. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đã đón gần 2 triệu người Syria và đang rất chật vật với dòng người tị nạn này.

Hai phi công Nga bị bắn chết

Nguồn tin báo Telegraph cho biết quân nổi dậy Turkmen (người Syria gốc Thổ) khẳng định đã bắn chết cả hai phi công Nga khi họ nhảy dù khỏi chiếc máy bay rơi. Tuy nhiên một số nguồn tin khác cho biết chỉ một phi công bị quân nổi dậy Syria bắn chết, còn một người mất tích.


PHƯƠNG LINH(tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Leo thang căng thẳng Nga - Thổ