Hội nghị thượng đỉnh liên Triều: Bài toán ngoại giao hóc búa

15/02/2018 07:40

Những ngày vừa qua, dưới hiệu ứng “ngoại giao thể thao”, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã đón nhận nhiều tín hiệu tích cực.

Tan băng

Sau chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Hàn Quốc tham dự lễ khai mạc Olympic mùa đông Pyeongchang 2018, đoàn đại biểu cấp cao Triều Tiên đã hoàn thành sứ mệnh ngoại giao và trở về nước. Mục đích đầu tiên của chuyến thăm là cổ vũ đoàn vận động viên Triều Tiên tham gia thi đấu và thể hiện ý thức, trách nhiệm chung của Bình Nhưỡng đối với một trong những sự kiện thể thao quốc tế quan trọng nhất trong năm. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên Kim Jong-nam và Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Kim Yo-jong, em gái đồng thời là Đặc phái viên của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã hoàn thành một sứ mệnh ngoại giao khác.

Theo tờ ChosunIlbo, sau cuộc tiếp kiến kéo dài 2 giờ 40 phút tại Nhà Xanh, bà Kim Yo-jong đã chuyển bức thư kèm theo lời mời tới thăm Bình Nhưỡng đến Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Bức thư dài gần một trang và được chính Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un viết tay mời Tổng thống Hàn Quốc sang thăm Bình Nhưỡng “vào thời điểm thích hợp”, để tham dự hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba, sau hai lần hội nghị trước diễn ra vào năm 2000 và 2007. Đáp lại lời mời, ông chủ Nhà Xanh bày tỏ hy vọng rằng một loạt những “điều kiện thích hợp” sẽ được cả hai bên tạo ra nhằm biến lời đề nghị trên thành hiện thực. 

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bắt tay bà Kim Yo-jong. Ảnh: Yonhap

Đánh giá về lời mời trên, Chủ tịch Đảng Dân chủ cầm quyền Choo Mi-ae cho rằng hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần này sẽ là bước đi đầu tiên đầy ý nghĩa nhằm hướng tới việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Phát biểu tại cuộc họp với các lãnh đạo đảng này, bà Choo nói: “Một hội nghị thượng đỉnh liên Triều nên được tổ chức. Đây sẽ là một điểm khởi đầu đầy ý nghĩa nhằm tiến đến việc phi hạt nhân hóa tại bán đảo Triểu Tiên.”

Đề xuất trên được coi là diễn biến mới nhất trong loạt “tín hiệu tan băng” giữa hai miền bán đảo sau các cuộc trình diễn được đánh giá cao của đoàn nghệ thuật Triều Tiên tại Hàn Quốc cũng như cuộc diễu hành chung của đoàn vận động viên hai miền dưới lá cờ thống nhất trong lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018 vừa qua. 

Về phía Bình Nhưỡng, trong cuộc họp với phái đoàn Triều Tiên trở về từ Hàn Quốc, lãnh đạo Kim Jong-un bày tỏ sự cảm kích trước sự đón tiếp và hỗ trợ nhiệt thành của Seoul đã dành cho phái đoàn. Theo hãng thông tấn Triều Tiên (KCNA), ông Kim đã đưa ra các chỉ đạo tiếp theo nhằm cải thiện mối quan hệ liên Triều.

Vấn đề đặt ra bây giờ là làm thế nào để Seoul có thể phối hợp cùng Washington và các đồng minh nhằm biến lợi thế ngoại giao này trở thành một cơ hội cho đối thoại về vấn đề phi hạt nhân hóa.

Thách thức ngoại giao

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba này rõ ràng sẽ là một bước tiến đáng kể nhằm cải thiện tình trạng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, vẫn còn đó những “thách thức ngoại giao” cần phải giải quyết. Hãng tin Yonhap dẫn lời Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho biết: “Có một tình hình ngoại giao mới đang chờ Bộ Ngoại giao (Hàn Quốc) sau Thế vận hội mùa đông Pyeongchang”. Bà Kang đang ám chỉ thách thức trong việc phối hợp chính sách với Triều Tiên sau đề xuất bất ngờ của Bình Nhưỡng về cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần ba.

Nội bộ Hàn Quốc bắt đầu xuất hiện những quan điểm trái chiều về để xuất trên. Theo phát ngôn viên Đảng Hàn Quốc Tự do Chang Je-won, trong chuyến thăm 3 ngày của phái đoàn Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã 4 lần gặp bà Kim Yo-jong nhưng chưa lần nào đưa được vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vào chương trình nghị sự. Theo ông Chang, hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần này sẽ không có ý nghĩa gì “trừ phi đây là tiền đề cho việc phi hạt nhân hóa”. Đồng quan điểm, Chủ tịch Đảng Bảo thủ Bareun Yoo Seong-min cho rằng điều Seoul cần làm là tối đa các lệnh trừng phạt và gây áp lực lên phía Bình Nhưỡng, đồng thời tiến hành tập trận chung Mỹ - Hàn ngay sau khi kết thúc Thế vận hội. Theo ông Yoo, sự an toàn của Hàn Quốc sẽ bị ảnh hưởng nếu Seoul tiến hành hội nghị thượng đỉnh với Bình Nhưỡng mà không thể giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Các quốc gia đồng minh của Hàn Quốc cũng bày tỏ quan ngại và cho rằng Triều Tiên trước hết cần có các động thái phi hạt nhân hóa trước khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh. Theo trang điện tử của tờ Người đưa tin Hàn Quốc (Korea Herald), ông Shin Beom-chul, giảng viên tại Học viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc nhận định Seoul sẽ đối mặt với một sự lựa chọn khó khăn. Ông Shin cho rằng sẽ rất khó để Seoul vừa cùng Washington và các đồng minh gia tăng sức ép nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên vừa tạo lòng tin với Bình Nhưỡng nhằm tiến hành hội nghị thượng đỉnh. Thể hiện quan điểm của Washington, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết Mỹ sẽ vẫn tiếp tục cùng Hàn Quốc và Nhật Bản duy trì các lệnh trừng phạt nhằm cô lập kinh tế và ngoại giao Triều Tiên trừ phi Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân.

Trong một diễn biến khác, trước khi diễn ra Olympic Pyeongchang, Mỹ - Hàn đã cùng quyết định trì hoãn thời gian tiến hành cuộc tập trận chung thường niên Giải pháp then chốt và Đại bàng non (Key Resolve and Foal Eagle), vốn dự kiến tiến hành vào thời điểm đầu mùa xuân. Đây được coi là động thái nhằm hạ nhiệt căng thẳng trong suốt kỳ Thế vận hội. Tuy nhiên, cuộc tập trận sẽ được triển khai vào đầu tháng 4, ngay sau khi kết thúc Olympic ngày 18.3 tới đây. Trong lễ khai mạc sự kiện thể thao này, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã tìm mọi cách để tránh gặp các quan chức Triều Tiên, thậm chí còn từ chối bắt tay họ tại lễ khai mạc. Các cử chỉ đó rõ ràng thể hiện một quan điểm cứng rắn của Washington về vấn đề Triều Tiên, đồng thời có thể khiến chiến dịch “làm lành” giữa hai miền bán đảo Triều Tiên kết thúc sớm.

Theo nhận định của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, còn quá sớm để khẳng định hoạt động ngoại giao liên Triều tại Olympic Pyeongchang mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Rõ ràng, còn quá nhiều vấn đề cần được giải quyết trước khi tiến hành đối thoại liên Triều. Một hội nghị thượng đỉnh nếu không thể đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa sẽ chỉ khiến cả thế giới lên án, đồng thời cũng có thể dập tắt các cuộc đàm phán khác về vấn đề hiện diện quân sự Mỹ tại bán đảo Triều Tiên.

Có thể thấy, hai miền bán đảo Triều Tiên đều chủ động thúc đẩy hòa giải trong bối cảnh chưa có tiến triển về vấn đề hạt nhân. Động thái này có thể sẽ dấy lên quan ngại đối với các cường quốc liên quan như Mỹ, Nhật, Trung Quốc và Nga. Tất cả các bên đều muốn duy trì vai trò cũng như ảnh hưởng lên cả hai miền bán đảo. Seoul và Bình Nhưỡng đều muốn duy trì xu thế đối thoại, hợp tác sau Olympic, tuy nhiên sẽ khó có triển vọng vì vấp phải sự ngăn cản của các bên liên quan. Một bài toán ngoại giao đã được đưa ra, có thể Bình Nhưỡng đang “lợi dụng” Seoul nhằm làm giảm sức ép cấm vận về đối ngoại và kinh tế, đồng thời gây chia rẽ nội bộ giữa Hàn Quốc và các đồng minh. Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần này có thể diễn ra hay không, có lẽ không chỉ phụ thuộc vào quyết định của hai miền Triều Tiên.

HÀ KIÊN 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hội nghị thượng đỉnh liên Triều: Bài toán ngoại giao hóc búa