Đưa quân vào Syria, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ chống IS

27/08/2016 08:16

Tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ khi mở chiến dịch “Lá chắn sông Euphrates” không đơn giản là quét sạch IS mà còn nhắm vào các lực lượng người Kurd bên kia biên giới.


Đưa quân vào Syria, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ chống IS

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ trên đường di chuyển tới thị trấn Jarablus - Ảnh: Reuters

Mục đích thật sự của Thổ Nhĩ Kỳ?

Hãng tin Reuters ngày 26-8 cho biết ngày 24-8, chỉ trong vài giờ đầu của chiến dịch, đặc nhiệm, xe tăng và máy bay Thổ Nhĩ Kỳ đồng loạt tấn công vào hơn 80 mục tiêu trọng yếu của IS tại thị trấn Jarablus của Syria - thành trì cung cấp vật tư, tài chính cho IS.

Kiểm soát chóng vánh thị trấn chiến lược ở biên giới, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tập hợp và tổ chức lại lực lượng, tiếp tục tấn công vào cả các lực lượng người Kurd trong khu vực, vốn được Mỹ hậu thuẫn.

Một nguồn tin an ninh từ Ankara tiết lộ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nã pháo vào Lực lượng tự vệ nhân dân người Kurd (YPG) đóng tại phía nam thị trấn Jarablus ngày 25-8. Hãng thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ miêu tả đó chỉ là đòn cảnh cáo của Ankara.

Theo Faysal Itani, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Trung Đông Rafik Hariri thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, Ankara muốn chặn đứng kế hoạch hình thành một vùng lãnh thổ liên tục của người Kurd dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Điều này thể hiện rõ qua tuyên bố của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim ngày 24-8 rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ chấp nhận một thực thể của người Kurd ở sát biên giới.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trước đó cũng không giấu giếm rằng các hoạt động quân sự trên nhắm vào cả IS và YPG.

Ankara luôn coi YPG là một nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ly khai đang hoạt động ở phía nam nước này. Trong khi đó, Washington lại xem YPG là một đồng minh trong cuộc chiến chống IS.

Theo CNN, việc tấn công vào Jarablus chỉ là “đòn phủ đầu” của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đẩy IS ra khỏi biên giới càng xa càng tốt, tạo một vùng đệm an toàn, ngăn chặn từ xa các vụ xâm nhập vào nước này.

Tuy nhiên, nếu muốn đánh bật hoàn toàn IS ra khỏi Jarabulus và các khu vực xung quanh, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phải mất một thời gian dài mới có thể làm được điều này. Ngay cả Mỹ và các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn ở Syria phải mất nhiều tuần liền mới có thể giải phóng Manbij.

Một trong những nguy cơ lớn nhất đó là thiệt hại về người. IS thường dùng dân thường để làm lá chắn sống, ép họ không được rời khỏi khu dân cư, khiến cho việc xác định chính xác vị trí của các phiến quân rất khó khăn.

Sự xuất hiện của xe tăng và bộ binh Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống IS có thể xem là một dấu hiệu tích cực, song việc ngang nhiên đưa quân sang một quốc gia có chủ quyền như Syria là hành động không thể chấp nhận được trong quan hệ quốc tế.

Hòn đá tảng trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ

Việc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công cả các lực lượng người Kurd ở Syria cho thấy sự mâu thuẫn trong lập trường giữa Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh Mỹ.

Trong khi Washington xem YPG như một đồng minh đáng tin cậy trong cuộc chiến chống IS tại Syria thì Ankara lại xem đó là sự đe dọa.

Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã xem YPG là cái gai trong mắt vì mối liên hệ chặt chẽ giữa lực lượng này với lực lượng người Kurd ly khai tại Thổ. Kể từ khi cuộc nội chiến ở Syria bắt đầu vào năm 2011, Ankara luôn cảnh giác trước các báo cáo YPG đang tăng cường hiện diện ở miền bắc Syria, giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và lo ngại lực lượng này có thể ngày càng mở rộng khu vực kiểm soát, cũng như hỗ trợ cho các phần tử ly khai trong nước.

Được biết, các lực lượng quân sự của người Kurd tại Syria là xương sống trong Lực lượng Syria dân chủ (SDF) do Mỹ hậu thuẫn và được thành lập từ tháng 10-2015 để chống IS.

Được Washington bật đèn xanh, các lực lượng người Kurd đã bắt đầu chuyển quân về phía tây sông Euphrates vào đầu tháng này để dồn sức tấn công thành trì Manbij của IS. Đến thời điểm hiện tại, chiến dịch giải phóng Manbij đã kết thúc, IS phải tháo chạy song sự hiện diện của các lực lượng này khiến Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy khó chịu.

Nguyên nhân là do Ankara xem sông Euphrates là giới hạn đỏ cho các hoạt động của YPG. Thủ tướng Yildirim tuyên bố quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không dừng chiến dịch quân sự cho tới khi nào YPG quay về phía đông sông Euphrates và nhấn mạnh lực lượng này có một tuần để làm điều đó.

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Fikri Isik cáo buộc YPG đang âm mưu kéo dài vùng kiểm soát từ phía đông sang phía tây thị trấn Jarablus.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ ngày 25-8 đã phải lên tiếng trấn an rằng các lực lượng người Kurd đang rút lui về bờ đông sông Euphrates đúng như Ankara đã yêu cầu.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Isik nhấn mạnh việc rút quân của người Kurd vẫn chưa xong và cảnh báo “nếu YPG không rút về phía đông sông Euphrates, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền làm tất cả mọi chuyện liên quan”.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đưa quân vào Syria, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ chống IS