Còn nhiều thách thức trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung Quốc

14/10/2019 20:33

Nhìn vào những thiệt hại đối với hai nước trong cuộc chiến thương mại đã kéo dài hơn một năm, có thể thấy chặng đường để đi đến một thỏa thuận toàn diện sẽ còn rất nhiều thách thức.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (phải), Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (trái) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (giữa) tại vòng đàm phán ở Washington DC, Mỹ ngày 10.10. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau vòng đàm phán thương mại cấp cao thứ 13 tại thủ đô Washington (Mỹ), Trung Quốc và Mỹ đã tuyên bố đạt được một phần thỏa thuận thương mại, tạo tiền đề cho việc ký kết một thỏa thuận toàn diện giúp hai nước chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài nhiều tháng qua. Tuy nhiên, nhìn vào những thiệt hại đối với hai nước trong cuộc chiến thương mại đã kéo dài hơn một năm, có thể thấy chặng đường để đi đến một thỏa thuận toàn diện sẽ còn rất nhiều thách thức.

“Xoa dịu” rồi lại “trừng phạt”

Cuộc đàm phán thương mại cấp cao lần thứ 13 vừa diễn ra tại Washington diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã leo thang từ tháng 7.2018, hai nước liên tiếp bổ sung các mức thuế áp với hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD của nhau.

Từ ngày 1.9, chính quyền Tổng thống Mỹ Trump đã áp thuế 15% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tổng trị giá 125 tỷ USD, gồm loa thông minh, tai nghe bluetooth và nhiều loại giày dép. Còn Trung Quốc thì áp các mức thuế bổ sung 5% và 10% đối với 1.717 mặt hàng của Mỹ. Trung Quốc cũng áp thuế 5% đối với dầu thô của Mỹ.

Tuy nhiên, trong một cử chỉ được coi là “thiện chí”, ngày 11.9, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo miễn áp thuế bổ sung đối với 16 mặt hàng của Mỹ. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc rút một số mặt hàng của Mỹ ra khỏi danh sách áp thuế bổ sung mà Bắc Kinh nhằm trả đũa Washington trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang.

Theo đó, để tạo không khí thuận lợi trước vòng đàm phán thương mại cấp cao thứ 13, danh mục thứ nhất sẽ không bị Trung Quốc áp thuế bổ sung bao gồm 12 dòng hàng, trong đó có thủy sản và thuốc chống ung thư, các dòng hàng này sẽ được hoàn thuế đã áp trong vòng 6 tháng kể từ ngày quyết định có hiệu lực. Danh mục thứ hai gồm 4 dòng hàng thức ăn cho cá, máy y tế…, các mặt hàng này sẽ không bị áp thuế bổ sung song sẽ không được hoàn thuế đã đóng.

Đáp lại, cùng trong ngày 11.9, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nhất trí hoãn 2 tuần kế hoạch tăng thuế lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa vốn đang bị áp mức thuế 25%. Theo đó, số hàng hóa bị áp thuế 30% này sẽ được dời từ ngày 1.10 sang ngày 15.10. Những động thái trên cũng cho thấy hai nước đều có những bước đi để giảm bớt căng thẳng trong cuộc chiến thương mại gay cấn giữa hai nước.

Mặc dù vậy, ngay trước thềm đàm phán lần này chỉ 3 ngày, căng thẳng thương mại giữa hai nước lại có dấu hiệu bị đẩy lên khi Bộ Thương mại Mỹ ngày 7.10 có động thái liệt doanh nghiệp và cơ quan Trung Quốc vào "danh sách đen" với lý do vi phạm quyền của người thiểu số theo đạo Hồi, đồng thời Mỹ còn hạn chế visa đối với một số quan chức chính quyền Trung Quốc, khiến cho giới chuyên gia rất thận trọng trong đánh giá về triển vọng cải thiện quan hệ thương mại giữa hai nước bởi những động thái đều có thể là những "ngòi nổ" làm bùng phát những tranh cãi cũng như các màn trả đũa lẫn nhau từ hai phía.

Những điểm chính của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1

Tuy nhiên, kết thúc vòng đàm phán thương mại cấp cao thứ 13 lần này, hai nước đã tạm thời phá vỡ được thế bế tắc với việc đạt nhất trí về thỏa thuận một phần, hay còn gọi là thỏa thuận giai đoạn 1, nhằm làm giảm những thiệt hại “cấp bách” nhất của hai nền kinh tế.

Những điểm chính trong thỏa thuận giai đoạn 1 gồm:

Thứ nhất, đây là một thỏa thuận về nguyên tắc, mặc dù không có văn bản nào được ký kết sau vòng đàm phán này, song kết quả này đang đem lại những hiệu ứng lạc quan đối với cả hai bên vì đây là dấu hiệu cho thấy bất đồng trong vấn đề thương mại đã được thu hẹp, hai bên đang nỗ lực tạo lòng tin để hướng tới các cuộc đàm phán thực chất và hiệu quả trong tương lai gần.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết việc chuyển hóa kết quả đàm phán lần này thành văn bản sẽ mất ít nhất 5 tuần nữa, nhưng ông hy vọng tin tưởng có thể ký thỏa thuận chính thức với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi hai bên cùng tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại thủ đô Santiago của Chile vào ngày 16.11 tới.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết hai bên đã thông hiểu cơ bản về các vấn đề chính “nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm”.

Thứ hai là về vấn đề nông nghiệp, Trung Quốc đã cam kết sẽ nhanh chóng tăng lượng mua hàng nông sản của Mỹ lên từ 40 tỷ đến 50 tỷ đô la Mỹ mỗi năm, mức tăng hơn gấp đôi so năm 2017. Năm 2017, trước khi cuộc chiến thương mại bắt đầu, Trung Quốc đã nhập khẩu đến 19,5 tỷ USD sản lượng nông nghiệp của Mỹ, nhưng vào năm 2018 con số này giảm xuống chỉ còn hơn 9 tỷ USD.

Đổi lại cử chỉ thiện chí trên, chính quyền Mỹ sẽ ngừng việc áp thuế 250 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc dự kiến sẽ có thực hiện vào ngày 15.10 tới.

Thứ ba, về dịch vụ tài chính và tiền tệ, hai bên đã đạt được một số tiến bộ gồm mở cửa nền kinh tế Trung Quốc cho các dịch vụ tài chính và ngăn chặn việc thao túng đồng nhân dân tệ. Theo đó, Bắc Kinh đồng ý "minh bạch hơn" về cách định giá đồng nhân dân tệ và sẽ mở cửa thị trường cho các ngân hàng, các nhà cung cấp dịch vụ tài chính hàng đầu của Mỹ. Tuy nhiên, chi tiết của những thỏa thuận trong lĩnh vực này thì chưa được hai bên công bố.

Thứ tư, về chuyển giao công nghệ, Tổng thống Trump cho biết các cuộc đàm phán đã "đạt được tiến bộ rất tốt về chuyển giao công nghệ" - một điểm mấu chốt của xung đột Mỹ-Trung. Mặc dù không đưa ra chi tiết nhưng hai bên khẳng định có thể sớm đạt được thỏa thuận với việc các công ty Mỹ chia sẻ bí quyết để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Thứ năm, về sở hữu trí tuệ, hai bên đã đạt được thỏa thuận và một trở ngại khác đã được khắc phục. Nhà Trắng cho biết Bắc Kinh đồng ý tăng cường bảo vệ các tài sản trí tuệ của Mỹ.

Thứ sáu, về giải quyết tranh chấp, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết một cơ chế giải quyết tranh chấp đang được hai bên hoàn thiện. Cơ chế này được Mỹ xem là thiết yếu để thực thi bất kỳ thỏa thuận nào.

Vẫn còn nhiều thách thức

Những tiến bộ đạt được trong cuộc đàm phán này sẽ tạo tiền đề cho một thỏa thuận toàn diện mà Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể ký kết trong năm nay, mở ra hy vọng giúp chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn một năm qua gây tổn hại lớn không chỉ cho hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này mà còn khiến thị trường toàn cầu chao đảo.

Giới phân tích cho rằng việc chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại là một bước đi khẩn cấp và quan trọng đối với việc khôi phục thương mại như một động lực tăng trưởng, và tùy thuộc vào cách cuộc chiến đó kết thúc, nó có thể là kết quả có lợi cho cả Mỹ và Trung Quốc cũng như cho nền kinh tế toàn cầu.

Chuyên gia kinh tế Gregory Daco của Oxford Economics nhận định thỏa thuận về giai đoạn 1 đạt được lần này có thể giúp tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2020 ít thiệt hại hơn đôi chút, với mức giảm 0,5% thay vì giảm 0,6% nếu cuộc chiến thương mại vẫn tiếp diễn.

Về phía Trung Quốc, thỏa thuận "một phần" cũng sẽ giúp chính phủ nước này tháo gỡ được những khó khăn kinh tế đang bủa vây kể từ khi Mỹ bắt đầu cuộc chiến thương mại. Những vấn đề mà chính phủ Trung Quốc đang phải đối mặt như tình trạng các công ty nước ngoài ra đi hoặc chuyển đổi mô hình sản xuất, dòng vốn đầu tư bị thắt chặt, thị trường tài chính không ổn định, tình trạng người lao động phổ thông phải thắt lưng buộc bụng do thất nghiệp, khủng hoảng thiếu thịt lợn do dịch tả lợn châu Phi tại nước này... có thể được giải quyết trong thời gian tới.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cũng đã nhận định, thỏa thuận thương mại một phần giữa Mỹ và Trung Quốc vừa đạt được chỉ là biện pháp hoãn tăng thuế tạm thời bởi vì thỏa thuận này chưa có nhiều chi tiết cụ thể và bỏ lại các vấn đề gai góc cho các cuộc đàm phán tiếp theo.

Nhà nghiên cứu của Viện Paulson, Song Houze, nhận định: "Sự tồn tại của những vấn đề gai góc như các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước và lĩnh vực công nghệ khiến hai nước khó đạt được một thỏa thuận lớn, điều đó có nghĩa rằng thuế quan hiện nay nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì".

Và thực tế đến nay, các chuyên gia cho rằng Tổng thống Trump vẫn chưa hề từ bỏ ý định sẽ áp thuế lên thêm 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15.12 tới, vốn sẽ mở rộng đánh thuế lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ. Đợt đánh thuế này sẽ bao gồm một loạt các mặt hàng tiêu dùng, bao gồm quần áo, đồ chơi và điện thoại thông minh và sẽ tác động trực tiếp đến túi tiền của người tiêu dùng Mỹ.

Vì vậy, kết quả của vòng đàm phán thương mại lần thứ 13 giữa Mỹ và Trung Quốc thực chất vẫn chưa làm chuyển biến cơ bản cuộc xung khắc thương mại giữa hai bên. Cho đến nay, cả 3 vấn đề khúc mắc nhất và có ý nghĩa chiến lược nhất giữa hai bên thì vẫn chưa được giải quyết và cũng chưa thấy có triển vọng được giải quyết.

Thứ nhất là cuộc “tấn công” của Mỹ nhằm vào kế hoạch "Made in China 2025" của Trung Quốc. Các nhà phân tích cho rằng chừng nào Mỹ chưa làm cho Trung Quốc bị phá sản hay không thành công với kế hoạch này, chừng đó Mỹ còn cạnh tranh chiến lược quyết liệt với Trung Quốc.

Thứ hai là Mỹ vẫn chưa có được những biện pháp và cơ chế hiệu quả để giám sát và kiểm chứng việc Trung Quốc thực hiện những cam kết với Mỹ về mở cửa thị trường, sửa đổi chính sách đầu tư nước ngoài, bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ và bí quyết công nghệ cũng như thật sự không thao túng tiền tệ.

Thứ ba là Mỹ vẫn chưa giảm được đáng kể mức độ thâm hụt khổng lồ trong cán cân trao đổi thương mại song phương với Trung Quốc, trong khi việc giảm mức thâm hụt này là một trong những cam kết tranh cử tổng thống trọng tâm của Tổng thống Trump vào năm 2020 tới.

Do đó, nhiều doanh nghiệp Mỹ-Trung vẫn rất thận trọng và cho rằng thỏa thuận một phần vừa đạt được chỉ mang ý nghĩa là giảm chút ít thiệt hại chứ chưa thực sự giải quyết được hết các vấn đề trong quan hệ thương mại hai nước. Thách thức phía trước để đi đến một thỏa thuận toàn diện vẫn còn rất lớn.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Còn nhiều thách thức trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung Quốc