"Bản sắc riêng" của tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga

18/09/2020 15:25

Tân Thủ tướng Nhật Bản cam kết tiếp tục các chính sách kinh tế của người tiền nhiệm và khẳng định ưu tiên hàng đầu của ông tại thời điểm này là ứng phó với dịch Covid-19.


Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga

Nhiều chính sách mới

Những tuyên bố của ông Suga tại cuộc họp báo chính thức đầu tiên trên cương vị Thủ tướng tổ chức tối 16.9 cho thấy nhiều khả năng vị lãnh đạo mới của Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp nối các chính sách kinh tế, an ninh và đối ngoại của người tiền nhiệm Shinzo Abe, đồng thời đưa ra các chính sách mới nhằm thể hiện bản sắc riêng.

Về chính sách kinh tế, ngay trong chiến dịch tranh cử chức Chủ tịch Đảng Dân chủ tự do (LDP), ông Suga đã cam kết sẽ tiếp tục các chính sách kinh tế Abenomics, trong đó có việc duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng, đồng thời duy trì chương trình kích cầu du lịch nội địa “Go To Travel” nhằm mang lại sức sống mới cho ngành du lịch, vốn đang gặp nhiều khó khăn vì dịch Covid-19.

Tuy nhiên, điểm khác biệt trong chính sách kinh tế của Thủ tướng Suga (Suganomics) so với người tiền nhiệm có thể nằm ở chính sách tài khóa. Thay vì chính sách tăng cường chi tiêu công để kích thích tăng trưởng của người tiền nhiệm, ông Suga có thể sử dụng cách tiếp cận ôn hòa hơn, đó là kết hợp giữa chính sách tài khóa mở rộng và các cải cách chi tiêu. Tân Thủ tướng Suga có thể sẽ không giảm thuế tiêu dùng, hiện đang đứng ở mức 10%, nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế theo đề xuất của một số nghị sĩ LDP. 

Một trong những ưu tiên chính sách khác của Thủ tướng Suga là khống chế dịch Covid-19. Ông không ủng hộ ý tưởng sửa đổi luật đặc biệt về phòng chống các bệnh truyền nhiễm, vốn là cơ sở để người tiền nhiệm Abe ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch Covid-19 ở Nhật Bản hồi tháng 4, theo hướng cho phép chính phủ có thêm quyền buộc các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa tạm thời.

Trong lĩnh vực hành chính, ông Suga cam kết thúc đẩy các cải cách hành chính nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các bộ, ngành. Ông Suga đã đưa ra ý tưởng xóa bỏ sự phân chia theo chiều dọc giữa các bộ, ngành nhằm mang lại sức sống mới cho Nhật Bản. Bên cạnh đó, ông Suga dự định sẽ thiết lập một cơ quan thuộc chính phủ nhằm chỉ đạo thống nhất chính sách số hóa ở tất cả các bộ, ngành. 

Hơn thế nữa, ông Suga dự định sẽ tái tổ chức Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi (MHLW) nhằm tăng hiệu quả hoạt động của cơ quan này. Quan điểm của ông là MHLW có ngân sách rất lớn và đã từng có các vấn đề về lương hưu, trong khi dịch Covid-19 cũng là một vấn đề quan trọng mà bộ này không thể giải quyết một mình. Bởi vậy, Chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét vấn đề cơ cấu tổ chức của MHLW chừng nào dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát.

Liên quan tới khả năng sửa đổi Hiến pháp, ông Suga chủ trương sẽ tìm cách sửa đổi văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất này trên cơ sở các đề xuất về sửa đổi Hiến pháp mà LDP đã thông qua hồi năm 2018, trong đó có việc làm rõ sự tồn tại của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) trong điều 9 của Hiến pháp.

Đột phá về đối ngoại

Ông Suga khẳng định sẽ tiếp tục các chính sách đối ngoại và an ninh của người tiền nhiệm. Ông coi quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Bên cạnh đó, ông cho biết sẽ tiếp tục thực hiện “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở cửa” và nỗ lực hồi hương các công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970 và 1980.

Tuy nhiên, ông Suga phản đối ý tưởng thành lập tổ chức phòng thủ tập thể ở châu Á theo mô hình Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khi cho rằng nó có thể tạo ra xung đột giữa các nước thành viên.

Bên cạnh đó, ông Suga chủ trương xây dựng quan hệ ổn định với Trung Quốc và các nước láng giềng. Liên quan tới chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nhật Bản, ban đầu dự kiến diễn ra vào tháng 4.2020 nhưng đã bị hoãn vì dịch Covid-19, ông Suga nêu rõ hiện vẫn chưa phải là thời điểm quyết định về lịch trình của chuyến thăm này vì Nhật Bản cần ưu tiên cho các biện pháp đối phó với SARS - CoV-2.

Các nhà phân tích cho rằng với chính sách xây dựng mối quan hệ ổn định với các nước láng giềng như Trung Quốc, có lẽ tân Thủ tướng Suga coi trọng việc duy trì các mối quan hệ láng giềng và hợp tác khu vực Đông Á và đây có thể được coi là điểm đột phá về các vấn đề đối ngoại của ông trong tương lai.

Riêng đối với khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, giới phân tích nhận định nhiều khả năng Thủ tướng Suga sẽ tiếp tục các nỗ lực tăng cường quan hệ với khu vực này như người tiền nhiệm. Ông Masataka Fujita, Tổng Thư ký Trung tâm ASEAN-Nhật Bản (AJC) cho biết: “Cho dù bất cứ ai trở thành thủ tướng mới ở Nhật Bản, quan hệ với ASEAN và Việt Nam sẽ không thay đổi bởi vì trong quá khứ, ngay cả trong giai đoạn Nhật Bản thường xuyên có sự thay đổi ở vị trí thủ tướng, các mối quan hệ này cũng không thay đổi nhiều". 

Về đối ngoại, thách thức lớn nhất của ông Suga là tìm kiếm sự cân bằng trong quan hệ ngoại giao, giữa một bên là đồng minh an ninh chiến lược Mỹ và bên kia là Trung Quốc, đối tác thương mại chủ chốt. Những chính sách được ông Suga triển khai trong thời gian tới rõ ràng sẽ phải cân bằng giữa nhiệm vụ chống dịch và bảo đảm nền kinh tế Nhật Bản phục hồi, đồng thời bảo vệ lợi ích của Nhật Bản trong các mối quan hệ với Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và cả Nga.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Bản sắc riêng" của tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga