Châu Âu và những tham vọng lớn

01/12/2019 13:28

Ngay từ khi thành lập, EU đã tự xác định không chỉ là “người tạo ra xu hướng” trên toàn cầu mà còn là “người tiên phong” phấn đấu vì một châu Âu với các giá trị cốt lõi vốn có...

Liên minh châu ÂU đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn

Liên minh châu ÂU (EU) đang vật lộn với những thách thức không nhỏ đó là nước Anh theo kế hoạch sẽ rời đi vào đầu năm tới cùng những mâu thuẫn nội bộ khó hóa giải, đến thực thi các chính sách kinh tế - đối ngoại - quốc phòng.


Thách thức đón chờ EU

Ngay từ khi thành lập, EU đã tự xác định không chỉ là “người tạo ra xu hướng” trên toàn cầu mà còn là “người tiên phong” phấn đấu vì một châu Âu với các giá trị cốt lõi vốn có và trở thành một hình mẫu quốc tế cho tương lai thế giới.

EU hiện có 28 thành viên và sẽ còn 27 thành viên khi nước Anh rời đi. Với 500 triệu dân, chiếm tới 40% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, EU là đối tác thương mại hàng đầu của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Theo giới phân tích, 5 năm tới, EU sẽ gặp nhiều thách thức đang đón đợi khối này.

Đó là "cơn gió ngược" từ Mỹ, đồng minh thân cận của khối. Từ khi ông Donald Trump lên cầm quyền và thực hiện chính sách “nước Mỹ trên hết” và “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, chính sách đối ngoại - kinh tế của Mỹ đã có nhiều thay đổi ảnh hưởng không nhỏ tới EU.

Mỹ tuyên bố áp thuế một số mặt hàng của EU nhập vào Mỹ. EU cũng tuyên bố đáp trả, nhưng công bằng mà nói EU vẫn phụ thuộc vào Mỹ nhiều vấn đề quan trọng như việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đồng thời tuyên bố gây sức ép tối đa cho nước cộng hòa Hồi giáo đang có những cải thiện quan hệ mạnh mẽ với EU, buộc doanh nghiệp của các nước thành viên EU phải rút khỏi Iran để tránh trừng phạt của Mỹ.

Mặt khác, Mỹ đang là tư lệnh của NATO, tập hợp hầu hết các nước thành viên EU. Mỹ yêu cầu các thành viên NATO phải tăng chi tiêu quốc phòng để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho Mỹ. Động thái này khiến EU bức xúc tính đến việc thành lập quân đội riêng nhưng xem ra việc này chưa có hồi kết.

Tiếp đó là "cơn gió ngược" từ chính nội bộ EU. Việc nước Anh theo kế hoạch rời “mái nhà chung” vào đầu năm tới sau nhiều lần trì hoãn sẽ tạo cho EU một “cú sốc” nặng chẳng khác nào một cơn địa chấn gây chia rẽ trong lòng châu Âu.

Ngoài việc nước Anh rời EU, một "cơn gió ngược" khác cũng đã hình thành trong lòng EU gây ra một thách thức mang tính lâu dài đó là sự khác biệt Đông và Tây Âu mà đại diện là nhóm Visegrad gồm Ba Lan, Hunggari, CH Séc và Slovakia nằm ở Đông Âu. Dường như đã nhận diện được và thấm đượm những “cú đấm” của những "cơn gió ngược", EU trong chiến lược của mình sẽ tập trung vào thúc đẩy vai trò “người tạo ra xu hướng” và “người tiên phong” bằng việc mở rộng khối, thúc đẩy chống biến đổi khí hậu theo thỏa thuận Paris và chống người nhập cư trái phép bằng cách bảo vệ biên giới từ xa.

Mâu thuẫn và khó khăn nội bộ

Trên đường thực thi giấc mơ “người tạo ra xu hướng” và trở thành "người tiên phong" nhưng EU chưa bao giờ phải đối mặt với những vấn đề nảy sinh từ nội bộ lớn như hiện nay.

Cuộc bầu cử nghị viện châu Âu hồi tháng 5 vừa qua cho thấy một sự chia rẽ trong nội bộ châu Âu đã hình thành rõ nét, tính trung bình toàn EU chỉ có 50,5% cử tri đến các điểm bỏ phiếu. Điều này được giới phân tích cho rằng nó bắt nguồn từ sự không công bằng trong phát triển của EU. Đặc biệt, từ cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 khi dòng người tị nạn tràn từ Trung Đông và Bắc Phi vào châu Âu, khiến EU phải phân bổ hạn ngạch cho các nước thành viên.

Hiện nay giới phân tích chính trị tại chính EU đều cho rằng không chỉ 5 năm tới mà trong tương lai lâu dài EU sẽ đối mặt với những mâu thuẫn nội bộ. Đó là sự trỗi dậy của trường phái dân túy mong muốn có một sự thay đổi lớn của EU, thậm chí “giải tán” EU vì trường phái này cho rằng hội nhập EU đã làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc và quyền tự chủ quốc gia.

Sự khó hòa nhập giữa Đông Âu và Tây Âu là vấn đề lo lắng nhất của ban lãnh đạo mới của EU bởi phía Tây Âu cho rằng Đông Âu sẽ làm chậm các tiến trình hội nhập thế giới trong nhiều lĩnh vực và không thể phù hợp với chính sách an ninh châu Âu.

Vấn đề nữa trong các mâu thuẫn sẽ phát sinh trong 5 năm tới của EU chính là vấn đề kết nạp các thành viên mới, trong đó có Anbani và các nước vùng tây Balkan cùng với Ukraina, Gruzia (thuộc Liên Xô cũ) cũng như Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhiều quốc gia đang là thành viên EU cho rằng việc củng cố châu Âu không thể thiếu được các nước tây Bankan. Trả lời phỏng vấn tờ The Economist, Tổng thống Pháp Macron đã phản đối gay gắt việc mở rộng EU đối với các nước tây Balkan vì cho rằng đây là một quả “bom hẹn giờ” với nguy cơ bị đe dọa bởi các chiến binh Hồi giáo trở về từ Syria. Ông Macron còn cho rằng nhiều thành viên khác trong EU cũng muốn từ chối kết nạp Albania nhưng lại đang “núp sau” nước Pháp.

Như vậy có thể thấy rằng các nước chưa là thành viên EU nhưng có đông tỷ lệ người dân theo đạo Hồi đang là vấn đề cân nhắc của lãnh đạo EU. Điều này đụng chạm đến Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đã kiên trì chờ đợi gia nhập EU trong hàng chục năm qua và chưa tính đến Ukraina, Gruzia hai quốc gia có liên quan chặt chẽ tới nhân tố Nga - nước vừa là đối tác vừa là đối thủ của EU.

Câu hỏi đặt ra là EU sẽ phát triển theo hướng nào trong 5 năm tới được giới phân tích EU tập trung lý giải dựa trên những tuyên bố mang tính cương lĩnh phát triển của toàn khối trong 5 năm tới đây.

Khi ra mắt ê kíp lãnh đạo mới, bà Ursuila Vonder Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng tổ chức này sẽ là một bên tham gia địa chính trị. Như vậy kíp lãnh đạo mới của EU vẫn dựa trên cách tiếp cận hai trụ cột và mỗi bên tham gia hoạt động đối ngoại của EU sẽ chú trọng vào sức mạnh đặc biệt của mỗi bên.

Hội đồng châu Âu sẽ thúc đẩy sự hiện diện chính trị của EU. EC sẽ chú trọng vào sức mạnh kinh tế của khối. Như vậy điều khác biệt của EC nhiệm kỳ này là muốn đưa sự hiện diện kinh tế của EU lên một tầm cao mới, đúng như tâm nguyện của toàn khối là “người tiên phong”.

Vấn đề đặt ra là EC nhiệm kỳ này sẽ làm thế nào để trọng tâm địa kinh tế mang lại kết quả tốt đẹp? Theo giới phân tích, lãnh đạo EU hoàn toàn có cơ sở để tin rằng dù có “mạo hiểm” đẩy mạnh chính sách địa kinh tế của EC sẽ thành công bởi họ sẽ hậu thuẫn các chính sách kinh tế bằng công cụ tài chính.

Sự phối hợp giữa Chủ tịch EC và Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Cao ủy châu Âu, ba chức vụ này nắm giữ quyền lực “đáng kể” để chèo lái con thuyền EU được giới phân tích cho rằng đã có sự khởi động cần thiết và nhịp nhàng.

Một vấn đề quan trọng khác được giới phân tích chú ý và đưa ra “lời khuyên” cho kíp lãnh đạo mới của EU đó là việc bản thân toàn khối phải tìm cách thích ứng với tình trạng khủng hoảng trong khu vực và lân cận cùng sự gia tăng cạnh tranh các nước lớn. Bản thân EU, trong đó EC đóng vai trò quan trọng phải tích cực trở thành một bên tham gia có năng lực để bảo vệ quyền lợi pháp lý của EU trong các cuộc chiến tranh thương mại, duy trì mội trường kinh tế thích hợp của EU. Để biến EU thành nơi định hướng những “diễn biến quốc tế” trong lĩnh vực địa kinh tế.

Tham vọng của kíp lãnh đạo mới của EU trong 5 năm tới biến EU thành người định hướng và tiên phong là rõ ràng. Vấn đề đặt ra là EU có thành công hay không phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí lãnh đạo và sự đồng thuận của người dân các quốc gia thành viên cũng như sự điều chỉnh các chính sách đối ngoại – kinh tế phù hợp của EU.

HẢI HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu Âu và những tham vọng lớn