Mỹ - Ấn Độ nỗ lực thu hẹp bất đồng thương mại

23/11/2019 09:37

Trong bối cảnh Ấn Độ và Mỹ đang vướng vào các tranh cãi thương mại trong nhiều tháng qua, hai nước đã tiến hành đàm phán nhằm nỗ lực thu hẹp những bất đồng.

Với mong muốn các tranh chấp thương mại giữa Ấn Độ và Mỹ có thể được giải quyết "trong tương lai gần", cuộc đàm phán này được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội cho hợp tác thương mại Mỹ-Ấn.


Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi

Căng thẳng thương mại

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ bắt đầu nhen nhóm từ tháng 3.2018 khi Tổng thống Donald Trump thúc đẩy chính sách "Nước Mỹ trước tiên" với việc áp các mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm nhôm và thép từ nước ngoài trong đó có Ấn Độ ở mức lần lượt 10% và 25%.

Căng thẳng tiếp tục dâng cao khi Tổng thống Mỹ Trump quyết định chấm dứt chương trình ưu đãi thương mại đối với New Delhi trong khuôn khổ chương trình Hệ thống Ưu đãi phổ cập (GSP) kể từ ngày 5.6, khiến hàng ngàn mặt hàng Ấn Độ bán sang Mỹ mỗi năm với trị giá 6 tỷ USD không còn được miễn thuế nữa.

Hệ thống GSP miễn thuế cho “một số sản phẩm nhất định” nhập khẩu vào Mỹ nếu đáp ứng tiêu chí phù hợp, trong đó có việc “cho phép Mỹ tiếp cận thị trường công bằng và thỏa đáng”.

Theo số liệu của Quốc hội Mỹ, Ấn Độ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình GPS của Mỹ trong suốt nhiều thập niên, với việc xuất khẩu số hàng hóa miễn thuế trị giá 5,7 tỷ USD sang Mỹ vào năm 2017.

Theo số liệu chính thức, năm 2018, kim ngạch trao đổi hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với Ấn Độ ước đạt 142,1 tỷ USD, trong khi thâm hụt thương mại của Mỹ với Ấn Độ là 24,2 tỷ USD.

Mức thâm hụt thương mại lớn này khiến Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) cho rằng Ấn Độ đã triển khai nhiều rào cản thương mại “gây ra những tác động tiêu cực và nghiêm trọng” đối với hoạt động thương mại của Mỹ.

Nhằm đáp trả các động thái của Mỹ, Ấn Độ cũng đã tăng thuế đối với 28 mặt hàng nhập khẩu của Mỹ từ ngày 16.6 sau nhiều lần trì hoãn kể từ.

Trước đó, tháng 6.2018, Chính phủ Ấn Độ tuyên bố sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với một loạt hàng hóa của Mỹ, trong đó có hạt hạnh nhân và táo nhằm đáp trả việc Washington từ chối miễn trừ New Delhi khỏi các mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm thép và nhôm.

Ấn Độ cũng siết chặt quản lý hoạt động công ty thương mại điện tử Flipkart, công ty con của Tập đoàn bán lẻ Walmart, Mỹ, và Amazon tại thị trường đông dân thứ hai thế giới này.

Căng thẳng giữa hai nước càng gia tăng xung quanh việc chính quyền Tổng thống Trump đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt Ấn Độ nếu nước này mua dầu của Iran và xúc tiến kế hoạch mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga.

Tổn hại cho cả hai

Trước những bất đồng thương mại ngày càng leo thang và chưa thể hóa giải trong quan hệ Mỹ-Ấn, giới chuyên gia dự báo sẽ không bên nào có lợi.

Đối với Ấn Độ, căng thẳng thương mại leo thang liên quan đến vấn đề thuế quan với cường quốc kinh tế số 1 thế giới sẽ khiến nước này thiệt hại khoảng 190 triệu USD/năm.

Theo các số liệu mới nhất, tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ giảm xuống mức thấp trong 5 năm là 5,8% trong ba tháng 1-3/2019, giữa bối cảnh chi tiêu tiêu dùng và đầu tư doanh nghiệp yếu đi. Sản lượng công nghiệp và doanh số bán ô tô giảm cũng làm dấy lên những lo ngại về việc nền kinh tế giảm sâu hơn.

Chính phủ Ấn Độ ngày 4.7 dự báo kinh tế Ấn Độ hồi phục với mức tăng trưởng 7% trong tài khóa kết thúc vào ngày 31-3-2020, cao hơn mức thấp trong 5 năm là 6,8% được ghi nhận trong tài khóa trước.

Báo cáo của Bộ Tài chính Ấn Độ trình lên Quốc hội nước này cho biết trong thời gian tới, Ấn Độ sẽ đối diện thách thức sau khi nguồn thu từ thuế giảm, do kinh tế yếu đi giữa bối cảnh Chính phủ gia tăng chi tiêu cho lĩnh vực nông nghiệp.

Thêm vào đó, việc Mỹ-Ấn chưa giải quyết được bất đồng thuế quan khiến nhiều việc làm của Ấn Độ bị mất, bởi phần lớn hàng hóa được miễn thuế từ GSP do các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước sử dụng nhiều lao động. Nếu không được ưu đãi thuế, nhiều mặt hàng của Ấn Độ sẽ mất đi tính cạnh tranh trên thị trường Mỹ, trong đó những ngành bị tác động mạnh nhất là thực phẩm chế biến, da, nhựa, hàng kỹ thuật, trang sức kim loại quý, dệt may và dược phẩm.

Đối với Mỹ, về mặt kinh tế, Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ. Trong năm 2018-2019, xuất khẩu của Ấn Độ sang Mỹ đạt 52,4 tỷ USD, trong khi nhập khẩu đạt 35,5 tỷ USD. Ngược lại, dù chỉ là bạn hàng lớn thứ 9 của Washington, nhưng New Delhi sở hữu thị trường đông dân thứ hai thế giới với những cơ hội kinh doanh béo bở.

Trong vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp hàng đầu của xứ Cờ hoa đã đầu tư hàng tỷ USD vào Ấn Độ, nơi có khoảng 600 triệu người dùng internet và là nguồn cung nhân lực công nghệ thông tin dồi dào. Năm 2018-2019 Ấn Độ cũng tiếp nhận 3,13 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Mỹ so với mức 2 tỷ USD của năm trước đó.

Vị thế của New Delhi chắc chắn phải được tính đến trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc chưa có hồi kết. Vì vậy, các chuyên gia nhận định, căng thẳng thương mại Mỹ-Ấn leo thang vô hình trung tạo cơ hội cho một số hàng hóa Trung Quốc thay thế hàng hóa Ấn Độ ở thị trường Mỹ, từ đó càng làm gia tăng thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ngoài ra, về mặt chính trị, trong bối cảnh chuẩn bị cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020, việc căng thẳng trong thương mại với Ấn Độ cũng phần nào làm ảnh hưởng tới tâm lý của dư luận trong nước. Vì vậy, theo giới phân tích, ông Trump cần khéo léo xử lý vấn đề này một cách "thuận cả đôi đường" để thu hút được nhiều hơn sự ủng hộ của người dân Mỹ.

Căng thẳng thương mại leo thang với Ấn Độ cũng có thể ảnh hưởng tới cả quan hệ chiến lược, an ninh song phương.

Quân bài gắn cam kết quốc phòng của chính quyền Tổng thống Trump với giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại khó thành công khi áp dụng với Ấn Độ bởi khác với các đồng minh Mỹ ở Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á, nước này không phụ thuộc quá lớn vào Mỹ.

Nếu "già néo đứt dây", New Dehli có thể lạnh nhạt với chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" (FOIP) mà Mỹ đang nỗ lực triển khai với Bộ tứ An ninh Mỹ-Nhật Bản-Ấn Độ-Australia.

Căng thẳng leo thang với Mỹ cũng có thể đẩy Ấn Độ xích lại gần hơn với Trung Quốc. Với lý lẽ rằng, chủ nghĩa bảo hộ thương mại đơn phương của Chính quyền Tổng thống Trump làm tổn hại tới sự phát triển kinh tế và tình hình nội bộ Ấn Độ, Bắc Kinh có thể kêu gọi Ấn Độ mở rộng hợp tác với Trung Quốc không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị, an ninh, quốc phòng nhằm bảo đảm an ninh quốc gia và thương mại công bằng.

Nỗ lực thu hẹp bất đồng

Trong thời gian qua, cả hai bên cũng đã nỗ lực thu hẹp bất đồng. Trong chuyến thăm Ấn Độ ngày 12.6, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố, Mỹ sẵn sàng đối thoại với Ấn Độ sau khi Washington chấm dứt ưu đãi thương mại đối với New Delhi.

Ông Pompeo khẳng định, Washington vẫn để mở phương án đối thoại và hy vọng rằng các đối tác Ấn Độ sẽ dỡ bỏ những rào cản thuế quan và tin tưởng sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nước mình.

Cùng với tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, nỗ lực của Mỹ và Ấn Độ nhằm cải thiện căng thẳng thương mại cũng được thể hiện trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Trump và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ngày 28 và 29-6 tại Osaka, Nhật Bản.

Nhằm giải quyết bất đồng thương mại, ngày 12.7, hai phái đoàn đàm phán Mỹ-Ấn đã tập trung làm rõ lập trường của Washington và New Delhi trong các vấn đề tranh chấp.

Tuy nhiên, cuộc đàm phán thương mại kéo dài 3 giờ tại thủ đô New Delhi đã kết thúc mà không đạt đột phá về các vấn đề tranh chấp liên quan đến thuế quan hay các biện pháp bảo hộ thương mại mà hai nước đều đang áp dụng, gây căng quan hệ song phương.

Trong một nỗ lực nhằm giải quyết các tranh cãi thương mại trong thời gian qua vốn được dự báo sẽ phương hại tới cả Mỹ và Ấn Độ, hai bên đã tiếp tục tiến hành cuộc đàm phán thương mại cấp cao tại Washington, Mỹ ngày 21.11.

Tại cuộc đàm phán, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã thảo luận về những căng thẳng trong thương mại song phương, đàm phán một gói thương mại để giải quyết các vấn đề thương mại song phương và thúc đẩy thương mại hai chiều.

Hãng thông tấn PTI 9 dẫn phát biểu của Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal cho biết hầu hết các tranh chấp thương mại giữa Ấn Độ và Mỹ có thể được giải quyết "trong tương lai gần".

Bộ trưởng Thương mại Piyush Goyal cho biết Chính phủ Ấn Độ muốn giải quyết vấn đề thương mại song phương với Mỹ càng sớm càng tốt và không muốn để lại các tồn tại cho chính quyền tiếp theo của Mỹ.

Ấn Độ yêu cầu Mỹ miễn áp thuế cao đối với một số sản phẩm thép và nhôm, nối lại các ưu tiên theo Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho sản phẩm xuất khẩu của Ấn Độ, cho phép hàng hóa Ấn Độ từ các lĩnh vực, bao gồm nông nghiệp, ô tô, linh kiện ô tô và kỹ thuật tiếp cận lớn hơn thị trường Mỹ.

Nhân dịp này Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal cho biết trụ cột của quan hệ song phương Ấn-Mỹ là kết nối cộng đồng đã trở nên mạnh mẽ hơn cả về số lượng và chất lượng.

Về phía Mỹ, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross khẳng định Washington muốn tiếp cận rộng rãi hơn thị trường Ấn Độ đối với các sản phẩm nông nghiệp và sản xuất, các mặt hàng sữa, thiết bị y tế và cắt giảm thuế nhập khẩu đối với một số sản phẩm công nghệ thông tin. Mỹ cũng lo ngại về thâm hụt thương mại lớn với Ấn Độ khi trong giai đoạn 2017-2018, thâm hụt thương mại của Mỹ với Ấn Độ lên tới 26,7 tỷ USD và Washington cũng hy vọng hai bên sớm tìm ra giải pháp.

Có thể thấy dù những bất đồng về các vấn đề thương mại đang phủ bóng đen lên mối quan hệ đối tác đang phát triển, song Mỹ-Ấn Độ vẫn là đồng minh quan trọng. Việc Washington và New Delhi đều mong muốn sớm tìm ra giải pháp cho vấn đề thương mại trong cuộc đàm phán lần này được cho là một tín hiệu lạc quan.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ - Ấn Độ nỗ lực thu hẹp bất đồng thương mại