Bắc Phi "nóng" vì Libya

04/07/2020 21:10

Nếu còn sự can thiệp của bên ngoài vào chính phủ đoàn kết dân tộc Libya hay chính quyền miền đông thì tình hình tại quốc gia Bắc Phi này chưa thể yên ổn.


Lực lượng trung thành với chính phủ đoàn kết dân tộc Libya giao tranh với lực lượng của tướng Khalifa Haftar ở Tripoli

Khởi nguồn từ “mùa xuân Ả Rập” năm 2011 đã cuốn phăng chế độ của Tổng thống Muammar Gaddafi, đến nay sau 9 năm chẳng những đất nước Libya không có hòa bình, không thể có một nền dân chủ như các “thế lực” bên ngoài mong muốn mà vẫn chìm trong xung đột vũ trang. Cơ hội nào cho quốc gia Bắc Phi này sớm có hòa bình? Và liệu các bên tham gia có giúp ích gì cho Libya không?

"Canh bạc" của Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập

Trong "mùa xuân Ả Rập", chính quyền của Tổng thống Muammar Gaddafi bị lật đổ với sự trợ giúp của Mỹ và đồng minh bằng lực lượng không quân để phá hủy những cơ sở hạt nhân của Libya và lật đổ chế độ độc tài của ông Gaddafi. Tưởng rằng đất nước và nhân dân Libya sẽ có dân chủ, hòa bình và phát triển, thế nhưng sau gần 9 năm đất nước này vẫn chìm trong nội chiến bởi đất nước này song hành tồn tại hai chính quyền là chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được Liên Hợp quốc công nhận và chính quyền miền Đông do tướng Khalifa Haftar đứng đầu có quốc hội riêng được Ai Cập (Bắc Phi) và một số quốc gia giàu có ở khu vực Trung Đông (Tây Á) ủng hộ quản lý tới 2/3 đất nước. Sau 14 tháng, tướng Haftar dùng mọi nỗ lực để chiếm thủ đô Tripoli do GNA quản lý nhưng thất bại bởi GNA được sự hỗ trợ tích cực của Thổ Nhĩ Kỳ từ đầu năm 2020. Kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố can dự vào Libya, tình hình khu vực Bắc Phi đột nhiên căng thẳng bởi thế giới đều biết rằng tại Libya GNA do Liên Hợp quốc công nhận nhưng điều hành kém, còn lực lượng phía đông do tướng Haftar đứng đầu do Ai Cập, Saudi Arabia kể cả cộng hòa Pháp cũng ủng hộ dường như mạnh hơn trên thực địa “chiến trường”. Ai Cập cũng từng trải qua “mùa xuân Ả Rập” chế độ của Tổng thống Muammar rất mạnh cũng bị lật đổ từ phong trào này. Vậy tại sao 2 cường quốc khu vực một ở Bắc Phi một nằm trên lục địa Á – Âu có vị trí chiến lược cũng như lợi ích chính trị - kinh tế - quân sự hoàn toàn khác nhau lại cùng nhau can dự vào Libya.

Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ lại can dự vào cuộc nội chiến tại Libya? Đây là câu hỏi được giới phân tích khu vực và thế giới quan tâm và có nhiều cách lý giải khác nhau, nhưng cơ bản thống nhất ở mấy lý do chính sau:

Thứ nhất, mặc dù là một thành viên của khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhưng quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với khối này đang trong giai đoạn “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” do Thổ Nhĩ Kỳ đã mua hệ thống phòng không S-400 của Nga trước sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ (nước cầm trịch NATO) cũng như các đồng minh khác đặc biệt là với Pháp. Mặt khác trước làn sóng người dân di cư ồ ạt từ Syri cũng như người tị nạn châu Phi đổ về Libya tìm các vượt địa Trung Hải sang Thổ Nhĩ Kỳ để tìm đường vào châu Âu, trong khi những yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ với Liên Minh châu Âu (EU) chưa được EU bảo đảm đầy đủ do đó Thổ Nhĩ Kỳ phải “ra tay trước” để ngăn chặn dòng người tị nạn đổ vào nước này.

Thứ hai, vì những lý do chiến lược của riêng mình, Thổ Nhĩ Kỳ quyết can dự vào Libya bất chấp sự phản đối của NATO. Biết rõ chính phủ đoàn kết dân tộc Libya yếu kém nhiều mặt trong đó có quân sự, Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ tích cực cho GNA để chống lại chính quyền miền đông do tướng Haftar đứng đầu, khiến NATO bất lực trước những tính toán riêng của đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ.

Thứ ba, đây là lý do quan trọng nhất đó là sau “mùa xuân Ả Rập”, Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ông Mohamed Morsi trở thành Tổng thống Ai Cập năm 2013, không lâu sau đó tướng Abdel Fattah El-Sisi trở thành Tổng thống Ai Cập hất bay công lao của Thổ Nhĩ Kỳ, đã mất nhiều thời gian và dày công dàn dựng cho ông Morsi, khiến Thổ Nhĩ Lỳ không thể ngồi yên. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết ủng hộ GNA để hạn chế tầm ảnh hưởng của Ai Cập tại Libya.

Trước "thất bại” của tướng Khalifa Haftar lãnh đạo chính quyền miền đông Ai Cập lo ngại dải biên giới kéo dài hơn 1.000km với Libya bị đe dọa. Không những thế GNA còn tuyên bố sẽ tiến quân vào thành phố chiến lược Sirte nằm cách thủ đô Tripoli 450km về phía đông, một phần cửa ngõ dẫn vào các cảng biển xuất khẩu dầu mỏ then chốt của Libya. Ai Cập cho rằng đây là “ranh giới đỏ” về tình hình Libya do đó Ai Cập có thể sẽ can thiệp trực tiếp. Trong một thông điệp gửi tới Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Ai Cập El-Sisi nói: “Bất kỳ can thiệp trực tiếp nào của Ai Cập sẽ phù hợp với luật pháp quốc tế vì nó mang ý nghĩa tự vệ dựa trên hiến chương Liên hợp quốc hoặc dựa theo cơ quan lập pháp duy nhất do nhân dân Libya bầu ra (tức quốc hội miền đông)". Tổng thống El-Sisi nói tiếp: “Mục tiêu chính của việc can thiệp là nhằm bảo vệ và bảo đảm an ninh biên giới phía Tây của đất nước, vốn có vị trí chiến lược. Trước mối đe dọa của các lực lượng khủng bố. Mục tiêu thứ hai là khôi phục an ninh và ổn định của Ai Cập và thế giởi Ả Rập. Mục tiêu thứ 3 là chấm dứt cuộc đổ máu của những người anh em Libya của chúng tôi ở phía đông và phía tây và chuẩn bị cho một lệnh ngừng bắn nhằm ngăn chặn bất kỳ hành động leo thang nào”.

Qua tuyên bố của ông Sisi cho thấy đây là một thông điệp rất mạnh mẽ sau một thời gian dài tỏ ra bình tĩnh trước sự can dự của Thổ Nhĩ Kỳ vào Libya. Giới phân tích cho rằng ông El-Sisi đưa ra tuyên bố trên sau khi Ai Cập công bố sáng kiến nhằm chấm dứt đổ máu và bạo lực leo thang giữa chính quyền phía đông của tướng Haftar với GNA và đây là một hòn đá lớn ông El-Sisi ném xuống mặt hồ phẳng lặng để gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cộng đồng quốc tế cần phải thể hiệp lập trường về tình hình tại Libya nơi dân chủ - thịnh vượng và sự tồn tại bị đe dọa do sự can thiệp từ bên ngoài. Điều rất đáng lưu ý là: Sáng kiến chấm dứt đổ máu tại Libya của Ai Cập được Liên đoàn Ả Rập ủng hộ. Ngoại trưởng các nước thuộc liên đoàn đã họp tại Ai Cập nhất trí về tầm quan trọng của lệnh ngừng bắn và lên án sự can thiệp quân sự của nước ngoài vào Libya, đồng thời kêu gọi bãi bỏ vai trò của lực lượng dân quân ở Syria phù hợp với quyết sách rõ ràng và kiên quyết của Liên đoàn Ả Rập về vấn đề này. Giới phân tích cũng cho rằng mặc dù Tổng thống Ai Cập El-Sisi tuyên bố mạnh mẽ nhưng cả Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ chẳng dại gì mang quân đến Libya để đối đầu trực tiếp tại đây. Thổ Nhĩ Kỳ hiểu rằng đưa quân và phương tiện chiến tranh vượt địa Trung Hải đến Libya không thể mạnh bằng Ai Cập có biên giới trên bộ liền kề với chiến trường trực tiếp.

"Kịch bản" nào cho hòa bình ở Libya?

Trong bối cảnh cụ thể của Libya hiện nay cho thấy các nhóm vũ trang khó có thể “giã từ vũ khí”. Sự hiện diện của các thành viên các nhóm này dù ít hay nhiều đã “nhiễm” tư tưởng cực đoan và thiếu niềm tin vào dự dẫn dắt của một hệ thống nhà nước đủ sức bảo đảm cho họ có đủ quyền công dân. Từ đó cho thấy để giải quyết vấn đề nội tại của Libya – theo giới phân tích thì giải pháp đúng đắn nhất là thực thi tuyên bố Ai Cập (tại Thủ đô Cairo) của Liên đoàn các nước Ả Rập, tuyên bố nhấn mạnh vai trò của Liên Hợp quốc và cộng đồng quốc tế trong việc bắt buộc các bên liên quan phải rút lực lượng khỏi Libya, điều quan trọng là tuyên bố này dựa trên kết quả đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh Berlin (Đức) hồi đầu năm nay bao gồm các giải pháp chính trị toàn diện cũng như các bước triển khai cụ thể đường lối chính trị, an ninh và kinh tế trên cơ sở tôn trọng nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế. Từ tình hình cụ thể tại Libya, giới phân tích đưa ra hai kịch bản mà Libya phải đối mặt là:

Kịch bản thứ nhất: Chiến sự leo thang nếu GNA dưới sự hỗ trợ từ bên ngoài tìm cách tiến về thành phố Sirte và các địa điểm khác sau khi làm chủ Tripoli.

Kịch bản thứ hai: Thực thi sáng kiến của Ai Cập dựa trên kết quả hội nghị Berlin được Liên Hợp quốc bảo trợ, được Liên đoàn Ả Rập ủng hộ, triển khai các bước đi cụ thể để tổ chức lại cơ quan nhà nước Libya, các tổ chức kinh tế quan trọng như ngân hàng trung ương, tập đoàn dầu khí quốc gia… tiến tới bầu cử tổng thống, quốc hội và một quân đội duy nhất của Libya.

Vấn đề hòa bình của Libya phải do người dân Libya quyết định, nếu còn sự can thiệp của bên ngoài vào chính phủ đoàn kết dân tộc Libya hay chính quyền miền đông thì tình hình tại quốc gia Bắc Phi này chưa thể yên ổn. Do đó, rất cần một sự đồng thuận quốc tế để chung tay giúp Libya sớm có hòa bình ổn định.

HẢI HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bắc Phi "nóng" vì Libya