TP Hải Dương trước áp lực gia tăng phương tiện giao thông. Bài cuối: Phương tiện đổ dồn về thành phố

28/06/2018 19:03

Phương tiện tăng đồng nghĩa với mật độ phương tiện trên các tuyến phố đông đúc hơn, ảnh hưởng lớn đến trật tự, an toàn giao thông.


Phương tiện công cộng mặc dù đã phát triển nhưng mới đáp ứng được 13% nhu cầu đi lại của người dân TP Hải Dương

Lượng phương tiện cá nhân tăng dần đều mỗi năm, trong khi các phương tiện vận tải công cộng còn nhiều hạn chế làm cho áp lực giao thông ở TP Hải Dương ngày càng căng thẳng.      

Phương tiện cá nhân tăng

Do điều kiện kinh tế ngày càng được nâng cao, nhu cầu đi lại của người dân tăng mạnh và giá của các phương tiện cơ giới không còn quá đắt đỏ nên số lượng xe cá nhân liên tục tăng. Anh Nguyễn Văn Tâm ở phố Phạm Hồng Thái cho biết: "Xe máy bây giờ không đắt, có chiếc xe cũ chỉ vài triệu đồng. Gia đình tôi có 4 chiếc xe máy của 2 vợ chồng và 2 con. Trước đây, cả thành phố chỉ có 1 - 2 cụm đèn đỏ ở ngã tư Đông Thị, Máy Sứ nhưng vẫn thông thoáng. Còn bây giờ có hàng chục cụm đèn và nhiều đường mới mở mà có lúc vẫn ùn tắc". 

Theo anh Trịnh Hà ở phố Hai Bà Trưng, ngoài mô tô, xe máy, xe đạp điện thì ô tô đang làm giao thông ở TP Hải Dương "nóng" lên. "Nhiều người mua ô tô không hẳn phục vụ nhu cầu công việc mà sắm cho có. Chỉ đi một đoạn ngắn như đi uống cà phê, chơi thể thao cũng đi ô tô nên đường ngày càng đông đúc", anh Hà nhận xét.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh), trong tháng 5.2018, toàn tỉnh có 509 xe ô tô, 3.426 xe mô tô, 338 xe máy điện mới được đăng ký. Cơ quan chức năng toàn tỉnh đang quản lý 68.042 xe ô tô, 1.057.774 xe mô tô, 62.561 xe máy điện. Rất nhiều ô tô, mô tô, xe máy, xe máy điện nói trên đang được người dân TPHải Dương sử dụng.

TP Hải Dương còn có gần 1.800 xe taxi hoạt động cùng với số lượng lớn ô tô, xe máy của người từ nơi khác mang đến. Đáng chú ý, theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt thì số lượng phương tiện mới của người dân thành phố đăng ký tháng sau hầu như cao hơn tháng trước, nhất là những tháng cuối năm. Phương tiện tăng đồng nghĩa với mật độ phương tiện trên các tuyến phố đông đúc hơn, ảnh hưởng lớn đến trật tự, an toàn giao thông. 

Vận tải công cộng còn hạn chế

Đại diện ga Phạm Xá, xã Tuấn Hưng (Kim Thành) cho biết từ năm 2006 đến nay, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng đã xóa bỏ các chuyến "tàu chợ", chỉ duy trì các chuyến tàu đi từ điểm xuất phát, dừng tại một số ga lớn và cuối hành trình. Trước đây, trên các chuyến tàu đi tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, người dân thường chen chúc để đi và đến TP Hải Dương. Nhưng hiện nay các chuyến hầu như không chở hành khách theo lộ trình ngắn. Một phần do phương tiện lạc hậu, không thay đổi kịp để đáp ứng nhu cầu, phần khác do người dân sử dụng phương tiện khác để đi lại. Do vậy, đường sắt đã đánh mất dần vai trò và thị phần vận tải hành khách.

Ngoài tàu hỏa, hơn 10 năm trước, xe buýt được đưa vào hoạt động đã san sẻ bớt áp lực về giao thông cho TP Hải Dương. Ban đầu chỉ có tuyến buýt đi Hà Nội thì nay đã phát triển thêm nhiều tuyến đến Bắc Ninh, Thái Bình, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Hưng Yên và về tất cả các huyện, thị xã trong tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 204 xe buýt, chủ yếu xuất phát từ các bến xe ở TP Hải Dương. Hải Dương là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển giao thông công cộng. Mặc dù hệ thống phát triển sớm song tính kết nối của các tuyến buýt chưa cao, chậm đổi mới, chất lượng phương tiện, thái độ phục vụ, giờ giấc đi, đến tại một số tuyến còn hạn chế nên chưa thu hút được đông đảo hành khách. Theo thống kê của UBND TP Hải Dương, vận tải hành khách công cộng hiện mới đáp ứng được 13% nhu cầu đi lại của người dân thành phố, chưa đạt yêu cầu so với tiêu chí đô thị loại I là lớn hơn hoặc bằng 15% nhu cầu.

Ở nhiều địa bàn, mặc dù có các tuyến xe buýt đi qua song nhiều người vẫn sử dụng xe gắn máy. "Xe buýt 217 từ Hải Dương - Bắc Ninh qua ngay cửa nhà nhưng mấy năm nay tôi ít đi mà thường đi xe máy để chủ động về giờ giấc. Đi xe buýt đến TP Hải Dương nếu muốn vào phố này, phố khác thì lại phải thuê xe ôm giá rất đắt", ông Nguyễn Hoàng Toàn ở xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng) cho biết. 

Theo ông Bùi Đức Chính, Trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở Giao thông vận tải), nâng cao chất lượng xe buýt nhằm bảo đảm an toàn giao thông, hạn chế phương tiện cá nhân là vấn đề được các doanh nghiệp cùng cơ quan chức năng quan tâm thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh đã có 71 xe buýt được thay thế bằng phương tiện mới 100% và bước đầu đã thu hút được nhiều hành khách sử dụng. Các cơ quan chức năng và doanh nghiệp sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng phương tiện, thái độ phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi để xe buýt thu hút nhiều người sử dụng.

Trước áp lực giao thông ở TP Hải Dương ngày một lớn thì nâng cao chất lượng phương tiện vận tải hành khách công cộng, tăng tính kết nối giữa các tuyến, bổ sung thêm lộ trình của xe để tạo sự thuận lợi cho hành khách là vấn đề cần được cơ quan chức năng sớm tính toán. Đồng thời, tỉnh, thành phố, các sở, ban, ngành, khu dân cư cần khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân, tránh tình trạng TP Hải Dương xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng như ở nhiều đô thị khác.

TIẾN HUY - NGUYỄN LAN

(0) Bình luận
TP Hải Dương trước áp lực gia tăng phương tiện giao thông. Bài cuối: Phương tiện đổ dồn về thành phố