Nhức nhối những cung đường "tử thần"

15/04/2018 10:08

Dòng xe đủ loại lao vun vút và hỗn loạn, xe từ mọi ngả túa ra xuôi ngược như vỡ trận... Đó là hình ảnh thường thấy trên những cung đường "tử thần".


Mạnh ai nấy đi là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông 

"Vỡ trận"

Chưa khi nào hạ tầng giao thông của Hải Dương phát triển nhanh và mạnh như hiện nay. Hệ thống quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã đan xen, giăng như mắc cửi. Lượng phương tiện xe cơ giới cũng tăng mạnh hơn bao giờ hết. Toàn tỉnh đang quản lý 66.638 xe ô tô, 1.045.912 xe mô tô, 61.366 xe máy điện. Đường đẹp, xe nhiều, thế nhưng người dân lại ra đường tham gia giao thông một cách tùy tiện theo kiểu "đường ta ta cứ đi" làm cho trật tự, an toàn giao thông luôn trong tình trạng nay giảm, mai tăng.

Không dài, không rộng so với một số tuyến đường khác, song 10 km quốc lộ 38 qua Hải Dương dù mới được nâng cấp, cải tạo và đưa vào sử dụng đã lập tức "nổi tiếng". Lượng phương tiện cơ giới, nhất là ô tô tăng gấp đôi so với trước khi tuyến đường được cải tạo. Chỗ nào có nhà dân thì hành lang an toàn chỗ ấy hầu như bị chiếm dụng. Mà toàn tuyến gần như chỗ nào cũng có nhà dân.

Ngước đôi mắt phờ phạc vì mất ngủ trông qua khe tường rào nứt toác do chấn động của xe trọng tải lớn chạy qua rầm rập suốt đêm ngày, ông Nguyễn Hữu C. ở thôn Mỹ Hảo, xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng) thở dài: "Tưởng đường làm xong thì đi lại sẽ đỡ hơn nhưng giờ xe cộ tăng thêm, họ lại đi đứng kiểu này đâm ra cả nhà luôn thấp thỏm, lo lắng. Chỉ sợ đang ngủ, ô tô... mò vào tận đầu giường".

Nỗi sợ của ông C. không phải không có căn cứ, vì trên tuyến đường này đã có nhà từng bị ô tô mất lái lao vào tận sân. Cách nhà ông C. vài trăm mét là cầu Guột - giáp ranh giữa xã Ngọc Liên và xã Cẩm Hưng (Cẩm Giàng). Cầu được xây dựng cách đây gần 30 năm, trông xa như một nút thắt lại. Do lòng cầu nhỏ hẹp hơn lòng đường nên 2 ô tô không thể cùng đi qua một lúc. Tại đây, ngày 2.12.2017 đã xảy ra vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng khi chiếc ô tô đầu kéo biển kiểm soát Hải Phòng chèn qua khiến 1 phụ nữ tử vong tại chỗ. Khoát tay về phía cầu Guột, ông C. kể không biết bao đêm ông đã giật mình bởi tiếng ô tô phanh gấp. Tưởng có tai nạn, ra soi đèn mới biết 1 trong 2 ô tô ngược chiều phải phanh "cháy đường" vì lái xe phát hiện không thể cùng lúc qua cầu. "Xe đi lại không nhường nhịn. Người đi xe máy thì mạnh ai nấy chạy, ép đầu cả ô tô chở container, xe tải thì rất dễ xảy ra TNGT. Anh xem, người đi xe máy qua đường này mấy ai đội mũ bảo hiểm. Người đội mũ thì y như rằng từ nơi khác đi qua", ông C. thở dài.

Cách cầu Guột về hướng Bắc Ninh chừng 1 km là cầu Đo thuộc xã Cẩm Hưng. Cầu Đo có tuổi thọ còn nhiều hơn cầu Guột, cũng nhỏ hẹp và hằng ngày phải gồng gánh lượng ô tô khổng lồ qua lại. Một tháng trước đây, tại cây cầu này đã xảy ra vụ TNGT giữa 1 chiếc mô tô và ô tô khiến người phụ nữ quê Bắc Ninh tử vong tại chỗ. Là người từng có mặt ngay sau vụ tai nạn xảy ra, ông K. ở thôn Đồng Quan (xã Cẩm Hưng) vẫn còn ám ảnh: "Nghe tiếng động lớn, tôi và nhiều người chạy đến thì người, xe đã vung ra khắp nơi. Người đàn bà đã chết. Người đàn ông bất tỉnh. Còn đứa trẻ chỉ bị sây sát, nhưng run lẩy bẩy, đứng lên lại ngã dúi dụi xuống đường. Từ ngày có đường mới, xe đông thì ở đây mới có TNGT chết người". Cũng theo ông K., việc các loại xe không nhường nhịn, chạy ẩu, trong khi đường nhỏ hẹp nên dễ xảy ra TNGT.

Qua thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên quốc lộ 38 đoạn qua địa bàn tỉnh đã có 5 người thiệt mạng, 3 người bị thương trong 4 vụ TNGT. Vì thế nơi đây giờ được ví như cung đường "tử thần". Có vụ đặc biệt nghiêm trọng làm cho 2 người tử vong tại chỗ. Còn tính gần 2 năm nay từ khi tuyến đường được đưa vào sử dụng thì hầu như các thôn của cả 3 xã Cẩm Hưng, Ngọc Liên, Lương Điền (Cẩm Giàng) có tuyến đường đi qua đều đã xảy ra tai nạn chết người.

Hải Dương hiện có 8 tuyến quốc lộ đi qua, gồm: 5, 10, 17 B, 18, 37, 38, 38 B và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Trong 8 tuyến đường này thì 2 tuyến quốc lộ 5 và 38 tình hình trật tự, an toàn giao thông luôn diễn biến rất phức tạp. Riêng 3 tháng đầu năm, 2 tuyến xảy ra tổng cộng 11 vụ, làm 11 người chết và 10 người bị thương, chiếm 39,3% số vụ, 39,3% số người chết, 62,5% số người bị thương của 8 tuyến quốc lộ cộng lại.

Người đi không trở lại


Một vụ tai nạn giao thông liên hoàn xảy ra trên quốc lộ 5 ngày 27.3 vừa qua

Buổi sáng, có những người trong gia đình chào nhau để bước ra cửa đi làm, nhưng không ai biết trước, đó là lời vĩnh biệt chứ không phải câu tạm biệt thông thường. Có những người khác, lúc bước ra cửa còn lành lặn, nhưng khi được đưa về thì nhăn nhúm, thương tật đầy mình... Tất cả đều do hậu quả của TNGT.

Gần 2 tháng trôi qua, nhưng gia đình em Vũ Văn C. ở xã Kim Xuyên (Kim Thành) vẫn không tin em đã qua đời khi vừa tròn 16 - cái tuổi đang ở độ đẹp nhất của một đời người. Tối 25.2, ngày vui biến thành tai họa. Hôm ấy, vừa kết thúc đám cưới của chị gái, C. cùng 2 người bạn 15 tuổi lấy xe máy ra quốc lộ 5 và xảy ra TNGT với một chiếc ô tô kéo container biển kiểm soát Hải Phòng. C. cùng một người bạn tử vong tại chỗ, người còn lại chấn thương sọ não, gẫy tay, gẫy xương hàm...

Ở Hải Dương, trong 3 tháng đầu năm đã có 63 người bước ra khỏi nhà và không bao giờ trở lại, để lại muôn vàn tiếc thương, gánh nặng cho người ở lại. Cứ gần 1,5 ngày, Hải Dương lại có 1 người sẽ không về nhà do tử vong trong các vụ TNGT. Và người bị thương cũng chiếm hơn nửa con số ấy. Người may mắn bị nhẹ, còn người bị nặng có thể mang thương tật suốt đời, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đáng lo ngại là số người trẻ, đang trong độ tuổi lao động liên quan đến TNGT ngày càng gia tăng. Trong 3 tháng đầu năm, có 4 người dưới 18 tuổi; 13 người từ 18 - 27 tuổi; 80 người từ 27 - 55 tuổi; 19 người trên 55 tuổi liên quan đến TNGT.

Ông Th. trước đây được nhiều người biết đến do thường được thuê thu dọn hiện trường các vụ TNGT trên quốc lộ 5. Nay đã "nghỉ hưu", nhưng ông nhớ rành rọt về những vụ tai nạn thảm khốc trên tuyến đường này: "Ở đoạn ngã Ba Hàng có dạo 3 ngày xảy ra 2 vụ làm 3 người chết. Lúc thu dọn, đưa lên xe mới thấy nhiều người còn rất trẻ. Làm dần thành quen, không có cảm giác sợ sệt mà chỉ thương xót. Chỉ mong sao giao thông yên ổn, người dân đi lại an toàn". Cũng theo ông Th., khi nút giao lập thể Ba Hàng làm xong, điểm đen giao cắt với đường sắt Hà Nội - Hải Phòng tại đó được xóa bỏ. Nhưng TNGT lại "phình ra" chỗ khác, và ngày càng phức tạp hơn do ô tô, xe máy nhiều lên và nhiều người đi ẩu.

Đánh giá của ông Th. về thực trạng giao thông và cung cách điều khiển phương tiện là nhận xét chung của nhiều người. Nói về sự lộn xộn của giao thông hiện nay, ông Ng. ở ngã ba Quán Gỏi, xã Hưng Thịnh (Bình Giang) cho rằng ý thức của người lái xe là cốt yếu. Bán nước ở đây mấy chục năm nay, ông Ng. nhận xét tình trạng vi phạm giao thông ngày càng phổ biến, thể hiện sự vô trách nhiệm của lái xe. Tại ngã ba này, hễ có thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông thì việc đi lại rất nền nếp. Nhưng vắng bóng lực lượng chức năng, tình trạng lộn xộn lặp lại ngay tức thì. "Xe ngược, xe xuôi, không chỉ xe đạp, xe máy mà cả ô tô đi ngược chiều, đón trả khách bừa bãi. Tôi thấy rằng chỉ khi liên quan đến tai nạn thì nhiều người mới rút ra kinh nghiệm", ông Ng. cho biết.

Vài năm trở lại đây, tình hình trật tự, an toàn giao thông trong tỉnh diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Nhiều đoạn tuyến thường xuyên xảy ra va chạm và TNGT. Có thời điểm, Hải Dương thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có TNGT tăng cao cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. 

Kiềm chế và giảm dần TNGT là việc không thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Song nếu mỗi người tự nhìn nhận lại mình trước khi cầm lái, nhường nhịn nhau lúc ra đường, ứng xử với nhau có văn hóa... thì có lẽ TNGT sẽ được hạn chế và không còn là nỗi ám ảnh thường trực hằng ngày.

TIẾN HUY

8 tuyến quốc lộ qua địa bàn Hải Dương hiện có chiều dài 230 km; 22 tuyến đường tỉnh dài 426 km; 418 km đường huyện; 231 đường đô thị và 1.288 km đường xã. Năm 2017 và 3 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 330 vụ va chạm và tai nạn giao thông làm 234 người chết, 204 người bị thương.

(0) Bình luận
Nhức nhối những cung đường "tử thần"