Người dân tộc thiểu số: Về xuôi, phạm luật giao thông

16/07/2020 07:12

Số lượng người dân tộc thiểu số từ các nơi về Hải Dương làm việc ngày càng đông. Kéo theo đó là tình trạng vi phạm giao thông, liên quan đến tai nạn cũng tăng.

Vụ tai nạn giao thông mới nhất tại Kim Thành sáng 14.7 khiến 1 nạn nhân người dân tộc Mông tử vong tại chỗ


Sẵn sàng "thông chốt"

Nhiều người dân tộc thiểu số đang sống và làm việc tại Hải Dương không chấp hành các quy tắc giao thông. Trung tá Bùi Quang Quyên, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (Công an huyện Bình Giang) cho biết tình trạng này đã dẫn tới nhiều hệ lụy về an toàn giao thông.

Để dẫn chứng về vấn đề trên, trung tá Bùi Quang Quyên thống kê ra một loạt vụ việc đã xảy ra tại Bình Giang. Tối 6.4, lực lượng chức năng tại một chốt kiểm dịch Covid-19 của huyện Bình Giang đang làm nhiệm vụ ở ngã tư Quán Gỏi, đoạn km 33+750 quốc lộ 5 thuộc xã Vĩnh Hưng đã yêu cầu 2 thanh niên đi cùng 1 xe máy dừng lại để đo thân nhiệt. Chiếc xe đâm thẳng vào rào chắn và chỉ dừng lại khi va chạm với một nữ nhân viên y tế. Nếu không có va chạm trên, anh Lường Phúc Nguyên (sinh năm 1997) ở Mường Pồn, huyện Điện Biên (Điện Biên) sẵn sàng "thông chốt", không chấp hành đo thân nhiệt.

"Thanh niên người dân tộc Thái này có nồng độ cồn 0,771 ml/lít khí thở, xe không biển số, không đăng ký, không giấy phép lái xe, không rõ loại xe, không đèn chiếu sáng. Anh Hoàng Văn Trung (sinh năm 1985, cùng quê với anh Nguyên) ngồi sau xe cũng say xỉn. Với lỗi vi phạm trên, xe máy bị tạm giữ 7 ngày, lái xe bị phạt 8,7 triệu đồng. Sau đó, anh Nguyên bỏ lại xe, không nộp phạt", trung tá Bùi Quang Quyên nói. Trước đó, tại ngã tư đường tỉnh 392 và quốc lộ 38 đoạn thị trấn Kẻ Sặt cũng xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 2 người chết, 2 người bị thương, trong đó có 2 thanh niên người Tày và người Thái.

Phóng nhanh, vượt ẩu, thiếu chú ý quan sát cũng là một thói quen của nhiều người dân tộc thiểu số khi đi đường. Không chỉ vi phạm pháp luật giao thông, tình trạng này còn là nguyên nhân của một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Gần đây nhất, sáng 14.7, anh Hạng A Mai, người dân tộc Mông ở Mường Chà (Điện Biên) đi xe máy 27B2-058.19 đã lao thẳng vào đuôi ô tô đầu kéo 15C-159.44 đang đỗ trên làn xe thô sơ quốc lộ 5 hướng Hải Phòng - Hà Nội. Va chạm mạnh khiến anh Hạng A Mai chết ngay trên yên xe, chiếc xe cắm thẳng vào đuôi xe đầu kéo. Hiện trường cho thấy xe máy đi với tốc độ cao, lái xe không phát hiện được ô tô đang đỗ ven đường.

Khó xử lý

Theo một số Đội cảnh sát giao thông cấp huyện, việc xử lý người dân tộc thiểu số vi phạm giao thông rất khó. Chủ yếu do nhận thức về pháp luật giao thông của họ còn hạn chế, một số người không nói rõ tiếng Kinh. Thói quen đi lại tự do, nhiều người dân tộc thiểu số đi xe không có bất cứ loại giấy tờ nào, không đội mũ bảo hiểm, không có bằng lái xe, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, chở quá số người...

Trên quốc lộ 5, tình trạng đi ngược chiều đường để vào các công ty diễn ra thường xuyên, trong đó có không ít người dân tộc thiểu số. Có lần bị cảnh sát giao thông xử lý đi ngược chiều, một thanh niên người dân tộc thiểu số lý luận do khó khăn nên mới phải về xuôi làm ăn, cảnh sát đã không giúp đỡ lại còn xử phạt. Trong khi đó, người này không có bất cứ loại giấy tờ xe nào. Cảnh sát giao thông đã linh động yêu cầu họ quay lại đi đúng chiều đường và thông báo cho công ty.

Hiện chưa có thống kê số lượng người dân tộc thiểu số đang làm việc tại Hải Dương. Hầu hết các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận, còn việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông cho công nhân lao động, nhất là người dân tộc thiểu số ít được chú ý.

Một cán bộ công đoàn của Công ty TNHH H.N. ở thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) thừa nhận công nhân của doanh nghiệp thường xuyên đi ngược chiều quốc lộ 5, trong đó có nhiều người dân tộc thiểu số. Doanh nghiệp này chuyên sản xuất giày, có trên 2.000 công nhân lao động thì có tới 70% là người dân tộc thiểu số. Công ty thường xuyên nhận được thông báo của cảnh sát giao thông về vi phạm của họ và đã nhắc nhở nhưng đâu lại đóng đấy.

Theo đại úy Bùi Thanh Toàn, cán bộ Trạm Kiểm soát giao thông Ngã Ba Hàng (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh), trong quá trình xử lý, đơn vị đã phát hiện nhiều người dân tộc thiểu số vi phạm, có những lỗi rất nặng. Hầu hết các trường hợp này chỉ nhắc nhở chứ không xử phạt. Các doanh nghiệp sử dụng lao động cần đặc biệt quan tâm tuyên truyền để công nhân là người dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức về bảo đảm an toàn giao thông, hạn chế các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra.

 TIẾN HUY

(0) Bình luận
Người dân tộc thiểu số: Về xuôi, phạm luật giao thông