Hiểm họa người tâm thần gây án

07/06/2020 17:01

Những năm gần đây, người bị bệnh và có biểu hiện tâm thần đã gây ra nhiều vụ án đau lòng. Từ đầu năm đến nay, theo số liệu tổng hợp của Công an tỉnh đã xảy ra 3 vụ án do người có biểu hiện tâm thần gây ra.


Người thân xấu số


Trong các vụ án mạng do đối tượng có biểu hiện tâm thần gây ra từ đầu năm đến nay, nạn nhân đều là người thân trong gia đình hoặc người quen biết.

Đã hơn nửa tháng trôi qua nhưng vụ án cháu giết bà ngoại ở thôn Bùng Dựa, xã Tuấn Việt (Kim Thành) vẫn để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình. Hồi 0 giờ 5 ngày 17.5, đối tượng Vũ Văn Cương (sinh năm 1990) đang ở nhà thì có biểu hiện lên cơn động kinh, cầm dao rựa đi sang nhà bà ngoại mình là N.T.L. (sinh năm 1947) cách đó khoảng 500 m. Ít phút sau, khi người thân, hàng xóm đến thì đã thấy bà L. nằm ngay cạnh chân cầu thang phòng ngủ, trên trán có 1 vết thương chảy nhiều máu. Bà L. tử vong tại chỗ với 5 vết thương ở đầu và gãy nhiều xương sườn. Không chỉ giết bà ngoại, Cương còn định chém hàng xóm, người thân khi bị ngăn cản. Sau khi gây án, Cương có ý định tự sát nên cầm dao cắt vào gáy, hai bắp chân, gót chân trái của mình nhưng được đưa đi cấp cứu kịp thời nên không chết. Thời gian qua, mỗi lần lên cơn động kinh, Cương thường tìm bà ngoại để đánh. Có 1lần y đánh bà L. gãy tay.

Trước đó, vào lúc 12 giờ ngày 19.4 tại thôn Mậu Công, xã Quang Trung (Tứ Kỳ) cũng xảy ra một vụ án thương tâm. Sau bữa ăn trưa, Hà Văn Thắng (sinh năm 1983) cãi vã với bố là ông H.V.N. (sinh năm 1952). Thắng đã dùng búa đập vào đầu bố mình nhiều nhát khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

Còn vụ án ở khu dân cư Giang Thượng, phường Tân Dân (Chí Linh), đối tượng gây án với hàng xóm của mình. Khoảng 15 giờ 30 ngày 18.1, Phạm Văn Thao (sinh năm 1989) đến nhà anh T. cùng khu dân cư. Tại đây, 2 người xảy ra cãi vã dẫn đến xô xát. Sau đó, Thao dùng dao mang trong người chém vào cổ, đâm vào người anh T. Nguyên nhân vụ việc do Thao có tình cảm với con gái anh T. nhưng bị gia đình anh T. từ chối nên đã nảy sinh ý định giết người trả thù. Anh T. được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi vì vết thương quá nặng. Được biết, Thao có biểu hiện tâm thần từ nhiều năm nay.

Tuy chưa xảy ra án mạng nhưng vụ việc ở cây xăng Đồng Tâm (Ninh Giang) xảy ra vừa qua đã cho thấy mức độ nguy hiểm của những người có biểu hiện tâm thần đang sống trong cộng đồng. Vào trưa 13.5, tại cây xăng Đồng Tâm, Lê Lương Trí (sinh năm 1986), ở làng Trung, xã Hiệp Lực (Ninh Giang) đến mua 30.000 đồng xăng. Khi nhân viên cây xăng yêu cầu trả tiền thì Trí nói không có và bảo cho nợ. Trí còn lấy con dao gọt hoa quả để sẵn trong cốp xe máy cầm trên tay đe dọa. Công an xã Đồng Tâm đã có mặt kịp thời nên không xảy ra sự việc đáng tiếc. Qua thông tin từ người nhà cung cấp, thời gian gần đây Trí có biểu hiện thần kinh không bình thường.

Giám sát chặt chẽ

Từ những vụ án mạng thương tâm trên cho thấy hiện nay công tác quản lý, giám sát, điều trị người bị bệnh, có biểu hiện tâm thần trong mỗi gia đình và cộng đồng còn nhiều bất cập.

Các đối tượng Cương, Thắng, Thao đều có biểu hiện tâm thần nhiều năm nay. Theo người nhà của đối tượng Cương, y có biểu hiện tâm thần do một lần bị sốt co giật chạy vào não khi đang đi học nghề và phải bỏ học giữa chừng. Sau đó vì bị tâm thần nên dù có đi học, đi nghĩa vụ quân sự, đi làm, Cương đều phải nghỉ giữa chừng. Còn đối tượng Thắng cũng có biểu hiện tâm thần, thường xuyên đi lang thang. Đối tượng Thao sau vụ tai nạn giao thông từ nhiều năm trước đã có biểu hiện thần kinh bất thường. Các đối tượng trên tuy được cho đi khám, điều trị nhưng không triệt để, đúng phương pháp nên bệnh diễn biến ngày một nặng, đồng thời không có sổ theo dõi đã gây khó khăn trong công tác giám sát, quản lý của chính quyền và cơ quan y tế ở địa phương. 

Trung tá Trần Hiệu, Đội trưởng Đội 4, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) cho biết nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là hiện nay những gia đình có người bị tâm thần có phần e ngại, giấu giếm sợ mang tiếng với bà con hàng xóm. Từ đó, nhiều gia đình không cho con đi điều trị tại các cơ sở y tế. Một số gia đình chỉ đi khám rồi mua thuốc về tự điều trị. Còn có bệnh nhân không điều trị bằng tây y mà dùng thuốc nam hay dùng biện pháp tâm linh để chữa trị. Do các đối tượng không được điều trị đúng cách, bệnh ngày càng nặng, chỉ cần bị kích động hay phát bệnh sẽ không kiểm soát được hành vi dẫn đến những vụ thảm sát thương tâm. 

Hiện nay, người bị bệnh tâm thần có chiều hướng tăng với nhiều nguyên nhân như bị chấn thương, áp lực từ công việc, cuộc sống. Nếu không được quan tâm để phát hiện, điều trị kịp thời, đây sẽ là mối nguy cơ tiềm ẩn nhiều rủi ro trong cộng đồng. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ y tế cần chủ động nắm bắt, phân loại để đề xuất với các cơ quan chức năng có biện pháp kịp thời, kiên quyết trong việc quản lý những đối tượng này.

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Hiểm họa người tâm thần gây án